pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Mỗi khi về quê lại thương và nhớ anh chị em ở đảo vô cùng"
Chi hội Phụ nữ đảo Song Tử Tây chăm sóc cây xanh, rau màu. Ảnh: NVCC
Say sóng là chuyện rất bình thường khi ra đảo, chị Hằng thừa nhận: "Tôi hay các chị em khác đều thay nhau về phép sau thời gian dài ở đảo khoảng 1 đến 1,5 năm, ai cũng say sóng thôi, nhưng chẳng chị em nào ngại ngần hay sợ sóng gió gì cả. Bởi sau hơn 1 năm trời mới được 1 lần đi phép về đất liền thăm cha mẹ, người thân, thì mọi nỗi mệt mỏi đều nhanh chóng qua đi. Về đất liền rồi, khi được sống yên bình ở quê nhà, tôi lại nhớ đảo da diết, chỉ mong đến ngày có tàu để trở lại đảo. Có lẽ quen nắng gió với sóng biển gầm gào mỗi ngày, về quê nhà lại thương và nhớ anh chị em ở đảo vô cùng".
Chị Hằng cho biết, những ngày vừa qua đất liền bị ảnh hưởng của cơn bão số 5, ở đảo tuy không bị ảnh hưởng bão nhưng cũng có những trận mưa rất to và kéo dài. Nhờ mấy ngày mưa như táp vào mặt, những cư dân ở đảo lại vui mừng vì đã lâu lắm rồi, đảo vẫn chờ mưa, để không khí trên đảo dịu đi cái nắng nóng rát mặt, để những đợt thau, chậu được dịp hứng nước mưa trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Hơn hết, các loại rau xanh, cây cối ở đảo được dịp nẩy chồi non, lá xanh mơn mởn khi được nước mưa tưới tắm...
Sau những ngày mưa, 7 chị em trong Chi hội Phụ nữ ở đảo đang ra sức cùng các chiến sĩ hải quân quét dọn các trường học, công sở, chùa chiền trên đảo. "Chúng tôi luôn cùng đồng hành với quân - dân trên đảo để gìn giữ môi trường ở đảo thật trong lành, sạch sẽ. Bất cứ nơi nào cần người lao động là có chị em ở Chi hội Phụ nữ tự nguyện góp công cùng bộ đội trên đảo quét dọn. Nơi nào quá nắng gió, cần trồng cây xanh, rau màu để cuộc sống của bộ đội và người dân được cải thiện thì nơi ấy có các chị em Chi hội tham gia. Quân - dân ở đảo đều như người một nhà, cùng sẻ chia ngọt bùi, khó khăn, nên tình người ở đảo sâu đậm lắm", chị Hằng chia sẻ.
"Đợt vừa rồi, tôi về phép có mang theo 2 con trai về thăm quê, sau đó gửi cậu con lớn ở lại với ông bà nội để con theo học lớp 6. Vì ngoài đảo chỉ có lớp mầm non và tiểu học, các gia đình có con học đến cấp 2 đều phải gửi về đất liền để học tiếp cấp THCS. Tôi và cậu con trai học lớp 3 lại quay ra đảo cùng chồng tiếp tục nhiệm vụ", chị Hằng kể. "Những cư dân ở đảo ai cũng vậy thôi, dù phải xa con cả năm trời nhưng vợ chồng, con cái đều cùng thấu hiểu và động viên nhau. Bố mẹ sẽ làm nhiệm vụ xây dựng, gìn giữ đảo thật tốt, còn con ở quê nhà cũng sẽ gắng học tốt để bố mẹ yên tâm làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Khi nào hết nhiệm kỳ công tác ở đảo, bố mẹ sẽ về, gia đình sẽ lại xum họp", chị Hằng bộc bạch.
Chị Hằng cho biết, hầu hết các hoạt động chính trị, xã hội trên đảo luôn có sự góp mặt của Chi hội Phụ nữ, đó là các tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" hay các công việc phục vụ hậu cần… để giúp các hoạt động của quân - dân trên đảo thêm sôi động, ấn tượng và ý nghĩa. Những ngày rảnh rỗi hơn, chị em tích cực may vá, nội trợ, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình cho các ngư dân cập tàu vào đảo để trú tránh bão giông hoặc tiếp tế lương thực.
Khác với đất liền, công việc may vá, nội trợ ở đây là công việc chung của quân - dân trên đảo. Chi hội Phụ nữ sẵn sàng nhận đồ may vá giúp các gia đình trên đảo cũng như anh em chiến sĩ. Chị em sẵn sàng nhận việc bất cứ khi nào bộ đội cần giúp đỡ.
Cái khó nhất trên đảo là điện lưới vẫn thiếu, nên các gia đình đều phải tranh thủ cho con em học bài trước khi trời tối. Các ắc quy và quạt sạc điện được dự trữ để phòng cho con nhỏ lúc thời tiết quá nóng, oi bức. Thời tiết ở Trường Sa vốn quanh năm nắng gió "nhưng dẫu vất vả đến đâu, chúng tôi cũng khắc phục được, vì ai ở đảo cũng đã quen nhuộm kỹ nắng gió của Trường Sa rồi, cuộc sống thiếu thốn một chút cũng là lẽ thường tình. Mỗi chị em phụ nữ trong Chi hội luôn tự hào rằng mình đã, đang góp phần nhỏ xây dựng và gìn giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", chị Hằng cười tươi lẫn trong tiếng sóng biển Trường Sa.