pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mong tinh thần khởi nghiệp tiếp tục lan tỏa trong hội viên, phụ nữ

Chị Lê Thị Liên (bìa phải), chủ hộ kinh doanh Liên’s House, giới thiệu sản phẩm
Chị Lê Thị Liên chia sẻ, người dân quê hương Thanh Sơn nơi chị đang sinh sống chủ yếu sống bằng nghề nông, trong đó cây bưởi da xanh được nhiều người trồng.
Gia đình chị cũng trồng 7ha bưởi. Hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng bưởi, chị nhận thấy rằng thị trường trái bưởi tươi rất bấp bênh, luôn phải đối mặt với câu chuyện "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Trong thâm tâm, chị luôn nghĩ đến việc đa dạng hóa sản phẩm từ quả bưởi để có thể nâng cao giá trị nông sản, không bị thương lái ép giá mỗi vụ thu hoạch, bên cạnh đó còn tạo việc làm cho người dân, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
"Năm 2019, khi dịch Covid-19 xảy ra, bưởi đến vụ thu hoạch nhưng không bán được. Bưởi chín rất nhiều, ngày nào tôi cũng cho người vào hái rồi vắt cho mọi người uống nhưng cũng không thể nào hết được. Lúc này, tôi liền nghĩ đến việc lên men nước bưởi để sử dụng", chị Liên nhớ lại. Việc cho ra đời sản phẩm bưởi da xanh lên men cũng lắm khó khăn.
Ban đầu, chị làm theo công thức được người bạn chỉ dẫn cho nhưng thất bại. Không nản chí, chị tiếp tục hỏi người quen rồi lên mạng để tìm hiểu thêm thông tin, kiến thức. Trải qua nhiều lần làm thử, chị mới cho ra đời được sản phẩm bưởi da xanh lên men hoàn chỉnh dựa trên quy trình ủ truyền thống: Múi bưởi kết hợp với đường phèn được ủ trong chum sành để lên men tự nhiên, không dùng chất phụ gia. Theo chị, quy trình này rất phức tạp, bởi mỗi vụ bưởi, diện tích bưởi đều có độ ngọt khác nhau nên định lượng bưởi và đường phải được thay đổi phù hợp, nếu không sẽ thất bại.

Chị Lê Thị Liên, chủ hộ kinh doanh Liên’s House
Theo chị Liên, ban đầu, sản phẩm bưởi da xanh lên men chỉ được dùng trong gia đình và một số người thân quen. Đến Tết Nguyên đán 2020, được nhiều người động viên, chị đã mạnh dạn làm với số lượng nhiều hơn để bán ra thị trường. Thật mừng khi sản phẩm được nhiều người yêu thích và ủng hộ. Không dừng lại ở đó, tận dụng phần vỏ bưởi, chị Liên còn mày mò, chế biến sản phẩm vỏ bưởi sấy dẻo và vỏ bưởi sấy giòn.
"Khi làm bưởi da xanh lên men, phần vỏ bưởi nếu cứ thế bỏ đi thì tiếc quá. Do vậy, tôi tìm hiểu và làm thêm sản phẩm vỏ bưởi sấy dẻo và vỏ bưởi sấy giòn. Để làm được sản phẩm vỏ bưởi sấy thật sự rất công phu, từ khi hái quả bưởi đến lúc cho ra thành phẩm phải trải qua 10 công đoạn. Vất vả là vậy nhưng bù lại, mình nâng cao được giá trị của quả bưởi", chị Liên chia sẻ.
Vào năm 2024, chị Lê Thị Liên mạnh dạn tham gia Cuộc thi "Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Dự án "Tận dụng nguồn nguyên liệu bưởi da xanh sẵn có ở địa phương tạo nên sản phẩm có giá trị cao, tốt cho sức khỏe" của chị đã xuất sắc giành được giải Nhì.
Chị Liên chia sẻ, đây là cột mốc đáng nhớ và cũng được xem là bước ngoặt trong hành trình khởi nghiệp của chị. Bởi cuộc thi đã tiếp thêm động lực, niềm tin cho những phụ nữ khởi nghiệp như chị. Bên cạnh đó, khi tham gia cuộc thi, chị được ban giám khảo, chuyên gia định hướng cho nhiều điều, giúp cho sản phẩm, việc kinh doanh ngày càng tốt hơn.
"Nhờ cuộc thi mà ngày càng có nhiều người biết đến Liên's House hơn. Tôi đặc biệt biết ơn những góp ý của các chuyên gia, nhất là việc đặt tên cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng góp ý cho tôi cần nghiên cứu để làm thêm các sản phẩm khác từ quả bưởi để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu", chị Liên chia sẻ.

Chị Lê Thị Liên (thứ 2 từ phải qua), chủ hộ kinh doanh Liên’s House, đạt giải Nhì Cuộc thi “Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức
KHÔNG CHỈ NGHĨ CHO LỢI ÍCH CỦA BẢN THÂN
Từ những bước đi đầu tiên, đến nay, những sản phẩm được chế biến từ quả bưởi mang thương hiệu Liên's House ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ngoài việc phân phối tại các đại lý, cửa hàng ở các tỉnh, thành như Đồng Nai, TPHCM, Vĩnh Long, Đắk Lắk… sản phẩm còn được giới thiệu, bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… Trong đó, sản phẩm bưởi da xanh lên men có giá 150.000 - 170.000 đồng/chai 500ml; vỏ bưởi sấy giòn giá 75.000 đồng/hộp 150gr; vỏ bưởi sấy dẻo giá 85.000 đồng/hộp 150gr… Mới đây, chị Liên đã cho ra đời sản phẩm trà vỏ bưởi, được chế biến từ vỏ bưởi non.
Theo chị Lê Thị Liên, dù có những thuận lợi nhưng việc phân phối sản phẩm cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm tương tự, sự cạnh tranh lớn, đòi hỏi nhà sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. "Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cố gắng đạt chứng nhận OCOP, cũng như hướng đến các kênh phân phối khác để tiếp tục mở rộng thị trường", chủ hộ kinh doanh Liên's House nhấn mạnh.

Sản phẩm của Liên’s House
Hành trình khởi nghiệp còn nhiều thách thức ở phía trước nhưng với những kinh nghiệm có được, chị Liên cho rằng, muốn khởi nghiệp thành công thì phải có đam mê, nhiệt huyết với công việc mình làm. Khi khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, người khởi nghiệp không chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mà phải nhìn thấu được những trăn trở của người nông dân, phải tìm ra hướng đi mới để giải bài toán "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Phải nghĩ đến lợi ích của cả cộng đồng thì mới có được sự chia sẻ và động lực để khởi nghiệp.
"Bản thân tôi khi khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn bởi tôi không được đào tạo qua trường lớp nào mà phải tự mày mò, học hỏi, sáng tạo. Nhưng bù lại, tôi có niềm tin và nhiệt huyết. Tôi luôn mong muốn làm ra các sản phẩm mới để nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người nông dân, cho chị em phụ nữ", chị Liên chia sẻ. Trong hành trình khởi nghiệp, chủ hộ kinh doanh Liên's House cũng luôn nhận được sự động viên, khích lệ và hỗ trợ của các cấp Hội, của chị em phụ nữ, với mong muốn duy nhất là chị sẽ tiếp tục làm ra các sản phẩm mới.
Cũng theo chị Liên, trong hành trình khởi nghiệp, chị hạnh phúc khi được sự chia sẻ, động viên của chồng và các con. Trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục mở rộng mô hình liên kết với các hộ dân, hướng dẫn chị em chăm sóc vườn bưởi theo quy trình hữu cơ. Chị mong muốn được sự hỗ trợ về nguồn vốn để tiếp tục đầu tư máy móc phục vụ cho việc sản xuất.
"Tôi thật sự hạnh phúc khi được sống với đam mê của mình, tự hào với thương hiệu Liên's House mà bản thân tạo ra. Tôi cũng mong muốn tinh thần khởi nghiệp sẽ tiếp tục lan tỏa trong hội viên, phụ nữ để chị em có thể mạnh dạn làm những điều tốt đẹp trong cuộc sống, được thể hiện khả năng của bản thân", chị Lê Thị Liên tâm sự.
MỘT SỐ BÍ QUYẾT KHỞI NGHIỆP CỦA CHỊ LÊ THỊ LIÊN
- Trong quá trình khởi nghiệp phải đặt ra những mục tiêu cụ thể và luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
- Khi khởi nghiệp với sản phẩm thực phẩm thì phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, sức khỏe người tiêu dùng lên trên hết.
- Hành trình khởi nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi có sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền, các đoàn thể địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, chia sẻ của người thân trong gia đình.
- Cần không ngừng học hỏi, sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.