Mở 'hạn ngạch' 3.500 lao động làm việc tại Hàn Quốc

17/05/2016 - 14:20
Phía Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam trong năm 2016, sau khi 2 bên chính thức nối lại chương trình về phái cử và tiếp nhận lao động.
ky-ket-lao-dong-han-quoc.JPG
 Lễ ký biên bản ghi nhớ về phái cử, tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc (ảnh PVH)

Sáng nay 17/5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. Theo đó, từ năm 2016, phía Hàn Quốc sẽ tiếp nhận khoảng 3.500 lao động từ Việt Nam.

Biên bản ghi nhớ lần này đánh dấu việc tiếp nhận lao động sang Hàn Quốc trở lại bình thường, mở ra cơ hội với nhiều lao động Việt Nam. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Tổng nhu cầu của Hàn Quốc tiếp nhận lao động của các nước là khoảng 56 ngàn người và có 15 nước tham gia chương trình. Từ năm 2004 đến nay, có 75.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc với mức thu nhập ổn định từ 1.000 đến 1.500 USD/người/tháng.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm: Biên bản ghi nhớ có hiệu lực ngay sau khi ký. Trong tuần tới, cơ quan chức năng sẽ xây dựng kế hoạch thi tuyển, đào tạo, tuyển dụng và sẽ được đăng tải công khai. Chương trình phái cử lao động này sẽ ưu tiên cho 2 nhóm đối tượng là nhóm lao động mẫu mực đã tham gia chương trình, chấp hành tốt luật pháp 2 nước; nhóm lao động mới đã có kiểm tra trình độ tay nghề, tiếng Hàn.

Bản ghi nhớ cũng nêu ra mức phí thu của người lao động phải đảm bảo hợp lý, không cao hơn 14 nước khác đang tham gia chương trình. Ông Doãn Mậu Diệp cho biết: Mức phí đi lao động Hàn Quốc vẫn là 630 USD, được áp dụng từ 2014 đến nay.

Theo biên bản, phía Hàn Quốc chỉ dành “hạn ngạch” tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam. Ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, con số này thấp hơn kỳ vọng bởi “hiện nay, tỷ lệ lao động Việt bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn cao, chiếm trên 30%”.

Hai bên cũng thống nhất nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong đó, Chương trình đang xem xét tạm dừng tiếp nhận các lao động tại các địa phương có tỷ lệ cao lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Theo thống kê, địa phương có đông lao động “chui” tại Hàn Quốc là Nghệ An với hơn 1.400 người, Hà Nội 940, Hải Dương 850, Thanh Hóa 820 người...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm