Mỗi chiếc bánh chứa đựng một triết lý vui vẻ, ngọt ngào

Thủy Sam
21/12/2023 - 22:11
Mỗi chiếc bánh chứa đựng một triết lý vui vẻ, ngọt ngào

Gato cuộn kem tươi với các vị Chocolate, cà phê và vanilla được chị Vũ Ánh Nguyệt biến thành quà Giáng sinh

Hàng năm, cứ đến trung tuần tháng 11 là chị Vũ Ánh Nguyệt lại bắt đầu làm những chiếc bánh xinh xắn hình bông tuyết mà mọi người quen gọi là "bánh bông tuyết" để nhắc nhớ về Giáng sinh. Mỗi chiếc bánh của chị Nguyệt đều chứa đựng một triết lý vui vẻ, ngọt ngào sâu kín!

Một cách để xả stress

Trong cộng đồng làm bánh ở Việt Nam, cái tên Vũ Ánh Nguyệt, hay còn gọi là Nguyệt VA, người sáng lập Bakingfun, được coi như một thương hiệu. Bánh của chị Nguyệt được hâm mộ thứ nhất vì vị ngon của nó (đương nhiên rồi) nhưng trên hết là cảm xúc mà những "tác phẩm ăn được" này mang lại. 

Khi được hỏi, cảm giác của chị mỗi lần làm bánh, Nguyệt VA đã không ngần ngại mà trả lời: "Mình rất vui và hạnh phúc. Bạn có biết không, có những mẻ bánh mà khi cho vào lò nướng, mình thường xuyên ngồi trước lò nướng và chăm chú quan sát bánh nở dần từng chút, từng chút một trong lò. Đôi khi, cảm giác hồi hộp xen lẫn và nó vỡ òa thành niềm hạnh phúc khi lò kêu "ting ting", báo mẻ nướng kết thúc".

“Gia đình ngọt ngào của tôi"- Ảnh 1.

Chị Vũ Ánh Nguyệt, người sáng lập thương hiệu bánh Bakingfun

"Khởi nghiệp" với mấy mẻ bánh quy bơ nướng bằng lò vi sóng, rồi đến những công thức bánh phải mất mấy ngày mới hoàn thành, hương thơm trong các mẻ bánh của Nguyệt VA vẫn chưa từng thôi quyến rũ. Học trò, bạn bè thân thiết hay gọi chị là "đại ca", "sư phụ". Chị Nguyệt cũng không giấu nghề. Có công thức mới là chị vô tư chia sẻ. Bận kiểu gì thì bận, chị cũng thu xếp để trả lời những thắc mắc liên quan đến việc làm bánh khiến người hâm mộ chị hiện mở rộng ở nhiều nơi trên thế giới.

Gần như mỗi ngày chị đều có bánh để khoe, làm đều đến mức người ta nghĩ chị là người rảnh rỗi, không có việc gì làm ngoài… làm bánh. Sự thật, Vũ Ánh Nguyệt là một công chức. Và việc làm bánh mỗi ngày là một cách để chị xả stress, lên giây cót tinh thần cho ngày hôm sau. Thức đến hai, ba giờ đêm canh bánh với chị Nguyệt là chuyện thường. Tám năm làm bánh chủ yếu để mọi người ăn chơi, thú vui tốn kém này đối với Nguyệt VA mà nói, chỉ có thể miêu tả là "càng bập càng sâu". Cũng bởi vì thích nên làm kiểu gì chị cũng không thấy vất vả. Bởi vì thích nên không muốn kinh doanh, sợ rằng nếu kinh doanh phải chạy theo lợi nhuận sẽ làm mất đi hứng thú của mình. Bởi thích nên nhẹ nhàng, "được" chứkhông "phải".

Căn bếp - chốn nương náu

Việc chị Nguyệt "bập" vào nghề bánh có sự ủng hộ lớn của gia đình. Người bạn đời đầu tiên của chị, dù không thích đồ ngọt vẫn tạo mọi điều kiện để vợ theo đuổi đam mê. Anh ủng hộ chị bằng cách đem mọi thử nghiệm của vợ đi mời bạn bè, đồng nghiệp, chỉ đổi về những nụ cười và lời cảm thán: "Bánh của chị Nguyệt ngon không chịu được, dù biết là béo mà vẫn cứ muốn ăn".

“Gia đình ngọt ngào của tôi"- Ảnh 2.

Bánh bông tuyết thương hiệu "Nguyệt Va"

Anh mất, chị chao đảo một thời gian dài. Cho đến khi một người đàn ông ở Bỉ đến bên chị. Giờ đây, ba mẹ con chị đều đã chuyển sang Bỉ sinh sống, song điều đó không ngăn chị tiếp tục làm ấm căn bếp mỗi ngày. Chồng chị, ngoài công việc của mình, thời gian rảnh, anh đều dùng để phụ tá cho vợ: bóc vỏ hạt dẻ, hái quả mâm xôi dại… để chị lại được hân hoan chờ đón tiếng ting ting của lò nướng.

Căn bếp đối với chị Nguyệt gần như đã trở thành một chốn nương náu. Trong cuốn sách "best seller" của mình, chị lấy tên là "Mùi của bếp". Giải thích về lựa chọn này, chị Nguyệt chia sẻ: Cái tên"Mùi của bếp" rất giản dị, mình chỉ muốn"Mùi của bếp" sẽ là hương thơm của tình yêu, là sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Vì khi nói đến mùi của bếp, nó gợi cho các bạn đến một bữa cơm gia đình rất ấm cúng, có đầy đủ các thành viên sau một ngày lao động mệt mỏi. "Mùi của bếp" là sự nổi lửa trong căn bếp đó, là sự làm chủ của người phụ nữ. Họ gửi gắm tình yêu của mình thông qua những món ăn để tạo nên hương vị riêng trong căn bếp.

“Gia đình ngọt ngào của tôi"- Ảnh 3.

Bánh khúc cây

Cho đến giờ, thói quen làm bánh khi vui, khi buồn, khi ốm mệt, cả những khi stress của chị Nguyệt chưa từng thay đổi. Đi du lịch, việc đầu tiên của chị là ngó nghiêng xem chỗ nào bán đồ bếp. Có tiền, việc đầu tiên chị nghĩ đến là mua đồ làm bánh. Lúc rảnh, việc thường xuyên nghĩ đến là một công thức bánh mới.

Một nguyên tắc làm bánh của chị Nguyệt khiến tôi rất thích: xem trong tủ lạnh của mình có gì rồi nghĩ ra cách làm, chứ không phải nghĩ ra cách rồi mới đi mua nguyên liệu. Điều ấy khiến cho những món bánh của chị có cái gì thật gần gũi, rất giống với cách làm cần kiệm của thế hệ bà và mẹ tôi. Nó cũng khiến tôi và nhiều người từng ăn bánh của chị có cảm giác rằng, làm bánh thực ra không quá khó.

Chị Nguyệt hay nói với những người muốn học làm bánh với chị: đừng có áp lực nào khi bước vào bếp cả, bởi vì món ăn ngon nhất không phải là món ăn cầu kỳ nhất, cũng không phải nó có nguyên liệu đắt tiền nhất. Món ăn ngon nhất là món ăn được làm bởi tình yêu, trong niềm vui.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm