Phục dựng nghề đan cói truyền thống, đưa hàng Việt xuất ngoại

PV
12/10/2022 - 22:15
Phục dựng nghề đan cói truyền thống, đưa hàng Việt xuất ngoại

Chị Hoàng Thị Oanh (đứng giữa) giới thiệu các sản phẩm hàng hoá từ cói với khách hàng quốc tế. Ảnh: QM

Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, chị Hoàng Thị Oanh và phục dựng thành công nghề đan cói đã thất truyền, thậm chí tạo ra nhiều dòng sản phẩm cói để xuất khẩu ra nhiều nước châu Á, Hoa Kỳ...

Những năm qua, xưởng sản xuất của gia đình chị Hoàng Thị Oanh (47 tuổi), ở cụm 66, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, vẫn thường xuyên có hơn 200 lao động làm việc và có hơn 100 lao động thời vụ tại địa phương. Chỉ mới 2 năm trước, chị Oanh đã có bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời khi vay vốn và trở thành thành viên của Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương - TYM (thuộc Hội LHPN Việt Nam).

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, năm 2018, chị một mình nuôi hy vọng phục dựng lại cái nghề đã thất truyền cách đây 20 năm trên chính quê hương mình - đó là nghề đan cói. "Khởi nghiệp từ cây cói với các sản phẩm thủ công độc đáo, thân thiện với môi trường" không còn là cụm từ xa lạ khi mọi người về với xã Xuân Phương và nhắc tới tên của chị. 

Hiện tại mô hình sản xuất kinh doanh của chị đang được triển khai rộng rãi tại địa bàn các xã Xuân Phương, Xuân Phong, Xuân Phú, Thọ Nghiệp, Xuân Trung, Giao Tiến thuộc 2 huyện Xuân Trường và Giao Thủy (Nam Định).

Dự án của chị đang cung cấp ra thị trường hơn 30 dòng sản phẩm từ cói các loại như xô cói, làn, túi xách, thảm cói, mũ cói, kệ gương. Các sản phẩm có đầu ra ổn định tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... 

Chị Oanh vui vẻ kể: Năm 2020, chị vay món vốn đầu tiên của TYM để mở rộng dự án kinh doanh. Trước đây chị chỉ có quay vòng vốn của gia đình và kinh doanh theo nếp cũ, chưa có kinh nghiệm, chưa biết thế nào là tìm kiếm thị trường và thế nào để hoàn thiện dự án kinh doanh hay mở rộng dự án của mình. 

Tới khi được cán bộ TYM hướng dẫn tham gia cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2021 toàn quốc do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức, chị may mắn được vượt qua vòng sơ khảo, được tham gia vòng thi cấp vùng. Đồng thời chị được Hội LHPN tỉnh Nam Đinh biểu dương là ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu năm 2021.

Người phụ nữ phục dựng nghề đan cói truyền thống, đưa hàng Việt xuất ngoại - Ảnh 1.

Chị Hoàng Thị Oanh bên các sản phẩm cói truyền thống. Ảnh QM

Cũng chính sau bước ngoặt ấy, chị trưởng thành hơn, chị có thêm kiến thức về khởi sự kinh doanh, có thêm những đơn hàng mới tại Hoa Kỳ và thị trường trong nước mở rộng hơn. Chị luôn quan niệm, mỗi sản phẩm hàng hoá làm ra, nhất là mặt hàng truyền thống đều phải đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu. Bởi đó là hàng hoá do người Việt làm ra, mang tinh thần, văn hoá của con người Việt đến với bạn bè thế giới nên càng cần phải giữ gìn và phát huy. Qua đó, gây dựng nét đẹp, ấn tượng tốt của hàng hoá Việt Nam với người tiêu dùng trên thế giới.

Chị Oanh cũng chia sẻ rằng chị muốn phấn đấu thời gian tới sẽ tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường trong nước, cung ứng ra thị trường tới 50 dòng sản phẩm từ cói, hoàn thiện khâu đầu ra thay vì phải xuất các sản phẩm thô như hiện nay. Để làm được điều đó, chị mong TYM, Hội LHPN Việt Nam sẽ luôn ủng hộ các chị em để có thêm nguồn vốn cũng như các điều kiện tiền đề khởi nghiệp thành công.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm