pnvnonline@phunuvietnam.vn
Món ăn bổ dưỡng từ “củ nhân sâm trong đầm lầy”
Hoa sen, lá sen, hạt sen... bất kỳ bộ phận nào của cây sen cũng có thể sử dụng để làm thành đồ ăn, thức uống bổ dưỡng cho cơ thể. Củ sen cũng vậy. Từ xa xưa, củ sen đã được biết đến như một loại dược liệu quý. Với vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ, bổ phế, cầm máu, củ sen được khuyên dùng cho những người bị thiếu máu, cảm ho lâu ngày, sức khỏe suy giảm, mệt mỏi, thiếu ngủ, ăn uống không ngon. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 100gr củ sen có chứa 74 calo cùng những hợp chất dinh dưỡng thiết yếu khác như chất xơ, vitamin A, vitamin nhóm B...
Đối với những người yêu ẩm thực, củ sen được xem là một liệu pháp thanh lọc tự nhiên hữu hiệu. Thông thường cơ thể con người ăn nhiều thịt, cá sẽ tăng tính âm, kết hợp với củ sen là cách tốt nhất cân bằng âm dương, thanh lọc cơ thể, tăng sức đề kháng. Chính vì vậy, củ sen không chỉ được sử dụng nhiều ở Việt Nam, mà tại Nhật Bản, những món ăn từ củ sen cũng rất được ưa chuộng. Người dân "xứ sở mặt trời mọc" coi củ sen như một loại nhân sâm, bổ dưỡng cho cơ thể.
Củ sen có vị bùi, giòn có thể ăn sống hoặc nấu chín tùy theo khẩu vị của mỗi người. Từ món xào, chiên đến những tô canh hầm hay thức uống, củ sen đều mang đến cảm giác ngon miệng, lành tính. Trong những mâm cỗ chay hay cỗ mặn, củ sen thường xuất hiện với nhiều cách chế biến khác nhau như nộm củ sen, củ sen chiên giòn, súp củ sen, canh củ sen...
Bếp trưởng Trần Văn Diệp (Thực dưỡng Homefood) gợi ý thêm một món ngon, dễ chế biến tại gia đình, đó là món củ sen xào la hán. Để làm món này cần chuẩn bị các nguyên liệu:
- 300g củ sen tươi
- 200g nấm hương tươi
- 200g đậu cô ve
- 200g ớt ngọt màu xanh và màu đỏ
- 100g cà rốt
- 50g sốt xào
- 50g dầu lạc.
Các bước làm như sau:
- Củ sen gọt vỏ, rửa sạch để củ sen được trắng, thái thành khoanh tròn.
Ớt xanh, ớt đỏ rửa sạch, cắt vát vừa ăn.
- Nấm hương lạng mỏng vừa ăn.
- Đậu cô ve rửa sạch, cắt khúc 3cm.
- Cho các nguyên liệu xào qua nước và dầu lạc cho chín tới, sau đó cho xốt xào vào đảo đều, nêm nếm đạt vị vừa ăn.
Nếu không có dầu lạc, xốt xào, bạn có thể thay thế dầu lạc bằng dầu thực vật; thay xốt xào bằng dầu hào và bột nêm nấm. Nên xào chín tới để các nguyên liệu vẫn giữ được màu sắc, độ giòn mềm và vị ngọt tự nhiên.