pnvnonline@phunuvietnam.vn
Công nhận kết quả học từ xa: Bộ "bật đèn xanh", địa phương vẫn thấy khó
Gián tiếp công nhận kết quả dạy học từ xa, trực tuyến
Từ những hình thức dạy học từ xa manh mún ngay từ đợt đầu của dịch Covid –19 như dạy qua gmail, phòng meeting online… thì hiện tại, nhiều địa phương đã triển khai quy mô cách dạy học qua truyền hình. Trước thực tế này, mới đây Bộ GD&DTD gửi văn bản đến các Sở GD&ĐT cả nước về việc tăng cường các cách học từ xa qua truyền hình và internet.
Cụ thể, Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học để tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học qua internet có chất lượng.
Với riêng dạy học qua truyền hình, Bộ GD&ĐT lưu ý lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy học và khung giờ phát sóng trên truyền hình bảo đảm chất lượng, phù hợp với chương trình học của các đối tượng học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Xây dựng lịch phát sóng cụ thể trên truyền hình đối với từng môn học, lớp học và phổ biến tới toàn thể học sinh, giáo viên và gia đình học sinh; báo cáo lịch phát sóng về Bộ GD&ĐT.
Nhà trường phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh qua internet, trên truyền hình; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.
Một nội dung khá quan trọng được Bộ nhấn mạnh là, khi học sinh đi học trở lại, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Đây được xem là cách gián tiếp Bộ GD&ĐT cho phép công nhận kết quả học tập của học sinh qua truyền hình, internet.
Có dễ thực hiện?
Qua ghi nhận, việc dạy học qua truyền hình, internet là hình thức dạy học khá mới mẻ của giáo viên và cả học sinh, nên dẫn đến nhiều bất cập trong việc truyền tải nội dung kiến thức, hiệu quả tiếp nhận bài học. Bên cạnh đó, do chưa có thống nhất nên cách triển khai của mỗi địa phương được thực hiện khác nhau, thiếu đồng bộ. Với học sinh, vì chưa có quy chế nào cụ thể nên việc học chủ yếu vẫn mang tính chất tự nguyện, không đảm bảo kỷ luật.
Các chuyên gia nhìn nhận, để thực hiện việc công nhận kết quả học tập từ xa của học sinh, cần có hành lang pháp lý nhất định. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, nước ta đang có đủ điều kiện tốt để triển khai đồng bộ việc dạy học qua truyền hình do có mạng lưới vô tuyến phủ rộng 63 tỉnh, thành phố. Chính vì vậy, cần sớm triển khai đồng bộ, có nội quy để học sinh các tỉnh chấp hành thực hiện. Hướng dẫn càng cụ thể thì các địa phương càng thực hiện việc tổ chức dạy học đồng bộ, thống nhất hơn.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đồng tình khi cho rằng, Bộ GD&ĐT cần đẩy nhanh việc nghiên cứu hành lang pháp lý để công nhận kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình. Bởi các địa phương dù đang triển khai mạnh mẽ nhưng vẫn còn dè chừng vì chưa có sự thống nhất, hướng dẫn về mặt nội dung cụ thể.
"Bộ GD&ĐT nên có các tiêu chí để đánh giá và công nhận kết quả học một cách cụ thể, phù hợp với từng địa bàn. Những nơi chưa có điều kiện thì cũng nên hướng dẫn tổ chức các phương pháp dạy học phù hợp, không làm gián đoạn kiến thức, kết hợp với các hình thức kiểm soát, đánh giá học sinh gián tiếp theo từng trường, từng lớp. Cùng với đó, cần làm rõ các khái niệm học từ xa, trực tuyến để thống nhất trong nhà trường, học sinh.
Được biết tại Hà Nội, từ ngày 9/3, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố tổ chức xây dựng và ghi hình chương trình dạy học các môn của năm học 2019- 2020 cho học sinh lớp 9 và lớp 12 qua truyền hình.
Ông Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã huy động gần 50 cán bộ, giáo viên THCS, THPT biên tập nội dung, thiết kế bài giảng đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, theo chương trình giáo dục hiện hành. Chương trình được phát sóng từ thứ 2 đến thứ 7 mỗi tuần với thời lượng 45 phút/môn học. "Đây là các bài giảng mới, tiếp nối các bài học mà các em học trước kỳ tạm nghỉ chống dịch Covid-19 chứ không phải ôn lại các bài đã học", ông Quang nói.
Ở cấp đại học, theo chia sẻ của một giảng viên ngành báo chí tại Hà Nội, cách làm này hoàn toàn khả thi đối với sinh viên, khi đặc thù phần lớn vẫn là tự học, tự nghiên cứu tài liệu và "trả bài" bằng nhiều hình thức khác nhau thay vì làm bài thi đơn thuần (sản phẩm chuyên môn, trắc nghiệm, tiểu luận…).
"Cách học online hay học trực tiếp, về cơ bản không ảnh hưởng lớn đến kết quả vì dù học cách nào, sinh viên vẫn phải trả bằng sản phẩm. Việc học và tích lũy kiến thức chủ yếu ở ý thức của các em. Có những ngành đòi hỏi sinh viên thực hành càng nhiều thì càng tốt, vì vậy học từ xa và tăng thời lượng thực hành cho sinh viên, cũng là thúc đẩy các em thực hành nhiều hơn. Tùy vào đặc thù của mỗi ngành để thiết kế bài giảng từ xa phù hợp, và vì thế vẫn hoàn toàn có thể công nhận kết quả học tập của các em qua sản phẩm" – giảng viên này phân tích.