Món quà nghĩa tình chia sẻ yêu thương cùng phụ nữ nghèo

An Nhiên
11/12/2022 - 09:13
Món quà nghĩa tình chia sẻ yêu thương cùng phụ nữ nghèo

Món quà nghĩa tình chia sẻ yêu thương cùng phụ nữ nghèo. Ảnh: Bích Nguyên

Những cảnh đời khó khăn là động lực để chiếc hộp tiết kiệm tiền lẻ ra đời, giúp phụ nữ nghèo tại xã Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vươn lên trong cuộc sống.

Những ân tình sẻ chia

Ở vùng sông nước chằng chịt Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), sắc áo xanh Biên phòng vô cùng thân thương với người dân bởi mỗi việc làm của người lính đều tạo điểm tựa vững chắc giúp người dân có động lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Bóng dáng còng còng của bà Lê Thanh Xuân, ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây khiến chúng tôi nao lòng. Bà Xuân năm nay 63 tuổi, sống đơn thân trong căn nhà lá lụp xụp ven con kênh nhỏ có thể đổ bất cứ lúc nào. Cả ấp Chợ Thủ B này, không ai xa lạ người phụ nữ có cái tên rất đẹp những cuộc đời là chuỗi ngày dài nhọc nhằn, bất hạnh. Để kiếm sống, bà Xuân phải làm tất cả mọi việc từ việc bán cá, làm thuê, làm mướn đến còng lưng, đau nhức toàn thân liên miên, ngất xỉu vài lần. Ba năm trước bà bị ngã gẫy tay, không thể đi làm thuê, làm mướn nữa đành ở nhà rán chuối chiên rồi cuốc bộ đến rã chân tới các đầm, vuông nuôi tôm bán rong. Ấy vậy mà vẫn có người quỵt tiền, khiến bà âm cả vào vốn liếng. Nhiều lúc ngẫm nghĩ cuộc đời cơ cực quá, bà đã muốn buông xuôi.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Giang Tây xuống địa bàn thấy hoàn cảnh bà Xuân tội nghiệp quá mới báo cáo chỉ huy đơn vị. Ngay buổi chiều hôm đó, chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Giang Tây chặt một buồng chuối của đơn vị mang xuống tặng bà Xuân. Sau lần đó, anh em trong đơn vị qua nhà bà Xuân thường chú ý quan sát, nếu thấy bà đã bán hết chuối lại chặt một buồng khác mang tới cho bà. Từ ngày được tặng chuối, bà Xuân không phải lo tiền mua chuối nữa, chỉ còn lo chiên chuối mang bán, gom tiền để đắp đổi lo cuộc sống hàng ngày.

Món quà nghĩa tình chia sẻ yêu thương cùng phụ nữ nghèo - Ảnh 1.

Bà Xuân được tặng chuối để chiên mang bán, có tiền lo cho cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Nguyễn Bích

Nhớ lại ngày đầu tiên được tặng chuối, bà Xuân thổ lộ: "Tôi bất ngờ lắm. Mấy chú bộ đội bảo đó là cây nhà lá vườn, mang cho tôi để giúp tôi phần nào. Tôi chỉ muốn có thứ gì đó tặng lại mà tìm mãi trong nhà không có cái gì đáng quý cả. Thấy cuộc sống của tôi khổ cực, bà con lối xóm cứu mang, giúp đỡ rất nhiều, nay lại được giúp sức, tôi không biết nói gì hơn. Tôi tự hứa với mình sẽ cố gắng hết sức, còn sức, còn làm để tự nuôi sống mình, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước". 

Niềm vui của bà Xuân không chỉ có vậy, năm vừa rồi, Hội LHPN tỉnh vận động các nhà hảo tâm đã góp được một số tiền tặng bà làm lại ngôi nhà lá cũ lụp sụp trực đổ bất cứ lúc nào. Bây giờ, bà Xuân đã có ngôi nhà lợp tôn, khang trang, vững chắc có thể yên tâm ngủ ngon giấc mỗi khi trời nổi gió. Bà cũng có công việc mới ở đầm tôm, thỉnh thoảng nhớ nghề bà mới lại nổi lửa, chiên bánh chuối bán.

Sinh kế từ những đồng tiền lẻ

Đò giang cách chở nhưng những người lính lúc nào cũng có mặt đúng lúc bà con cần. Sáng hôm đó, chúng tôi theo chân họ xuống đò, đi qua bờ bên kia sông Tam Giang, chạy dọc con lộ ven sông về phía ấp Mai Vinh, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn. Bước qua cây cầu khỉ chênh vênh, chúng tôi tới ngôi nhà tuềnh toàng của vợ chồng chị Nguyễn Thị Nương và anh Trần Văn Kia. Anh chị tay bắt mặt mừng, đón những người khách vào nhà. Với họ sắc áo xanh đã trở nên thân quen bởi những người lính mỗi lần có dịp đều tới thăm, động viên.

Vợ chồng chị Nương vốn ở trong ngôi nhà lá cũ nát ven sông, không có đất ruộng cũng không có vuông tôm, cuộc sống mưu sinh vì thế vô cùng vất vả. Thời còn trai trẻ, anh Kia đi ghe làm lưới đánh bắt thủy sản. Tôm cá ngày càng cạn kiệt, ghe của anh nhỏ, không đi xa được, các chuyến ra biển lỗ nhiều hơn lời. Tuổi ngày một lớn, sức khỏe yếu đi, anh Kia đành bỏ nghề đi biển lên bờ làm thuê. "Ai mướn gì thì tôi làm đó, từ đắp bờ, đốn cây, trông nom vuông tôm. Sớm hôm vất vả mà nhà lúc nào cũng trong cảnh vay trước trả sau", anh Kia giãi bày.

Món quà nghĩa tình chia sẻ yêu thương cùng phụ nữ nghèo - Ảnh 2.

Chị Nương được nhận hỗ trợ để nuôi gà, vịt. Ảnh: Nguyễn Bích

Chị Nương tiếp lời chồng: "Chồng tôi đi be bờ thuê được 100 ngàn đồng tới 200 ngàn đồng nhưng không phải hôm nào cũng có việc". Bởi thế, có sinh kế ổn định là điều mà vợ chồng chị mong mỏi nhất. Chị tâm sự: "Khó khăn nhất là không có đất canh tác. Tôi chỉ mong có được nguồn sống ổn định".

Gia cảnh khó khăn của vợ chồng chị Nương là một trong những trăn trở của cán bộ, đảng viên Đồn Biên phòng Tam Giang Tây bấy lâu nay. Chính vì thế, những người lính Biên phòng đã tiết kiệm tiền lẻ để trao tặng vợ chồng chị một số tiền vốn nhỏ mua con giống, phát triển chăn nuôi. 

Từ đầu năm 2021, với số vốn nhỏ được hỗ trợ, vợ chồng chị Nương đã mua vịt giống về nuôi và phát triển thành đàn. Hiện tại, gia đình chị  luôn duy trì được từ 5 đến 7 con vịt giống. Mỗi tháng anh chị đều có một nguồn thu nhỏ từ bán vịt con. Số tiền bán vịt không phải là nhiều nhưng nó đủ giúp vợ chồng chị chi trả tiền gạo, dầu, mắm... dùng trong gia đình.

Giống như chị Nương, chị Trần Mỹ Hương, ấp Vinh Hoa, xã Tam Giang Đông vô cùng hạnh phúc khi nhận được sự giúp đỡ và được đón cán bộ Hội LHPN xã và bộ đội tới thăm nhà.

Ở vùng đất sông nước này, việc hội phụ nữ, bộ đội đến thăm nhà với những món quà ý nghĩa đã động viên, khích lệ chị Hương rất nhiều. Họ biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị và rất muốn được chia sẻ, giúp đỡ gia đình chị nên đóng góp để giúp gia đình chị có khởi đầu tốt hơn, có được sinh kế ổn định, cải thiện cuộc sống.

Chị Hương năm nay đã 54 tuổi, có chồng đau ốm liên miên, chủ yếu đi làm thuê, làm mướn. Ngôi nhà lá hiện tại chị đang ở là dựng nhờ trên đất của người quen. Cuộc sống bấp bênh, ngày no, ngày đói diễn ra suốt bao năm nay, dù vợ chồng chị rất chăm chỉ làm lụng. Từ ngày chồng chị ốm, mất sức lao động, chỉ còn chị là lao động chính, đi nhặt cá, vá lưới làm thuê, gánh nặng gia đình đè nặng hai vai người phụ nữ này.

Trong những ngày tỉnh Cà Mau thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, không có việc làm, cuộc sống của gia đình chị Hương càng trở nên khó khăn, cùng cực. Ước mơ có nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, làm bước đệm cải thiện kinh tế gia đình của chị càng thêm xa vời.

Vì thế, chị Hương đã rất hạnh phúc khi nhận số tiền 2,6 triệu đồng, cùng 10kg gạo và nhu yếu phẩm khác. Chị Hương rơm rớm nước mắt nói: "Lâu nay, tôi muốn có thêm chút vốn để nuôi gà thả vườn nhằm tăng thêm thu nhập mà khó quá. Nhận được sự giúp đỡ, tôi rất mừng". Nhờ số tiền đó, chị Hương đã mua vịt giống về nuôi. "Dù gặp không ít khó khăn ở ảnh hưởng bởi triều cường nhưng đến giờ tôi vẫn duy trì được một đàn vịt mới lớn. Nó như một gói kinh tế nhỏ cho gia đình vậy", chị Hương chia sẻ.

Ngược xuôi từ xã Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển) sang tới xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn), chứng kiến niềm vui và cả những giọt nước mắt hạnh phúc của những người phụ nữ nghèo được bộ đội giúp đỡ đã cho tôi những cảm nhận rõ hơn về tình yêu thương đùm bọc của bộ đội dành cho dân.

Món quà nghĩa tình chia sẻ yêu thương cùng phụ nữ nghèo - Ảnh 3.

Những món quà nghĩa tình được trao tặng cho phụ nữ nghèo. Ảnh: Bích Nguyên

Nguốn vốn nhỏ tặng các hộ nghèo

Theo thông tin từ Thiếu tá Nguyễn Hoàng Hậu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Giang Tây, hoạt động giúp đỡ những hộ dân nghèo như chị Hương và chị Nương nằm trong kế hoạch triển khai mô hình "Xóa 1 hộ nghèo - đèo 1 hộ khó" do Đồn Biên phòng Tam Giang Tây thực hiện từ tháng 1-2021. Cán bộ tăng cường, vận động quần chúng phối hợp địa phương khảo sát các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có ý chí, nghị lực, tinh thần  siêng năng, chăm chỉ vượt khó mà không có vốn sản xuất để hỗ trợ.

Kinh phí đơn vị trao tặng cho hộ nghèo đều là do cán bộ, chiến sĩ đóng góp thông qua mô hình "Tiết kiệm tiền lẻ - chia sẻ khó khăn". Anh em khi có tiền lẻ, đều tự nguyện bỏ vào một chiếc hòm nhỏ đặt ngay sảnh nhà chỉ huy. Một vài tháng, chỉ huy đơn vị sẽ kiểm đếm số tiền trong đó rồi đem tặng các hộ nghèo làm vốn phát triển kinh tế gia đình.

Số tiền tiết kiệm được sẽ dành để mua  gà, vịt, ngan ngỗng giống, cá giống, các gia súc, gia cầm khác hay lợn, dê hoặc cây ăn trái tặng đối tượng được hỗ trợ trồng trên vườn, bờ ao, líp bờ vuông làm sinh kế ổn định.

Tạm biệt vùng sông nước Tam Giang Tây trong ánh nắng vàng rực của phương Nam, chúng tôi mang theo nụ cười hạnh phúc của những người dân chân chất vùng đất Cà Mau và cả những ước vọng làm được nhiều hơn nữa việc có ích, giúp người dân có điểm tựa tinh thần và động lực để vươn lên trong cuộc sống.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm