pnvnonline@phunuvietnam.vn
Học từ xa qua truyền hình, trực tuyến, học sinh - sinh viên nghĩ gì?
Muôn kiểu học từ xa
Có thể nói, học từ xa qua truyền hình, trực tuyến, live stream… đang là các cách học mang tính "bất đắc dĩ" của phần lớn học sinh – sinh viên trong giai đoạn tránh dịch Covid hiện nay. Từ một số bài giảng trực tuyến qua mạng, phòng chat online, việc dạy học từ xa hiện đã mở rộng hơn với các bài giảng phát qua truyền hình. Tuy vậy, một sự cố mới đây đang khiến dư luận bức xúc, liên quan đến cách học này.
Theo đó, trong một số bài giảng do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức thực hiện mới đây cho học sinh lớp 9 và 12, đã xảy ra sự cố khi phát trực tiếp qua kênh youtube của Đài truyền hình Hà Nội. Khi xem thầy cô giảng bài, nhiều học sinh đã sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn mực, thậm chí là tục tĩu để tham gia trò chuyện trong khi các bài giảng được phát.
Những lời nói phản cảm, thiếu văn hóa của chính người học trong khi thầy cô giảng bài dồn hết tâm huyết, người được dạy cũng được lựa chọn kỹ càng, là giáo viên giỏi, đang khiến dư luận dậy sóng. Hiện, Ban lãnh đạo của Đài đang phối hợp với Công an thành phố để xác minh những trường hợp có hành vi xấu nêu trên và có biện pháp xử lý.
Những hạn chế của dạy học từ xa vẫn đang bộc lộ, bằng cách này hay cách khác. Nguyễn Thị Nhung – sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã chia sẻ cảm nhận của mình qua những lần học online cùng thầy cô. Cảm giác của Nhung là... buồn ngủ và rất nhanh chán. Chất lượng bài học cũng không cao do nhiều âm thanh hỗn tạp, mọi người không nghiêm túc nghe giảng. "Vì không tập trung nên mọi người lại vào web để đọc báo, hoặc có những bạn… ngủ quên luôn khi cô vẫn đang giảng bài, trước sự chứng kiến của cả lớp" – cô ngao ngán kể lại.
Với cấp học phổ thông, việc dạy học từ xa cũng khiến cả thầy và trò cùng mướt mồ hôi. Chứng kiến một buổi học trực tuyến của lớp con với cô giáo, chị Mai Hoa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) có con học lớp 2 tại một trường tiểu học tư thục thấy nhiều bất cập. Riêng việc ổn định lớp với hơn 20 bạn thi nhau nói, hò reo, cười đùa… qua mic đã đủ khiến cô giáo mất thời gian đầu để ổn định.
Sau khi ổn định lớp và yêu cầu các học sinh tắt hết micro để cô giảng bài, thì không phải bạn nào cũng… nghe lời. "Thi thoảng, có bạn đòi đi… uống sữa, có bạn muốn đi vệ sinh, làm ngắt mạch của cô. Rồi cô đang giảng thì đường truyền bị ngắt, khiến cô phải vào lại phòng chat và rồi lại phải mất một khoảng thời gian nữa chỉ để… ổn định trật tự lớp, dù là online" – chị Hoa thuật lại buổi học.
Thường thì sau các buổi học online kéo dài có khi đến 2h đồng hồ liên tục qua màn hình máy tính bé xíu, nữ phụ huynh đều thấy con than mệt, mỏi mắt, thiếu hào hứng. "Đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn nếu kéo dài mãi thế này chắc chắn không ổn, hiệu quả học thấp mà ảnh hưởng đến sức khỏe các con" – chị nói.
Khi cả thầy và trò đều bỡ ngỡ
Người học thì tỏ ra uể oải, thế còn người dạy thì sao? Rõ ràng thầy cô giáo đang bỏ ra không ít công sức khi cố gắng quay, thu lạp clip bài giảng một cách hấp dẫn nhất để gửi cho học sinh, bằng nhiều tâm huyết. Dù với không ít thầy cô, đây là lần đầu tiên trải nghiệm cách làm này. Chính vì thế, bản thân thầy cô giáo cũng gặp không ít khó khăn khi mọi thứ còn quá lạ lẫm.
Một giảng viên ngành báo chí tại Hà Nội chia sẻ, học trực tiếp, mỗi tiết học 45 – 50 phút tương tác giữa thầy và trò với nhau, có nghỉ giải lao mà lắm khi còn thấy mệt, huống hồ là bắt sinh viên ngồi nghe liền tù tì một hai tiếng đồng hồ cho một bài giảng từ xa. Ngay cả việc học qua phần mềm meeting thì tính tương tác quá thấp cũng khiến tâm lý chán nản cho cả người dạy và người học dễ bị ảnh hưởng.
Điều này không có gì dễ hiểu, bởi giảng viên chưa hề có kỹ năng và kinh nghiệm trong dạy học từ xa, do từ trước đến nay chưa phổ biến cách dạy này. Giảng viên chưa có kinh nghiệm giảng dạy, trong khi sinh viên chưa có thói quen học. Bên cạnh đó, hệ thống dạy học chưa chuyên nghiệp nên gây nhàm chán, không tạo ra hứng thú tương tác giữa giảng viên và người học... Đây là vấn đề cần thời gian để thầy và trò cùng thích nghi.
"Thực ra học từ xa chỉ là liệu pháp tình thế, còn chúng tôi vẫn nói với nhau, và sinh viên vẫn "kêu" rằng các em muốn được đến lớp trực tiếp học lắm rồi. Có trao đổi, tranh luận thì bài giảng mới hiệu quả, các em cũng thấm được kiến thức. Học online dù tôi có nhắc các em trao đổi, nhưng các em không có điểm kết nối do chỉ nhìn nhau qua màn hình mờ ảo, chập chờn tùy theo cột sóng của từng nơi" - nữ giảng viên chia sẻ.
Theo một số giáo viên, trong giai đoạn nghỉ học chống dịch hiện nay, rõ ràng học từ xa chỉ là giải pháp tạm thời. Các trường theo đó không nên đặt quá cao mục tiêu chất lượng từ cách dạy học này. Riêng với cấp học phổ thông thì khi học sinh trở lại trường sau dịch, việc dạy bù vẫn phải triển khai, nhằm đảm bảo đủ chương trình học trong năm.
Hiện nay ngoài Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã bắt đầu triển khai mô hình học qua truyền hình cho học sinh cuối cấp như Đồng Nai, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế... Phương thức học này dự kiến sẽ duy trì đến khi học sinh được trở lại trường sau đợt nghỉ chống dịch covid đang kéo dài từ Tết đến nay.