pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiếp lửa cho nữ doanh nhân vùng cao phát triển kinh tế

Bà Uông Thị Lan, Giám đốc HTX chè an toàn Nguyên Việt
Một buổi sớm mùa hè, vùng chè Trại Cài, xã Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên trải dài như tấm thảm xanh mướt mắt. Tiếng nói cười rộn rã của những người phụ nữ đang tỉ mẩn hái chè vang vọng khắp những triền đồi trập trùng. Trên mảnh đất đã bao đời gắn với cây chè, giờ đây không chỉ có mùi hương thơm ngát của trà, mà còn mang đến những khát vọng đổi thay, bền bỉ và thầm lặng của những người phụ nữ vùng cao.
Gia đình bà Uông Thị Lan đã có bốn đời làm chè. Nhưng trong suốt nhiều năm dài, cây chè chỉ đủ để gia đình sống lay lắt. Khi người người bỏ đồi chè để tìm sinh kế khác, bà Lan vẫn quyết tâm bám nghề. Không chấp nhận cảnh quanh năm chăm chút từng gốc chè mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, năm 2011, bà Uông Thị Lan quyết định thành lập Hợp tác xã chè an toàn Nguyên Việt. Ban đầu, bà chẳng có gì ngoài lòng tin và 50 triệu tiền vốn vay được từ Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên.
"Giai đoạn mới thành lập rất khó khăn, vất vả vì một người nông dân đầu chỉ biết đến cây chè thì thì những khái niệm về pháp luật, về các quy trình thủ tục, lập hồ sơ thành lập HTX... tôi đều rất mơ hồ. Rồi tôi được gặp gỡ với cán bộ của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, cán bộ Sở Nông nghiệp, Sở Công Thương… Tất cả từ từ được tháo gỡ", bà Lan nhớ lại.
Bước ngoặt đến với bà và HTX khi thành công nhận bao tiêu sản phẩm cho toàn thành phố Cao Bằng. Sau đơn hàng ấy, những đơn hàng khác từ Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh... cũng theo về.

Thành viên HTX chè an toàn Nguyên Việt sản xuất chè vụ hè 2025
HTX chè an toàn Nguyên Việt cũng lớn mạnh dần lên. Từ 7 thành viên ban đầu, HTX hiện nay có 31 thành viên chính thức, liên kết với 32 hộ gia đình, trong đó hơn 95% là phụ nữ dân tộc thiểu số. HTX cũng liên kết với các hộ dân hình thành thêm vùng nguyên liệu rộng 400ha. HTX đưa ra ràng buộc, các hộ nông dân chỉ thu hái bằng tay, quá trình chăm sóc chè phải có ghi chép nhật ký, để quản lý được thời gian thu hái, phun thuốc bảo vệ thực vật…
Những bệ đỡ cho phụ nữ vùng cao làm kinh tế
Thành công của bà Uông Thị Lan không đến từ một cá nhân đơn lẻ, mà là minh chứng cho sức mạnh của sự liên kết, sự dẫn dắt và đồng hành từ các tổ chức đoàn thể cơ sở. Trong đó, có sự đồng hành của Hội LHPN xã Minh Lập, Hội nông dân, Liên minh HTX…
Bà Bùi Việt Nga, Phó Chủ tịch UB MTTQ, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Hỷ cho biết, Hội LHPN xã không chỉ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái chè, mà còn đồng hành cùng chị em nâng cao ý thức an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, là những điều kiện cần để sản phẩm vươn xa trên thị trường hiện đại. Hội LHPN xã còn là cầu nối giúp HTX liên kết với thị trường, với Sở Công Thương, với các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm.
Không chỉ Hội Phụ nữ, ngành Công Thương Thái Nguyên cũng đóng vai trò quan trọng trong hành trình "tiếp lửa" cho các nữ doanh nhân vùng cao. Đối với phụ nữ vùng cao, điều cần nhất không chỉ là vốn mà là kiến thức và kỹ năng làm kinh tế, chính vì thế nhiều lớp tập huấn được tổ chức ngay tại địa phương, hướng dẫn từ cách xây dựng thương hiệu, làm tem nhãn, thiết kế bao bì đến tiếp cận các kênh bán hàng hiện đại như sàn thương mại điện tử…

Bà An Thị Hương, Chủ tịch UB MTTQ xã Đồng Hỷ (bìa phải), bà Bùi Việt Nga, Phó Chủ tịch UB MTTQ, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Hỷ thăm và làm việc tại HTX chè Nguyên Việt
Từ những hỗ trợ thiết thực đó, HTX chè Nguyên Việt đã có đến 5 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao, khẳng định chất lượng không hề thua kém các vùng chè nổi tiếng như Tân Cương hay La Bằng…
Tháo gỡ nút thắt đưa nông sản vùng cao "xuống núi"
Mặc dù những HTX, các nữ doanh nhân tại miền núi, vùng sâu, vùng xa đã nhận được hỗ trợ song việc phát triển kinh tế miền núi vẫn gặp không ít thách thức. Rào cản lớn nhất hiện nay là chất lượng và tiêu chuẩn hóa sản phẩm và những nữ doanh nhân nơi vùng cao vẫn rất cần sự đồng hành để phát triển hệ thống phân phối bền vững, hỗ trợ tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và nâng cao năng lực tiếp cận thị trường.
Bộ Công Thương cũng đang chủ trì triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, với nhiều hoạt động, hội nghị, hội thảo để kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các địa phương phát triển thương mại ở những khu vực này, để xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các vùng miền khác.
Trên những đồi chè xanh mướt của Trại Cài, nhờ có sự đồng hành, tiếp sức, nhiều nữ lãnh đạo như bà Uông Thị Lan đang tiếp tục "tiếp lửa" cho lớp lớp phụ nữ vùng cao vươn lên phát triển kinh tế, đưa nông sản vùng cao "xuống núi" để vươn xa.