Mẹ ung thư nghẹn ngào khi con gái phải gác lại giấc mơ vào đại học

21/08/2019 - 09:02
“Tôi cũng muốn con được tiếp tục đi học nhưng bây giờ biết làm sao được. Bản thân tôi biết sống được bao nhiêu ngày nữa, giờ cháu đi học rồi ai nuôi nấng nó nơi đất khách quê người?”, mẹ nữ sinh Trần Thị Hồng Ngọc (SN 2001, cựu học sinh lớp 12C1, Trường THPT Nghi Lộc 4, Nghệ An) nghẹn ngào.
Đành quên cánh cửa đại học vì phải kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ
 
Trong căn nhà 2 gian chật chội của hai mẹ con, bà Trần Thị Hạt (SN 1962, trú tại xóm 7, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), chỉ còn lại một cánh tay, khuôn mặt khắc khổ khi ngồi bên cạnh cô con gái nhỏ thi thoảng lại nén những tiếng thở dài.
 
 
khng-ch-chm-hc-ngc-cn-m-nhim-vic-nh-rt-tt.jpg
Không chỉ chăm học, Ngọc còn đảm nhiệm việc nhà rất tốt
Khi mới ngoài 20 tuổi, trong lúc lao động, bà không may gặp tai nạn. Bị một thân cây lớn đè lên người, cánh tay bên trái của bà bị dập nát phải cắt bỏ đến vai. Không còn tay trái, bà không thể làm được những công việc bình thường, chật vật để kiếm sống qua ngày nên cũng không dám mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Nhưng sống một mình mãi cũng cô đơn, vượt lên những điều tiếng của xã hội, bà Hạt đánh liều tự “xin” cho mình một đứa con với hi vọng làm chỗ dựa lúc tuổi già. Rồi Hồng Ngọc chào đời giúp ước nguyện của bà thành hiện thực. Mang bầu rồi tự mình vượt cạn, trải qua biết bao vất vả, khốn khó, dù chỉ còn lại 1 tay nhưng bà Hạt luôn dành tất cả tình yêu thương cho con gái, cố gắng cho con ăn học nên người.
 
Về phần Ngọc, sinh ra là con gái của một người mẹ đơn thân lại tật nguyền nên không tránh khỏi những thiệt thòi. Không chỉ không được đến lớp học thêm hay được mua sách nâng cao như các bạn mà thậm chí, đến bộ sách giáo khoa em còn phải đi xin của các anh chị khóa trên, năm học mới em cũng chẳng dám xin một bộ quần áo để đi tựu trường. Dầu vậy, em luôn cảm thấy biết ơn vì biết rằng mẹ đã quá vất vả và luôn dành hết yêu thương cho mình. Đó là động lực giúp em cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mong đợi của mẹ.
 
Dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nhưng nhiều năm liền Hồng Ngọc luôn xuất sắc đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Ngoài giờ học ở trường, thay vì đến những lớp học thêm, em lại ra đồng giúp mẹ trồng thêm luống rau để đem đi chợ bán, hay xin đi làm thuê cho những quán ăn gần nhà để kiếm thêm chút phụ mẹ trang trải cuộc sống. 
 
 
giy-bo-nhp-hc-ngnh-bo-ch-trng-i-hc-khoa-hc-x-hi-v-nhn-vn-h-ni-ca-em-ngc.jpg
Giấy báo nhập học ngành Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội của em Ngọc.
Những tưởng hai mẹ con Ngọc cứ thế rau cháo nuôi nhau, rồi sau này khi em ăn học thành tài, sẽ có thể báo đáp ơn dưỡng dục sinh thành. Thế nhưng, cách đây không lâu, bà Hạt được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư tuyến giáp. Cuộc sống vốn đã khốn khó đủ đường nay lại càng thêm chật vật. Từ ngày mắc bệnh rồi nhất là sau khi phẫu thuật, sức khỏe bà Hạt suy giảm rất nhiều. Đến nay, hàng tháng bà vẫn phải tái khám và điều trị tại bệnh viện Ung bướu Nghệ An với chi phí rất lớn.
 
Ngày Ngọc chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia cũng là lúc Hồng Ngọc biết mẹ mình mắc phải căn bệnh ung thư tuyến giáp ở giai đoạn cuối, lúc này tinh thần em suy sụp rất nhiều. Định bỏ thi để ở nhà chăm sóc mẹ nhưng được sự động viên của bạn bè, thầy cô, Hồng Ngọc mới tiếp tục đi thi. Không phụ lòng mong đợi của mọi người, kết quả thi của em rất cao, trong đó 3 môn xét tuyển đại học khối C đạt 26,5 điểm, là một trong những học sinh có điểm xét tuyển đại học cao nhất trường. Mới đây, nhà trường gửi giấy báo nhập học về, ngày 22/8 tới là hạn cuối nhập học nhưng nữ sinh nghèo chỉ xin mẹ được đóng khung tờ giấy báo nhập học xem nó như một kỷ niệm đẹp của thời học sinh.
 
 
gi-y-sc-khe-b-ht-li-yu-dn-chng-th-lm-nhng-cng-vic-nng-nhc-do-mt-mt-cnh-tay-sau-tai-nn.jpg
Giờ đây sức khỏe bà Hạt lại yếu dần, chẳng thể làm những công việc nặng nhọc do mất một cánh tay sau tai nạn
“Lúc nào mẹ cũng nói, nhà chỉ có hai mẹ con nên phải cùng nhau cố gắng, cháu phải học để có được cái nghề mai này thoát cảnh nghèo khó. Nhưng giờ mẹ cháu lại mắc phải bệnh hiểm nghèo, hàng tháng phải điều trị rất nhiều tiền nên cháu chắc phải xin đi làm thuê để chữa bệnh cho mẹ, chứ nếu mẹ không còn nữa thì cuộc đời của con chẳng còn ý nghĩa gì”, Hồng Ngọc cúi mặt khóc.
 
Giấc mơ “cá chép hóa rồng”
 
“Tôi biết con bé đã khóc nhiều lắm, nó giấu mẹ ngồi một mình bên ngoài để khóc. Tôi cũng thương nó lắm nhưng giờ tôi không biết phải làm sao nữa...”, bà Hạt xót xa.
 
Với số điểm 3 môn xét tuyển khối C đạt 26,5 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên), Hồng Ngọc đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí trường Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, và em đã trúng tuyển. Ước mơ của cả bà Hạt và em Ngọc tưởng như đã dần trở thành hiện thực, nhưng bây giờ lại quá xa vời. Bà Hạt vốn đã không được lành lặn như người thương này lại bị ung thư sức khỏe yếu đi nhiều, nếu em Ngọc đi học thì rồi đây tiền thuốc thang của bà Hạt, tiền sinh hoạt của em biết bấu víu vào đâu. Nghĩ đến đây, hai mẹ con chỉ còn biết ôm nhau mà khóc, giấc mơ đại học có lẽ đành phải tạm gác lại.
 
Mấy hôm nay, sau khi có kết quả trúng quyển của Ngọc, căn nhà của hai mẹ con thường xuyên có bạn bè của Ngọc và cô giáo chủ nhiệm, thầy hiệu trưởng ghé thăm. Mọi người qua để động viên tinh thần và chia sẻ với hai mẹ con.
 
 
ngc-ngm-ngi-bn-t-giy-bo-nhp-hc-i-hc.jpg
Ngọc ngậm ngùi bên tờ giấy báo nhập học Đại học.
“Là giáo viên chủ nhiệm, hơn ai hết tôi thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình em. Một mình người mẹ tật nguyền, chịu biết bao vất vả nuôi em ăn học. Em Ngọc cũng rất ngoan ngoãn, chịu khó học tập, là tấm gương cho các bạn khác noi theo. Nay sau bao nhiêu cố gắng, em đậu đại học rồi mà không lại không thể đến trường thì thiệt thòi quá”, nói đoạn, cô Nguyễn Thị Nhàn - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 của em Ngọc phải dừng lại vì xúc động. Cô giáo Nhàn khóc phần vì thương cho học sinh của mình, phần vì tự trách bản thân đã không thể nào giúp đỡ được học trò của mình viết tiếp những giấc mơ giảng đường đại học.
 
“Nhà trường sẽ làm tất cả để em có thể tiếp tục học tập cũng như sát cánh cùng mẹ em trong quá trình chữa bệnh. Tôi hi vọng với sự chung tay của tất cả mọi người, xã hội sẽ không để một học sinh với nghị lực phi thường như Ngọc phải nghỉ học ở nhà”, thầy Nguyễn Văn Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 4 chia sẻ.
 
 
ban-lnh-o-trng-thpt-nghi-lc-4-chia-s-nhng-kh-khn-ca-em-ngc-v-gia-nh.jpg
Ban lãnh đạo Trường THPT Nghi Lộc 4 chia sẻ những khó khăn của em Ngọc và gia đình.
18 năm nuôi con, 12 năm ăn học thành người, ngưỡng cửa đại học vốn cam go nhưng bà Hạt và em Ngọc đã vượt qua được. Chỉ còn một chút nữa thôi để “cá chép hóa rồng”, để giấc mơ của người mẹ tàn tật và cô con gái nghị lực có thể thành hiện thực. Hơn lúc nào hết, rất cần sự chung tay của các nhà hảo tâm để người mẹ nghèo có thể tiếp tục điều trị căn bệnh ung thư và nhìn con gái được bước vào giảng đường đại học như bao bạn bè cùng trang lứa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm