pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ doanh nhân đầu tiên đưa sản phẩm cỏ tế xuất ngoại
Chị Lương là người phụ nữ đầu tiên đưa sản phẩm từ cỏ tế ra thế giới
Chị Nguyễn Thị Lương, sinh năm 1968, hiện tại là Giám đốc công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Chị là người đầu tiên đưa sản phẩm từ cỏ tế (hay tế guột) xuất ngoại với doanh thu của công ty hiện vào khoảng 17 - 18 tỷ đồng/năm.
Góp công chấn hưng làng nghề
Về thăm khu trưng bày gian hàng của chị Lương, không ít du khách phải trầm trồ về những tác phẩm nghệ thuật được làm từ cỏ tế, một loại cỏ mọc hoang từng có thời "phá đi chẳng xong" hàng trăm năm trước ở thôn Lưu Thượng.
Nghề chẻ cỏ tế ở Lưu Thượng đã có gần 400 năm nhưng mới dừng ở mức sản xuất nhỏ lẻ và sản phẩm chỉ là một số đồ gia dụng như giỏ hoa, lẵng quà, thùng dương, các loại con giống... Từ năm 1990, ông Nguyễn Văn Lữu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Túc là bố của chị Lương và một số cán bộ xã được một người bạn ở Quảng Ninh giới thiệu về nghề mây tre đan. Ông Lữu đã mang nghề về quê với mong muốn phát triển các mẫu này bằng nguyên liệu cỏ tế, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân.
Chị Lương lúc đó dù còn rất trẻ nhưng đã kiên trì tìm tòi, tháo dỡ sản phẩm và đan đi đan lại bằng cỏ tế. Và gần chục mẫu bố mang về (như bát Hà Nội, khay Quảng Ninh và làn đựng đồ…), chị Lương đều chinh phục được dễ dàng và dạy lại cho một số người. Từ đó, nghề đan cỏ tế bắt đầu lan rộng ra cả xã.
Sau đó, chị Lương trở thành người thợ chính của HTX. Đến năm 1992, HTX Nông nghiệp Phú Túc không còn được bao cấp mà giao về cho cấp ủy, chính quyền thôn Lưu Thượng. Chị Lương và em trai là Nguyễn Văn May đã sáng tạo một số sản phẩm, mẫu mã đi chào khách hàng trong nước và Việt kiều để chuẩn bị "ra ở riêng".
Đến năm 1998, chị mạnh dạn vay vốn và mở rộng cơ sở sản xuất, thành lập doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Do không kịp các hợp đồng với khách, chị Lương đã mạnh dạn bỏ kinh phí để mở hàng chục lớp dạy nghề tại các xã, huyện lân cận, với hy vọng tạo được nguồn sản xuất đầu vào cho doanh nghiệp và giúp mọi người có công ăn việc làm. Công việc đi vào ổn định, lợi nhuận lên xấp xỉ gần tỷ đồng vào thời điểm những năm đầu khởi nghiệp. Nghề dần lan rộng ra cả thôn. Hiện nay, có đến 90% số hộ ở Lưu Thượng đều làm nghề đan cỏ tế và có thu nhập chủ yếu từ làng nghề.
Không "ngủ quên trên chiến thắng", chị Lương không ngừng cải thiện mẫu mã sản phẩm, đồng thời phối hợp các nguyên liệu như mây, tre, bẹ ngô, bèo tây (lục bình), cói với cỏ tế tạo ra những sản phẩm không chỉ có thể sử dụng mà còn có giá trị nghệ thuật. Các mặt hàng gia dụng như như: Thùng đựng quần áo, đựng rác, lẵng hoa, lẵng quà, cốc, lọ, chậu, làn, túi xách và các con giống....sản xuất quanh năm, có lúc còn không kịp giao hàng.
Đưa cỏ tế sang trời Tây
Thời điểm mới thành lập doanh nghiệp, chị Lương gặp một số khó khăn về nguồn cung lẫn đầu ra sản phẩm. Ngay đơn hàng đầu tiên là 3.000 chiếc cốc, khách không thanh toán hết. Đơn hàng thứ hai bị trả lại một phần. Hay như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, một số hợp đồng lớn thì nguồn lao động không đáp ứng được với nhu cầu của khách hàng... Nhưng chị Lương không nản chí mà vẫn quyết tâm và chăm chỉ sáng tạo mẫu mã, vay vốn từ nhiều nguồn, đồng thời tìm kiếm các thị trường xuất khẩu tiềm năng...
Năm 1993, tuy mới chỉ là hộ kinh doanh gia đình nhưng chị Lương đã có hợp đồng trong nước và xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Tiệp Khắc (cũ) với khách Việt kiều, trị giá 150 triệu đồng.
Mở lối sang trời Tây thuận lợi, chị tiếp tục nhận được hợp đồng xuất khẩu cho một số Việt Kiều ở châu Âu. Sản phẩm nhận được sự yêu thích của khách hàng, bà chủ lại giữ chữ tín, chuyển hàng không lỗi một sản phẩm nào, đúng ngày đúng hạn nên các hợp đồng xuất khẩu được duy trì đều đặn qua từng năm.
Năm 2009, chị Lương "nâng cấp" xưởng thành công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương, từ đó việc đưa sản phẩm từ cỏ tế đi trời tây càng thêm dễ dàng sang thị trường châu Âu và Mỹ, tạo việc làm cho 6.000 đến 7.000 lao động gia công trong các làng nghề.
Các sản phẩm của Hiền Lương đã giành được nhiều giải thưởng trong nước như: Túi hoa tuyết tre đan đạt Top 3 hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích năm 2021; Lọ tế trắng đỏ cổ cao đan mây tre Hiền Lương đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019. Đến nay, Hiền Lương có 8 sản phẩm được UBND TP Hà Nội cấp chứng nhận OCOP 4 sao như bộ gốm đan bọc guột, làn hoa tuyết xách tay, táo mây trắng...
Để không bị động trên thương trường, chị Lương còn xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp tập trung làm lĩnh vực marketing và thủ tục xuất khẩu để không ngừng tăng thêm độ phủ trên thị trường quốc tế. Đến nay, sản phẩm từ cỏ tế của Hiền Lương đã có mặt trên gần 15 quốc gia trên thế giới. Các thị trường chủ yếu như: Rumani, Hungary, Mỹ, Nga… mỗi năm xuất khẩu khoảng 70 container sản phẩm từ cỏ tế và một số nguyên liệu tự nhiên.
Trải qua 30 năm làm giàu từ cây cỏ tế đặc trưng của quê hương, hiện nay chị Lương vẫn gặp một số khó khăn trong việc phát triển bởi thiếu vốn, đặc biệt là thiếu mặt bằng sản xuất. Chị tâm sự: "Tôi muốn đưa cỏ tế Việt Nam đi đến nhiều nước nữa, góp phần quảng bá hình ảnh nước ta nhưng chuyện thuê đất, mở rộng mặt bằng gặp một số khó khăn chưa được tháo gỡ cho dù nguồn cung và đơn hàng xuất khẩu luôn sẵn sàng".
Không chỉ là giám đốc đa tài, năng động, chị Lương còn là doanh nhân có trách nhiệm với xã hội, thường xuyên ủng hộ các quỹ phúc lợi tại địa phương như quỹ Vì người nghèo, quỹ Khuyến học, quỹ Đền ơn đáp nghĩa…bình quân mỗi năm khoảng 20 triệu đồng. Chị còn tham gia Ban Chấp hành Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ, làng nghề TP Hà Nội, Hội Nghệ nhân, thợ giỏi TP Hà Nội, Hiệp hội Nữ doanh nhân TP Hà Nội...
Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Túc Nguyễn Thị Vi nhận xét: "Chị Lương không những là doanh nhân giỏi, nghệ nhân tiêu biểu của xã, đưa sản phẩm từ cây cỏ tế đến các nước trên thế giới mà mỗi năm chị còn mở 5 lớp dạy nghề đan cỏ tế cho chị em, ủng hộ các chương trình thiện nguyện của xã đều đặn trong nhiều năm. Chúng tôi rất tự hào vì có một hội viên như chị".