Mở tiệm làm móng tốn ít vốn, thu nhập ổn định

07/11/2017 - 07:21
Nhu cầu làm móng (nail) đang tăng nhanh. Thực tế này mở ra cơ hội cho nhiều người, dù chỉ với số vốn ít ỏi nhưng vẫn có khả năng tạo thu nhập khá và ổn định.
Chị Hồng Thu, ngụ tại phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM, đang làm chủ một tiệm nail khá đông khách do chất lượng dịch vụ tốt, giá cả phải chăng. Chị Thu cho biết sau khi trả lương cho 3 nhân viên hết 18 triệu đồng/tháng, trừ các chi phí điện nước, nguyên vật liệu, chị có thu nhập khá ổn định ở mức xấp xỉ 15 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về bí quyết của mình, chị kể, ý định mở tiệm đã được hình thành từ khi chị mới học xong nghề và đi làm thuê cho một tiệm khá lớn ở quận 1. “Việc học nghề chỉ khoảng 6 tháng, sau đó nhất thiết phải có ít nhất 1 năm đi làm thuê vừa để tích lũy kinh nghiệm, vừa tìm kiếm mối khách quen.

tay-hom.jpg


Trong thời gian làm thuê, mình phải cố gắng hết sức để chiều lòng mọi khách hàng, trước hết là để họ trở thành “người quen” của mình, mỗi lần đến tiệm là đều yêu cầu mình trực tiếp làm. Khi có được vài chục mối khách như vậy thì mới có thể tính tới chuyện mở tiệm riêng”, chị tiết lộ.

Do có một căn nhà nhỏ ở Thảo Điền, dù không tọa lạc trên con đường lớn nhưng khu vực dân cư đông đúc, nên chị quyết định mở tiệm ngay tại nhà để đỡ tiền thuê mặt bằng.

“Nếu thuê mặt bằng thì mỗi tháng phải tốn cả chục triệu đồng trở lên, chỉ thích hợp với các tiệm quy mô lớn, được đầu tư vài trăm triệu đồng và tất nhiên là giá dịch vụ cũng khá cao, chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng hạng sang. Còn mình mới ra nghề, vốn liếng chẳng có bao nhiêu thì lựa chọn mô hình tiệm nhỏ, mở tại nhà là hợp lý nhất”, chị phân tích.

Toàn bộ tiền vốn đầu tư vào tiệm của chị Thu chưa tới 20 triệu đồng. Chị phân chia thành các khoản nhỏ, dùng để sửa sang mặt bằng, mua sắm đồ đạc cần thiết phục vụ cho công việc như bàn ghế, máy móc, tủ, dụng cụ làm nail…
142953_son-mong-1.jpg
Ảnh minh họa.

Trong đó, các khoản bắt buộc phải chi đầu tiên là kẻ vẽ bảng hiệu, mua sắm một số máy móc (gồm máy hàn, máy sấy, máy hơ gel…), tổng chi phí hết 3 triệu đồng. Bàn ghế để làm nail cũng là thứ cần phải đầu tư, với 3 bàn nhôm kính loại nhỏ, 3 ghế cho khách ngồi làm nail, một số ghế cho khách ngồi chờ… tổng cộng hết 4,2 triệu đồng.

“Vì công việc làm nail đòi hỏi những vật dụng khá đặc thù, không thể tận dụng đồ có sẵn trong nhà, nên bắt buộc phải mua sắm. Tuy nhiên, do tôi biết một số mối quen có bàn ghế, tủ kính làm nail cần thanh lý giá rẻ nên đã giảm được khoảng 30% so với chi phí mua mới”, chị cho biết.

Chi phí đáng kể nhất là mua sơn, gel để làm nghề. “Nếu mua toàn bộ những loại vật liệu này thì cần ít nhất 15-20 triệu đồng, nhưng vì tiệm mới mở, ban đầu lượng khách còn hạn chế nên tôi lựa chọn một số loại được sử dụng phổ biến nhất, số lượng vừa phải để mua, với tổng chi phí hết 8 triệu đồng. Về sau này, khi khách đông, nhu cầu đa dạng thì tôi sẽ tính toán để tiếp tục đầu tư”, chị chia sẻ.

Phần còn lại, chị Thu đầu tư vào vật dụng hỗ trợ làm nail như kéo, khăn tay, chậu thau, bông gòn… và lắp đặt đèn chiếu sáng, cải tạo hệ thống nước cùng một số dụng cụ phục vụ cho khách như bình và ly uống nước, dàn loa vi tính loại nhỏ để phát nhạc…

Do ước lượng khá chính xác số khách ban đầu nên chị thuê 3 thợ vừa học việc vừa làm, lúc đầu chỉ phải trả khoản tiền lương phụ việc 2 triệu đồng (vì không thu học phí). Tuy nhiên, sau nửa năm hoạt động, nhờ chất lượng dịch vụ tốt, giá cả phải chăng, nên lượng khách tăng gấp 3 lần.

Lúc này các thợ học việc cũng đã thạo nghề, có thể đảm nhiệm được nhiều công việc. Chị quyết định trả lương mỗi thợ 6 triệu đồng/tháng với “định mức” mỗi người phải làm ít nhất 10 khách/ngày.

Chính vì biết “liệu cơm gắp mắm” trong quá trình đầu tư cũng như tổ chức hoạt động của tiệm thời gian đầu, nên hiện lượng khách tại tiệm nail nhỏ của chị Thu ổn định khoảng 35-40 lượt khách/ngày.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm