Mong muốn đưa ẩm thực Hà thành ra thế giới

Mai Vàng
02/04/2023 - 14:55
Mong muốn đưa ẩm thực Hà thành ra thế giới

Nghệ nhân Ánh Tuyết

Căn gác nhỏ tầng 2 của ngôi nhà cổ trên phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lâu nay đã trở thành một không gian hoài niệm của nhiều thực khách xa quê hay những vị khách quốc tế muốn trải nghiệm tinh hoa ẩm thực Hà thành.

"Nghiệp ẩm thực" gắn liền với bà ngoại

Chủ nhân của nhà hàng Ánh Tuyết là nghệ nhân Ánh Tuyết, nổi tiếng với công chúng qua các kênh truyền hình Discovery Chanel, BBC, SRG, New York... Tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm, bà Tuyết khi ấy đi làm trong ngành ăn uống dịch vụ. Năm 1990, tại Hội chợ ẩm thực lần đầu tiên được tổ chức tại khách sạn Hozison (Hà Nội), bà Tuyết đã vượt qua nhiều đầu bếp là bếp trưởng của các khách sạn cao cấp để giành giải Nhất với món gà quay mật ong. Đây là bước ngoặt đối với nghệ nhân này. Ngay sau đó, nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng thế giới là Anthony Bourdain đã đến tìm hiểu về món ăn này và có lời bình luận "món gà ngon nhất thế giới" trên CNN khi đó. Sau đó, bà liên tiếp nhận được đơn đặt hàng món ăn từ nhiều quốc gia gửi đến.

Giờ đây, đã ngoài 70 tuổi, nghệ nhân Ánh Tuyết vẫn hàng ngày dành tâm huyết cho các món ăn đãi thực khách và mở lớp dạy nấu ăn với học viên đến từ nhiều quốc gia. Nữ nghệ nhân chia sẻ: "Bà ngoại là người có ảnh hưởng lớn nhất đến việc lựa chọn theo con đường ẩm thực của tôi". Nữ nghệ nhân là thế hệ thứ 7 của một gia đình gốc Hà Nội. Ngay từ nhỏ, cô bé Ánh Tuyết đã được dạy nữ công gia chánh. Lên 9 tuổi, cô thường theo chân bà ngoại đi chợ chọn nguyên liệu, vào bếp học cách nấu ăn.

"Bà bảo tôi, nấu ăn không thể thiếu sự tinh tế, cầu toàn và cẩn trọng. Thưởng thức món ăn đầu tiên phải nhìn bằng mắt, sau đó ngửi mùi thơm, nếm vị ngon và lắng nghe tiếng đồ ăn tan trong miệng. Ẩm thực phải được thưởng thức bằng đầy đủ các giác quan. Ngoài ra, sự chỉn chu chọn nguyên liệu, gia vị chuẩn là "chìa khóa vàng" của người đầu bếp", nghệ nhân Ánh Tuyết vẫn nhớ những lời dạy của bà.

Mong muốn truyền nghề cho người trẻ

Theo nữ nghệ nhân, nguyên liệu thể hiện tri thức, sự am tường của người nấu, có lúc lại là "vật gửi tin" để truyền đi thông điệp mà người đầu bếp muốn nói. Có nghĩa là người đầu bếp thực thụ phải biết chọn nguyên liệu, phải biết món nào tốt cho sức khỏe, món nào hại cho người bị bệnh, món nào gây ra độc tố. Mỗi món ăn như con thuyền chuyên chở hết những nét đẹp văn hóa, truyền thống của một đất nước, dân tộc.

Năm 2017, khi được giao làm bàn tiệc thết đãi 21 nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC, trước đó 6 tháng, nghệ nhân Ánh Tuyết đã tìm hiểu văn hóa của từng nước để biết họ thích gì, kiêng gì… Hàng trăm món lần lượt được gạch tên cho đến khi chỉ còn lại 12 thực đơn phù hợp. Từ đó, nghệ nhân tiếp tục sàng lọc 6 món ăn đậm bản sắc truyền thống là: nộm hoa chuối, cá vược hấp ngũ vị, nem cua bể, nem cuốn tươi, vịt quay da giòn và chè khoai tím tráng miệng.

Dù đã ở cái tuổi đáng ra phải nghỉ ngơi nhưng nữ nghệ nhân gốc Hà Nội vẫn đang miệt mài với "con thuyền" ẩm thực của mình. Bà mong muốn lan tỏa những giá trị truyền thống của ẩm thực Hà Nội đến với đông đảo mọi người cũng như truyền lại những kiến thức của mình cho người trẻ để họ tiếp tục phát huy những giá trị đó bằng "ngọn lửa" đam mê.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm