Ngày 30/1, bác sĩ Dương Văn Đoàn, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu (BV Trẻ em Hải Phòng) cho biết, BV vừa cứu sống bệnh nhi N.T.T. (8 tháng tuổi, ở Hải Phòng) do bị hóc chuối tiêu, tim ngừng đập.
Gia đình bệnh nhi cho biết, trước đó người nhà cho bé ăn chuối tiêu. Khi bé đang ăn, người nhà có việc chạy ra ngoài để mình bé ăn tiếp. Lúc người nhà quay lại thấy bé toàn thân tím tái, ngưng thở do sặc chuối nên nhanh chóng đưa bé đến BV cấp cứu.
Theo bác sĩ Đoàn, bệnh nhi chuyển đến trong tình trạng tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tim. Ngay lập tức, BV huy động toàn bộ nhân lực, vật lực để cứu bé.
Sau vài phút cấp cứu, tim bệnh nhi đã đập trở lại, rồi được thở máy. Sau một ngày, bệnh nhi tiếp tục được nội soi kiểm tra để hút các bọt của dị vật còn sót ra ngoài. Hiện, sức khoẻ bé được cải thiện, cai máy thở và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi (BV Bạch Mai) mọi lứa tuổi đều có thể bị dị vật đường thở, hay gặp nhất là trẻ dưới 4 tuổi.
Khi bị sặc, hóc dị vật, nếu để lâu có thể dẫn đến tình trạng ho ra máu, gây viêm nhiễm hoặc áp xe quanh dị vật. Nguy hiểm hơn, khi bị sặc, dị vật chui vào đường thở, có thể bịt đường thở, gây suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Dũng cho biết, nếu trẻ bị sặc, nếu có biểu hiện tím tái, khó thở thì phải tiến hành cấp cứu ngay tại chỗ bằng thủ thuật dùng tay ép chặt vào bụng nhằm tạo một áp lực mạnh trong đường dẫn khí để đẩy dị vật ra khỏi đường hô hấp trên. Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra.
Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới.
Trong trường hợp trẻ bị hóc, người nhà cần vỗ lưng ấn ngực rồi ép bụng để đẩy dị vật ra ngoài rồi nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế cấp cứu.