pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ vứt bỏ con mới sinh: Trong bất cứ hoàn cảnh nào đều bị lên án
Em bé bị mẹ vứt bỏ đã được các y bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi.
+ Là người phát ngôn của Hội, bà nhìn nhận như thế nào trước hành vi của người mẹ vứt bỏ con khiến cháu bé đã không qua khỏi mặc dù được y bác sĩ tận tình cứu chữa cũng như sự chung tay chăm sóc của nhiều người trong xã hội?
- Sự xót xa, thương cảm với cháu bé bị mẹ vứt bỏ cũng như sự bức xúc của dư luận đối với hành vi của người mẹ này cho thấy cộng đồng chúng ta không vô cảm. Chúng tôi nhận thấy mọi người, trong đó có rất nhiều phụ nữ, khi biết thông tin cháu bị vứt bỏ mấy ngày nhưng vẫn sống sót kỳ diệu đã cùng nhau hành động với mong muốn điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cháu bé. Vì vậy, khi biết cháu không thể qua khỏi thì sự lên án càng trở nên gay gắt với người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con mình cũng là đều dễ hiểu.
Đối với hành vi trên của người mẹ, Hội LHPN Việt Nam nhận thấy, trẻ em là đối tượng được cả xã hội quan tâm và pháp luật bảo vệ. Quyền sống, quyền được chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng của trẻ em đã được Hiến pháp 2013 quy định tại điều 37 và được thể chế hóa trong Luật trẻ em 2016. Về quyền sống của trẻ em, điều 12 Luật Trẻ em nêu rõ: "Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển".
Vì vậy, người mẹ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu cũng không được có hành động vứt bỏ, cố tình để mặc con chết. Việc này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức xã hội, đó là tình mẫu tử. Do đó, hành vi này cần phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã quy định về tội giết hoặc vứt con mới đẻ.
+ Vấn đề xâm hại trẻ em thời gian qua là đáng báo động và Quốc hội đã có riêng một nghị quyết thành lập đoàn giám sát tối cao. Tại kỳ họp mới đây, Quốc hội đã dành trọn 1 ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. Với vị trí, chức năng của mình, Hội LHPN Việt Nam đã có những hoạt động gì góp phần vào việc phòng chống xâm hại trẻ em?
- Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (Nghị quyết số 121/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2020).
Tuy vậy, ngay trong tháng 6/2020 vẫn xảy ra nhiều vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em gây bức xúc trong dư luận. Đối với mỗi vụ việc, các cấp Hội LHPN Việt Nam đều kịp thời xác minh thông tin, làm việc với cơ quan có thẩm quyền, thăm hỏi gia đình nạn nhân, có văn bản kiến nghị tới các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật trên tinh thần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.
+ Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bỏ rơi trẻ sơ sinh hoặc đau lòng hơn vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả hết sức thương tâm. Nhiều ý kiến cho rằng đây là tình trạng đáng báo động?
- Đúng như vậy. Đây không phải là sự việc đầu tiên một người mẹ vứt bỏ con mới sinh. Thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như báo cáo từ các cấp Hội cho thấy có khá nhiều vụ việc mẹ bỏ rơi con. Đây thực sự là một tình trạng đáng báo động. Qua nắm bắt, tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, đối tượng bỏ rơi con đa số là những phụ nữ tuổi đời còn trẻ, gặp hoàn cảnh éo le (cuộc sống khó khăn, lỡ mang thai cùng người mình yêu, gia đình không chấp nhận, do tập tục lạc hậu…) và có cả nguyên nhân là những phụ nữ này cũng chưa đủ trình độ, kiến thức pháp luật để nhận thức hành vi sai trái của mình.
+ Vậy trước thực tế đáng báo động này, Hội LHPN Việt Nam có kế hoạch hay giải pháp gì để làm sao giảm thiểu, tiến tới không còn để xảy ra những vụ việc đau lòng như trường hợp người mẹ vứt con ở Sơn Tây vừa qua?
Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".
(Điều 124 Bộ luật hình sự 2015)
- Trên thực tế trong nhiều năm qua, vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em luôn được các cấp Hội quan tâm. Liên tiếp trong 2 năm nay (2019, 2020), Hội LHPN Việt Nam đều lấy chủ đề hoạt động năm của các cấp Hội là "An toàn cho phụ nữ và trẻ em".
Trước thực trạng nhiều sự việc đau lòng, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em như vậy, trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em trên phạm vi rộng và xuyên suốt. Hội sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, các ban ngành, đoàn thể để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động toàn dân nâng cao nhận thức pháp luật và chấp hành pháp luật.
Hội LHPN các cấp tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật tới hội viên, phụ nữ, người dân trong cộng đồng về công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là trong bộ phận thanh niên, dưới nhiều hình thức, phù hợp với các vùng, miền, đối tượng. Bên cạnh đó, Hội cũng tuyên truyền để góp phần nêu cao tinh thần giám sát thực thi pháp luật về quyền trẻ em từ cộng đồng dân cư.
Các cấp Hội tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm trang bị kỹ năng sống, cung cấp kiến thức, giáo dục pháp luật về sức khỏe giới tính, sinh sản, nâng cao trình độ nhận thức, kiến thức pháp luật cho phụ nữ, người dân để phòng tránh những vụ việc tương tự như vậy xảy ra.
Đồng thời, Hội tiếp tục giám sát, tăng cường kiến nghị các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm quy định về quyền trẻ em để răn đe, phòng ngừa chung, để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
+ Xin cảm ơn bà!
Tóm tắt vụ việc
Khoảng 15h40 ngày 8/6, người dân phát hiện một cháu bé bị bỏ rơi dưới hố ga phía sau đền Mẫu (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trong tình trạng không có quần áo mặc, 2 mắt, mũi, miệng, cơ thể đang bị dòi bọ bám dính.
Ngay sau đó, UBND, Công an xã Thanh Mỹ cùng Trạm y tế xã Thanh Mỹ cho sơ cứu cháu bé rồi đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu. Cháu bé bị nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Mặc dù được các bác sỹ ở Bệnh viện Xanh Pôn nỗ lực cứu chữa nhưng do bé trai rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn nặng, đến chiều 29/6 thì cháu bé qua đời.
Nhận tin báo, Công an TX Sơn Tây phối hợp Viện KSND TX Sơn Tây và các đơn vị chức năng đã điều tra, xác minh, làm rõ người bỏ rơi cháu bé là Phạm Thị Thành (31 tuổi, trú tại Hoa Thành, Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Tại cơ quan Công an, Thành khai nhận ngày 6/6, Thành đón xe buýt lên TX Sơn Tây chơi. Đến khoảng 23h đêm ngày 6/6 thì thấy mình vỡ nước ối và trở dạ. Thành đã đi một mình đến ruộng rau cạnh đền Mẫu trong thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ tự sinh cháu bé.
Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh, Thành bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ. Sau đó, Thành xoá dấu vết, rồi đi về trung tâm TP Hà Nội. Hiện Cơ quan CSĐT Công an TX Sơn Tây đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thành để điều tra về hành vi vứt bỏ con mới đẻ.