"Miễn phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai" là chính sách nhân văn

PV
23/10/2020 - 11:45
"Miễn phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai" là chính sách nhân văn

Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa: KT

Thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS sáng 23/10, nhiều đại biểu tán thành với quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV sẽ được miễn phí xét nghiệm. Đây là chính sách nhân văn, nhằm phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10 sáng nay (23/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm, thảo luận về Điều 35, Phòng chống lây nghiễm HIV từ mẹ sang con. Trong đó, dự thảo luật quy định: "Phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn được quỹ BHYT chi trả đối với người có thẻ BHYT. Phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV thuộc các trường hợp khác được miễn phí".

Đại biểu Trương Thị Yến Linh, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, bày tỏ đồng tình với quy định phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn được quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn việc xét nghiệm HIV không theo yêu cầu chuyên môn thì được hiểu là không được BHYT chi trả.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Yến, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, bày tỏ đồng tình việc miễn phí xét nghiệm HIV tự nguyện để phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Đây là những chính sách rất ưu việt thể hiện tính nhân văn của Nhà nước trong việc phòng, chống HIV.

Tuy nhiên, theo đại biểu Yến, việc chi trả kinh phí cho xét nghiệm hiện nay thực hiện chưa thống nhất, chưa đảm bảo, bởi nguồn kinh phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ quốc tế đến nay không còn. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cấp sẽ không đảm bảo. Vì vậy, rất cần sự chi trả từ Quỹ BHYT.

Báo cáo thẩm tra dự thảo luật này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Về kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 35), dự thảo đã bổ sung việc chi trả từ Quỹ BHYT đối với người có thẻ BHYT khi thực hiện xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn. Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định Quỹ BHYT chỉ chi trả đối với người có thẻ BHYT xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn, trong khi các đối tượng không có thẻ BHYT được xét nghiệm miễn phí (không ràng buộc điều kiện), đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm về tính hợp lý, tính công bằng, tính thực tiễn của quy định này.

Miễn phí xét nghiệm cho phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Thị Yến, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, phát biểu

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng quan tâm, thảo luận về Điều 27, Xét nghiệm HIV tự nguyên; trong quy định độ tuổi xét nghiệm HIV tự nguyện là: "phải từ đủ 15 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự". Theo đại biểu đại biểu Lê Thị Yến, dự thảo luật quy định độ tuổi được quyền tự nguyện xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 15 tuổi mà không cần sự trợ lý của cha mẹ, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật. Việc quy định này là phù hợp với thực trạng trong nhóm trẻ hiện nay, trẻ em ngày càng có xu hướng quan hệ tình dục sớm.

Trên thực tế, các em không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục. Cho nên việc xét nghiệm sớm để phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em và khắc phục được các tồn tại hiện nay trong công tác phòng chống HIV.

Dưới góc độ tâm sinh lý, theo đại biểu Yến, độ tuổi này là giai đoạn chưa phát triển toàn diện về nhận thức cũng như tâm sinh lý. Điều này rất dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, có thể dẫn tới hệ lụy rất nguy hiểm khi biết bản thân nhiễm HIV.

Theo đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu về tuổi tự nguyện xét nghiệm HIV tự nguyện không có người giám hộ, dưới góc độ các căn cứ khoa học. Đặc biệt là khi có kết quả xét nghiệm dương tính thì cần có quy định thông báo cho gia đình như thế nào; và quy định việc tư vấn hỗ trợ các em điều trị sớm như thế nào?

Bên cạnh đó, đại biểu cũng quan tâm tới các đối tượng là trẻ em lang thang cơ nhỡ hiện nay khá nhiều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp. Đây cũng là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV. Tuy nhiên, chúng ta chưa có quy định về hỗ trợ đối tượng này trong việc phòng tránh HIV. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định hỗ trợ xét nghiệm đối với đối tượng trẻ em này.

Theo tờ trình của Chính phủ, trung bình, hằng năm nước ta xét nghiệm HIV cho trên 700.000 lượt người có nguy cơ cao, phát hiện 8.000 đến 10.000 người nhiễm HIV.

Hiện nay đang điều trị thường xuyên, liên tục cho 53.000 trường hợp nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone và 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV.

Trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam liên tục thuyên giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm