pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho lao động nữ tuổi trung niên

Ảnh minh họa
Nhu cầu phát triển ngành dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp và bài bản
Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số từ năm 2011 và đang được xếp vào nhóm các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2024, số lượng người dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên đã lên tới 14,2 triệu người, tăng tới 4,7 triệu người so với năm 2014. Dự báo không xa, đến năm 2030, con số này sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tiếp tục gia tăng gần 4 triệu người chỉ trong vòng 6 năm.
Sự gia tăng nhanh chóng của nhóm dân số cao tuổi đồng nghĩa với việc gia tăng các thách thức về y tế và xã hội, dẫn đến nhu cầu cấp thiết về các dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc dài hạn chất lượng cao cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy trung bình một người cao tuổi Việt Nam đang phải sống chung với nhiều bệnh lý mạn tính, đòi hỏi sự chăm sóc chuyên biệt và liên tục.
Trong khi đó, mô hình gia đình truyền thống đang dần thay đổi, cùng với áp lực công việc và cuộc sống, khiến khả năng chăm sóc toàn diện tại gia đình của con cháu bị hạn chế đáng kể. Điều này thúc đẩy sự cần thiết phải phát triển một ngành dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp và bài bản.

Bà Bùi Thị Ninh - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh khu vực TPHCM - chia sẻ về thách thức mà những người phụ nữ làm công việc chăm sóc đang phải đối mặt.
Chăm sóc người già - "nghề mới" nhưng không mới
Chia sẻ tại Hội thảo "Chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc - Động lực phát triển của ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam hướng tới bình đẳng giới và chăm sóc toàn diện" diễn ra vào chiều 4/7 tại TPHCM, các đại biểu đều có chung nhận định, mặc dù việc chăm sóc người già đã tồn tại từ lâu trong văn hóa gia đình Việt Nam, nhưng với sự già hóa dân số nhanh chóng, nhu cầu chăm sóc người già chuyên nghiệp ngày càng tăng. Tuy nhiên, thay vì được nhìn nhận như một ngành dịch vụ quan trọng, công việc này thường bị coi là "việc nhà" hay "thiên chức" của phụ nữ trong gia đình.
Ngoài ra, nghề chăm sóc người già hiện nay chưa có khung tiêu chuẩn, không có nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu và cấp chứng chỉ chính thức cho người chăm sóc người già tại Việt Nam. Hầu hết những người làm công việc này đều tự học hỏi kinh nghiệm hoặc được hướng dẫn qua loa, dẫn đến chất lượng dịch vụ không đồng đều và tiềm ẩn rủi ro.
Vì không được công nhận là một nghề, những người làm công việc chăm sóc người già thường nhận được mức lương thỏa thuận, không ổn định và thường thấp hơn so với công sức họ bỏ ra. Họ cũng không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay các quyền lợi lao động cơ bản khác.

Các đại biểu thảo luận về sự phát triển của ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam
Phát triển ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi hướng tới bình đẳng giới và chăm sóc toàn diện
Trước thực trạng trên, Dự án Phát triển nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi - GRACE đã chính thức được công bố tại Hội thảo. Dự án ra đời với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, đồng thời mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho lao động trung niên và khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân vào ngành dịch vụ chăm sóc.
GRACE không chỉ là một dự án đào tạo, mà còn hướng đến việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ phát triển bền vững cho nghề chăm sóc không y tế (non-medical caregiving). Trong đó, nhân viên chăm sóc (caregiver) - đặc biệt là những người lao động trung niên - sẽ có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với các chương trình học nghề bài bản, tìm kiếm việc làm phù hợp và quan trọng hơn là được công nhận xứng đáng về mặt chuyên môn và xã hội.

Bà Sarah Hooper - Tổng Lãnh sự Australia tại TPHCM, phát biểu tại Hội thảo
Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Australia tại TPHCM, chia sẻ: "Dự án hỗ trợ các nhân viên chăm sóc tiếp cận chương trình đào tạo bài bản, đạt được mức lương tương xứng với năng lực và cơ hội nghề nghiệp ý nghĩa, đồng thời đảm bảo chất lượng của dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Việc xây dựng nền kinh tế chăm sóc vững mạnh sẽ giảm bớt trách nhiệm chăm sóc không được trả lương của phụ nữ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia vào nền kinh tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam".

Bà Trịnh Thị Thanh - Phó Chủ tịch trường trực Hội LHPN TPHCM - đánh giá cao sự nỗ lực chuyển đổi công việc cho phụ nữ của Dự án
Theo bà Trịnh Thị Thanh, Phó Chủ tịch trường trực Hội LHPN TPHCM, với chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội phụ nữ là chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, chúng tôi đánh giá cao dự án GRACE. Chúng tôi cho rằng đây là một cơ hội lớn tạo điều kiện cho ngành chăm sóc được phát triển trong khi đó đối tượng thụ hưởng của dự án chính là phụ nữ ở khía cạnh họ vừa là người chăm sóc, cũng vừa là người được chăm sóc. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các tổ chức, đơn vị đồng hành, thực hiện và cam kết sẽ tạo điều kiện và tham gia tích cực để dự án được tổ chức thành công tại khu vực TPHCM".
Sự ra đời của Dự án hướng tới chuyển đổi công việc chăm sóc - vốn từ lâu bị coi là gánh nặng không lương và mặc định là trách nhiệm của phụ nữ - thành một nghề nghiệp được công nhận, được đào tạo bài bản và trả công xứng đáng, chúng ta sẽ giải phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc truyền thống. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để họ không chỉ giảm bớt áp lực, mà còn có thể phát huy tối đa tiềm năng, tự chủ tài chính và tham gia sâu rộng hơn vào mọi mặt của nền kinh tế và xã hội. Đây chính là yếu tố then chốt góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời kiến tạo một xã hội bao trùm, công bằng và nhân ái.
Hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh khu vực TPHCM phối hợp cùng sáng kiến Đầu tư cho Phụ nữ (Investing in Women) của Chính phủ Australia tổ chức tại TPHCM.