pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ “mù chữ” động viên con thi vào lớp 10: “Chỉ cần con cố gắng, trượt mẹ không trách mắng!”
Phụ huynh căng thẳng chờ con trước cổng trường thi.
Từ nhà đến trường THPT Đống Đa khoảng 4km nhưng chưa đến 7 giờ sáng chị L. và con trai đã có mặt ở điểm thi. "Từ hôm qua đi làm thủ tục về, con đã rất căng thẳng, luôn miệng nói với mẹ là con lo lắm. Con đã ôn kỹ 25 đề Văn mà giờ như không có gì trong đầu. Tối qua 12 giờ con mới đi ngủ, vậy mà 3h30 sáng đã dậy ôn bài rồi"- chị L. tâm sự.
Thấy con chịu áp lực lớn từ kỳ thi chị L. cũng rất căng thẳng. Vì đến điểm thi sớm nên chị vẫn tranh thủ động viên con: "Chỉ cần con cố gắng làm bài, nếu con trượt mẹ cũng sẽ không trách mắng con!".
Trong lúc đứng phía ngoài chờ con thi, chị L. chia sẻ, chị và chồng ly hôn đã hơn 10 năm, mình chị bươn chải nuôi con, chồng không chu cấp đồng nào. Không có công việc ổn định, hàng ngày chị bày bàn bán chè chén ngay gần nhà. Nhưng từ khi đại dịch COVID-19 ập đến, khoản thu nhập duy nhất này cũng không còn.
Khi Hà Nội bình thường trở lại, chị xin làm shipper. "Ngày nào chạy được nhiều đơn thì thu nhập nhiều. Nắng nóng làm nghề này cũng vất vả nhưng nghĩ đến con thi vào lớp 10 như ‘máy ngốn tiền’, tôi lại cố. Trung bình một ngày cũng được khoảng 300.000 đồng"- chị L. bày tỏ.
Tháng có khoảng gần chục triệu đồng cũng đầu tư hết cho con, tuần nào con chị L. cũng học thêm 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, tháng nào riêng tiền học thêm cũng hết hơn 6 triệu đồng. Dù nặng gánh nhưng nghĩ đến tương lai của con, tôi lại động viên con phải học. "Mẹ chỉ học đến lớp 2 rồi nghỉ, giờ muốn viết gì cũng khó khăn, không khác gì ‘mù chữ’ cả nhưng tôi vẫn đầu tư cho con học đầy đủ. Thấy con căng thẳng, tôi cũng xót xa lắm!"- mẹ đơn thân rơm rớm nước mắt khi kể.
Nguyện vọng 1 của con chị L. là vào trường THPT Đống Đa, nguyện vọng 2 vào trường THPT Trần Hưng Đạo. "Tôi hy vọng con có thể thi đỗ, nhưng dù trượt cũng không sao, tôi sẽ không khiến con phải cảm thấy áp lực vì kỳ thi này nữa!"- chị L. nói.
Cũng chờ con trước cổng trường THPT Đống Đa, chị Phan Thị Ngọc (Khâm Thiên, Hà Nội) kể, nhà tôi đi bộ sang thi được nhưng tôi vẫn chở con đi xe máy sang từ sớm cho con đỡ mất sức. Sáng tôi dậy sớm đi mua xôi đỗ và xôi gấc cho con ăn lấy may mà hàng xôi gần nhà "cháy hàng".
Chị Ngọc nói, con gái có sức học trung bình nên kỳ thi này không chỉ gây áp lực với con mà cả gia đình chị đều lo lắng. Thời gian này, câu chuyện thường trực ở nhà chị là nếu con không đỗ nguyện vọng 1 vào trường THPT Đống Đa thì sẽ học ở đâu. "Tất nhiên, vợ chồng tôi không nói trước mặt con, chỉ mong con có tâm trạng thoải mái khi đi thi. Vậy mà sáng nay, con vẫn nói, nếu Văn ra vào đề con không nhớ thì sao hả mẹ?".
Nghe con hỏi, chị Ngọc cũng lo tá hỏa nhưng nghĩ đã có phương án dự phòng nên chị vẫn cười tươi động viên con: "Con nhớ gạch các ý chính ra nháp trước khi làm bài, chỉ cần con làm đủ ý là có điểm"…
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 ở Hà Nội có gần 107.000 thí sinh dự thi tại 203 điểm thi. Sáng nay, thí sinh thi môn Ngữ văn trong 120 phút, chiều thi Ngoại ngữ (60 phút) và sáng mai (19/6) sẽ thi môn Toán trong 120 phút.
Một số hình ảnh phụ huynh "đội nắng" chờ con thi môn Ngữ văn sáng 18/6:
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, thí sinh thuộc diện F0, có giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp và có tên trong danh sách đề nghị của Phòng GD-ĐT sẽ được áp dụng theo phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh thuộc diện F0 nếu có nguyện vọng tham dự kỳ thi phải nộp đơn xin dự thi; cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 và được cha, mẹ hoặc người giám hộ ký xác nhận đồng ý. Để đáp ứng nguyện vọng của thí sinh, các điểm thi đều đã chủ động có phương án bố trí phòng thi riêng cho các thí sinh diện F0.