Hà Nội lại đổi ý khi cho phép khối trường tư thu phí dạy học online

N.Lam
18/03/2020 - 19:31
Hà Nội lại đổi ý khi cho phép khối trường tư thu phí dạy học online
Khác với văn bản trước đó về việc cấm tất cả các trường thu phí dạy học online trong thời gian tránh dịch Covid-19, Sở GD&ĐT mới đây lại ra văn bản, cho phép khối trường ngoài công lập thu tiền dạy học online, dựa trên sự thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Việc thu khoản phí này hiện cũng gây ý kiến trái chiều trong phụ huynh.

Ngày 17/3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn gửi các các trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và hiệu trưởng các trường THPT. Cụ thể, Sở GD&ĐT cho biết các các trường ngoài công lập sẽ tự thỏa thuận với phụ huynh về các khoản chi phí phát sinh sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Các nguồn thu này phải đảm bảo tính công khai và nhận được sự đồng thuận của các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, tiền hỗ trợ học online, số tiền học phí đã thu và tiền học phí của các tháng còn lại (sau khi học sinh trở lại trường) không được vượt quá tổng số tiền học phí cả năm mà nhà trường đã thông báo trước đó.

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường công lập có thể tiến hành dạy học online cho học sinh. Việc dạy online phải được xây dựng kế hoạch, thẩm định nội dung bài giảng theo quy định. Quá trình tổ chức dạy online đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, sư phạm, chất lượng. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các nhà trường tự xây dựng kế hoạch học tập theo hướng dẫn và khi học sinh quay trở lại sẽ tổ chức học bổ sung kiến thức.

Như vậy, sau khi yêu cầu cấm thu khoản tiền này dưới mọi hình thức, Sở GD&ĐT đã cho phép khối trường tư thục thu phí dạy học online, dựa trên thỏa thuận của phụ huynh và nhà trường.

Hà Nội lại đổi ý khi cho phép khối trường tư thu phí dạy học online - Ảnh 1.

Thời điểm ra văn bản cấm thu khoản phí trên, phía Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng có thông tin phản hồi theo hướng không có văn bản nào của bộ quy định việc cấm thu.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT Trần Tú Khanh cho hay, đối với trường công lập thì thực hiện theo Nghị định 86/2015 và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Theo đó, khối trường công lập không thực hiện thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh. Các đơn vị chỉ thực hiện thu học phí đối với tháng đi học bù, đồng thời đảm bảo việc thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên theo số tháng thực học. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu chín tháng/năm; đối với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu 10 tháng/năm.

Riêng với hệ thống trường ngoài công lập, việc thu học phí thực hiện theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh. Việc hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ do phòng dịch bệnh là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa.

"Do đó, việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm. Việc thỏa thuận phải thông báo công khai ngay từ đầu" – ông Khánh nói.

Hiện, việc thu phí dạy học online vẫn gây tranh cãi từ chính phụ huynh. Trong khi một số phụ huynh cho rằng không nên thu phí thì một số khác lại ủng hộ nên có khoản hỗ trợ nhất định cho thầy cô trong quá trình chuẩn bị bài giảng. Khác với khối công lập, nguồn thu của trường tư thục cần được duy trì để có khoản chi phí bồi dưỡng cho giáo viên, qua đó nâng cao chất lượng dạy học từ xa.

Ghi nhận từ phía giáo viên cho thấy, việc dạy học từ xa như trực tuyến, soạn bài giảng truyền hình, streamer… không hề dễ dàng do giáo viên chưa có tiền lệ thực hiện hoạt động này. Giáo viên mất nhiều thời gian soạn bài giảng, đọc, chấm bài, báo cáo với nhà trường, khó để quản lý chất lượng học sinh.

Một giáo viên tiểu học của trường tư thục quận Cầu Giấy, thừa nhận, dạy học trực tuyến không dễ dàng như dạy trực tiếp vì khó quản lý được học sinh qua mạng, không kiểm soát được kỷ luật học sinh, gây ảnh hưởng đến tiếp nhận nội dung bài học. Bài giảng nếu không hấp dẫn thì cũng khiến các em dễ nhàm chán.

Chưa kể, ngoài việc dạy trực tuyến, giáo viên còn phải liên tục đảm bảo kết nối với từng phụ huynh một qua mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi, giải đáp mọi khó khăn thắc mắc của phụ huynh và học sinh, mất không ít thời gian.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm