Mẹ giận sôi người khi bị con nói xấu trong nhật ký. Ảnh minh họa |
Là giáo viên nên chị Phương Anh nghiêm khắc và đòi hỏi ở con khá cao. Với chị, con phải học giỏi và tuyệt đối không chơi bời, đua đòi. Đặc biệt, con không được cãi lời bố mẹ và phải đi theo con đường mà bố mẹ đã vạch sẵn.
Những năm tiểu học, việc học của con không khiến chị lo lắng. Thế nhưng, lên THCS, bước vào tuổi teen, con có nhiều thay đổi. Con không chịu khó học như trước vì có những mối quan tâm riêng.
Thấy kết quả học của con không như kỳ vọng, không ít lần chị Phương Anh chì chiết con. Thậm chí, chị còn cấm con đi chơi với bạn, cấm con mặc những bộ quần áo nghịch ngợm mà teen thích, cấm con sử dụng facebook.
Biết con thích bạn trai trong lớp, chị đã gọi điện cho cậu bạn ấy, lớn tiếng cấm đoán.
Biết con thỉnh thoảng nói bậy khi chat với bạn bè, chị đã chửi con là mất dạy, hư đốn.
Với chị, con giáo viên phải ngoan, học giỏi, nề nếp. Chị không chấp nhận việc con chơi với bạn học kém, đua đòi vì cho rằng con sẽ hư hỏng theo.
Chị kèn kẹt với con khi thấy con có những biểu hiện “lệch lạc” và sẵn sàng xúc phạm, chửi bới con. Chị nghĩ, với lời mắng nhiếc ấy, con sẽ cảm thấy xấu hổ và sẽ rút kinh nghiệm.
Hôm đọc nhật ký của con, chị khá sốc vì hình ảnh chị xuất hiện khá nhiều trong đó. Con gái chị còn thể hiện sự khó chịu như: "Con ghét mẹ, giá như mẹ mình là người khác!"; "Sao mẹ lúc nào cũng như bà la sát, phù thủy thế nhỉ?"; "Mình chỉ mong thời gian trôi thật mau để không phải sống cùng mẹ nữa"; "Mình muốn chết quách cho rồi, sao mẹ không chịu hiểu mình"…
Đọc xong những dòng nhật ký đó, chị Phương Anh cảm thấy như bị “xát muối vào lòng”. Bao nhiêu yêu thương, lo lắng chị dành cho con, cuối cùng chị nhận được là những lời độc địa, ghét bỏ.
Cha mẹ cần hiểu tâm lý tuổi teen để có thể làm bạn với con. Ảnh minh họa |
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn), đây chỉ là những biểu hiện cực đoan nhằm giải tỏa cảm giác khó chịu trong lòng con. Đó không phải là tất cả suy nghĩ, tình cảm của con mà là một phần u tối trong tâm trạng con.
Làm cha mẹ, chắc chắn ai cũng ít nhất vài lần than thở: “Ôi trời, nếu như không có nó thì tốt biết mấy” hoặc “Chỉ vì nó mà cuộc sống của mình lộn tùng phèo”. Nhưng những điều đó không phải là toàn bộ tình cảm hay suy nghĩ thực tâm của người làm cha, làm mẹ. Đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua. Tuy nhiên, theo nhà tâm lý này, nếu cha mẹ viết lại và con đọc được thì chắc chắn con cũng sẽ cho rằng bố mẹ thật lòng nghĩ như vậy và sốc nặng. Những lời nói của con cũng vậy, bố mẹ đừng để mình bị tổn thương vì cảm xúc nhất thời của con.
Tuy nhiên, những dòng nhật ký của con cũng rất đáng lưu ý, là bài học để bố mẹ rút kinh nghiệm trong việc ứng xử với con. Bố mẹ cần hiểu tâm lý tuổi teen để làm bạn với con, đừng áp đặt con theo ý muốn của mình, đừng đặt gánh nặng áp lực, kỳ vọng vào con. Khi bố mẹ luôn coi mình là bề trên, ở vai người “quyền hành” và luôn đòi hỏi con thì khoảng cách của con và bố mẹ không bao giờ kéo gần được.