pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ và con bên căn bếp nhộn nhịp mùa "Cô Vy"
Dạy con kỹ năng và cơ hội gắn kết với con
Các con được nghỉ học dài ngày nên chị Kiều Giang (P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đã tận dụng quãng thời gian này để đồng hành cùng con, dạy con một số kỹ năng cơ bản.
Nhằm hạn chế việc xem tivi, điện thoại và để các con có một "mùa Cô vy" nhộn nhịp, chị luôn cố gắng để "lôi kéo" con vào các hoạt động bổ ích hơn, từ ăn, ngủ, nghỉ, chơi đến làm việc nhà. "Phương châm của tôi là khuyến khích con làm việc nhà một cách tự nhiên, không khiến con cảm thấy bị gò ép hay bắt buộc" - nữ phụ huynh chia sẻ.
Câu chuyện đồng hành cùng con của chị Giang khá thú vị, và đặc biệt được chị chú trọng rất kỹ ở việc khuyến khích con nhẹ nhàng nhất, dạy con cũng chính là đang chơi cùng con, nhằm tạo động lực cho con một cách rất tự nhiên.
Với chị, hướng dẫn con làm việc nhà cũng là cơ hội để gắn kết với con, không chỉ giúp các con "có việc để làm" trong kỳ nghỉ học dài mà còn giúp các con trang bị những kĩ năng cần thiết để có thể tự chăm sóc bản thân. Chị kể, mỗi lần muốn con "học việc" cùng, chị thường tìm những lời lẽ hấp dẫn hai cô con gái như "Con có thể giúp mẹ nấu cơm không?" Hoặc là: "Mẹ muốn con giúp mẹ vài việc".
"Vì bình thường các bạn nhỏ nhà mình thích chơi với mẹ, nên dù là làm gì hay chơi gì cứ có mẹ đồng hành là các bạn tỏ ra thích thú và hào hứng ngay. Bạn nhỏ (4,5 tuổi) có thể giúp mẹ nhặt rau, bóc trứng, dọn cơm (chuẩn bị bát đũa), so đũa,... Bạn lớn (9 tuổi ) biết phân biệt các loại củ quả, thực phẩm, biết sơ chế rau củ và làm một số món đơn giản hoặc "món tủ" – chị Giang cho hay.
Từ những hoạt động nấu nướng khá nhộn nhịp, vui vẻ và vừa sức, chị Kiều Giang đều khích lệ con bằng cách nhắc đến thành tích của hai con trong bữa ăn để ông bà hay bố được biết. Điều đó khiến con cảm thấy vui và thấy được ghi nhận vì làm được việc tốt. Và lần sau con rất phấn khởi để làm tiếp.
"Đôi khi tôi áp dụng phương thức "trả công" cho các việc các bạn làm được. Ví dụ như: gấp quần áo thì được 5 nghìn, dọn nhà được 10 nghìn,...Số tiền này sẽ được các con đút vào lợn tiết kiệm để mua sách. Tôi muốn các con hiểu rằng, ai cũng phải lao động, làm việc thì mới có thể chăm lo được cho bản thân, chứ không phải tiền tự nhiên mà có" – chị nói.
Việc học tạm gác, xắn tay vào bếp thôi!
Những ngày này, căn bếp nhà chị Lệ Thủy (Q. Ba Đình, Hà Nội) cũng sôi động không kém khi có sự giúp sức của hai cô con gái, một bé học lớp 8 và một bé lớp hai. Đặc biệt, cô con gái bé đã đến tuổi bắt đầu làm việc nhà, giúp mẹ nấu cơm được rồi nên tranh thủ nghỉ học tránh dịch, chị đã giúp con hoàn thành một "khóa học" ngắn về kỹ năng vào bếp, và việc học thì tạm gác một bên. Bản thân chị Thủy cũng là người khéo léo, thích làm bánh, nấu ăn ngon nên chị luôn cố gắng sắp xếp tốt công việc, dành thời gian truyền cảm hứng "yêu bếp" cho hai con của mình, nhân dịp các con nghỉ học dài ngày.
Nữ phụ huynh chia sẻ, việc nhà với các đầu mục cụ thể cần làm trong ngày được chị vạch ra khá kỹ, rồi tùy sức lực và khả năng của các con để phân chia nhau cùng làm. Con gái lớn đã có thể tự nấu một bữa cơm hoàn chỉnh, vì vậy sẽ nhận nhiệm vụ day em nấu một số món đơn giản như rán trứng, luộc rau, nấu canh.
Chị rất tâm lý khi khéo léo dạy con vào bếp thay vì tạo áp lực cho con. Ví dụ, tối trước khi đi ngủ chị sẽ hỏi các con mai thích ăn gì, làm gì. "Bạn lớn thì có trách nhiệm rồi nên tôi nhấn mạnh yếu tố tinh thần trách nhiệm với gia đình. Còn bạn bé thì khích lệ bằng việc trao thưởng nếu hoàn thành tốt công việc, ví dụ như một món đồ chơi mà con thích" – chị cho biết.
Ngoài việc nấu nướng, chị Thủy còn khuyến khích các con làm việc nhà một cách có khoa học, tăng thêm các kỹ năng mềm trong mua sắm, cất đặt đồ đạc trong nhà. Ví dụ, chị ghi ra danh sách các đồ cần mua như giấy ăn, dầu ăn, kem đánh răng, rau cỏ các loại... rồi cho con đi siêu thị, lựa chọn và so sánh giá cả, chất lượng, mẹ chỉ làm nhiệm vụ tư vấn.
Sau khi mua sắm, các con sẽ tự giác cất đặt đồ đạc vào đúng vị trí mà chị vẫn thường để, từ đó tạo thói quen ngăn nắp cho các con. Việc này rất hữu ích khi mẹ vắng nhà, thì các con vẫn có thể tự xoay sở được các việc nhà mà không cần phải "loạn lên để đi tìm đồ", theo lời của chị Thủy.
Và sau một thời gian kha khá các con ở nhà tránh dịch, chị Trần Thủy cảm thấy tạm hài lòng về thành quả nho nhỏ của mình khi các con luôn vui vẻ xắn tay vào bếp, có thể bắt đầu nấu nướng được một vài món đơn giản, làm việc nhà thành thạo hơn với nỗ lực tốt nhất,
Câu chuyện của chị Giang và chị Thủy chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện mẹ đồng hành bên con trong mùa "cô Vy" đầy đáng yêu, thú vị. Những bữa cơm đầm ấm, đầy đủ thành viên hơn, căn bếp tuy bề bộn nhưng lại vui hơn khi có các con góp sức…, và quan trọng là mẹ luôn đồng hành cùng con, sẽ luôn truyền cảm hứng tích cực về khoảng thời gian các con nghỉ học dài ngày mùa Covid – 19.