pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ xót xa khi thấy con suốt ngày dán mắt vào truyền hình, máy tính để học online
Những đứa trẻ đang đờ đẫn vì học online
Không thể phủ nhận, việc học online là giải pháp cần thiết trong đợt dịch Covid-19. Thế nhưng, khi thấy 2 đứa con cả ngày phải học trước máy tính, chị Đoàn Thu Minh (Hà Đông, Hà Nội) cảm thấy rất xót xa.
Nhìn lịch học online của cô con gái lớp 6, chị Minh muốn "ngất xỉu". Sau khi kết thúc việc học trên truyền hình từ 8g30 sáng, con tiếp tục học online 1 tiết buổi sáng. Chiều, con có 2 tiết học online. Hầu như các tối trong tuần, con đều có môn học thêm qua online. 1 ngày gần như con kín lịch. Lịch học này, nếu là học ở trên lớp, học trực tiếp với giáo viên, thì không có gì đáng nói. Thế nhưng, với 1 đứa trẻ vừa 12 tuổi phải "ôm" máy tính cả ngày là rất mệt mỏi.
"Trước đây, các con chỉ phải học online môn Toán, Văn, Tiếng Anh thì việc học không mấy vất vả. Từ khi tình hình nghỉ dịch được dự báo tiếp tục kéo dài, con chị Minh phải học online tất cả các môn như Sinh, Sử, Địa, GDCD... Mắt con cả ngày dán vào màn hình máy tính, lúc nào cũng cắm tai nghe. Sau mỗi buổi học, nhìn con uể oải, mệt mỏi, tay dụi mắt vì mỏi mà thương con", chị Minh chia sẻ.
Chị Minh cho biết, cô con gái vốn học kém nên còn phải học thêm gia sư buổi tối qua online. Chưa hết, giáo viên Văn, Toán trong lớp cũng tổ chức dạy thêm online 4 buổi/tuần mà học sinh như con chị muốn nghỉ cũng... ngại. "Cứ kéo dài thế này, tôi thực sự lo ngại cho sức khỏe của con. Người lớn ngồi làm việc ở máy tính cả ngày còn mệt rũ huống hồ những đứa trẻ vừa bước qua bậc tiểu học", chị Minh thở dài cho biết.
Chúng ta không được quên những ảnh hưởng của máy móc, của mạng xã hội đến sức khỏe và tâm lý của trẻ. Trẻ ngồi nhiều, dán mắt vào máy tính, đó là cách nhanh nhất để hủy hoại mắt và trí não trẻ. Học online được xem là “cứu cánh” ở thời điểm dịch bệnh này. Tuy nhiên, chúng ta cần biết cân đối việc học online hiệu quả để không “hủy hoại” đến trẻ em”.
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội
Con chị Hoàng Khánh Mai (Kim Liên, Hà Nội) vốn bị loạn thị. Do mắt con yếu nên trước đây chị không được chơi điện thoại, hạn chế xem tivi, máy tính. Vậy mà, thời gian này, ngày nào cậu con trai lớp 3 cũng phải chúi mắt vào máy tính học bài khiến chị Mai rất lo lắng. "Chắc chắn sắp tới, mắt con sẽ bị tăng số rất nhanh. Mất bao nhiêu công sức bố mẹ giữ gìn đôi mắt cho con. Quan trọng là tôi thấy việc học online với học sinh tiểu học không hiệu quả. Lớp học nhốn nháo, cô mất nhiều thời gian ổn định lớp. Chưa kể, có lúc mạng yếu, học sinh lại bị "văng" ra khiến việc theo dõi bài giảng của cô không liền mạch. Sau mỗi buổi học online, nhìn con nhiều mệt mỏi hơn là hứng thú", chị Mai chia sẻ.
Học online kéo dài sẽ tác hại khủng khiếp
Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, chị Nguyễn Thị Vân (ĐH Thủy Lợi Hà Nội) cho biết, sau một thời gian thử nghiệm, các trường đang tăng tốc áp dụng thời lượng học online như học... offline. Việc những đứa trẻ phải ngồi trước màn hình máy tính liên tục từ 4-6 tiếng/ngày, gắn tai nghe liên tục... thì sau đại dịch Covid-19 sẽ có một lứa học sinh "mắt mờ, tai nghễnh ngãng, chân tay yếu ớt". Chị Vân mong muốn ngành giáo dục không nên lạm dụng dạy học trực tuyến mà nên lựa chọn một số môn học và bố trí thời gian thực sự khoa học. Như, bậc Tiểu học: học 1 tiếng/ngày, bậc THCS: học 2 tiếng/ngày, bậc THPT: học 3 tiếng/ngày.
Là người vừa học, vừa dạy online trong một thời gian dài, chị Dương Lê (giáo viên tiếng Anh) cho biết, nếu việc học online kéo dài thì có tác hại khủng khiếp. "Người học mệt, người dạy thì quay cuồng. Cả hai đều có vấn đề về tâm lý và thể chất. Chính vì thế mà cha mẹ hãy cho con học môn nào con thấy hứng thú thực sự. Bởi con sẽ không thấy bị tra tấn bởi thời lượng và tạp âm của buổi học. Hãy cho con học môn nào có kèm chút vận động và tương tác trong giờ để con thực sự cảm nhận được như lớp học trực tiếp", chị Dương Lê chia sẻ.
Chia sẻ về vấn đề học sinh học online quá nhiều, TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, nếu không để ý đến hệ lụy của việc học từ xa kiểu này thì có lẽ sau này thế hệ tương lai phải gánh chịu nhiều hậu quả.