Nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ tài chính cho phụ nữ, các nhóm yếu thế và khu vực nông thôn, miền núi

Vân Anh
06/07/2025 - 21:40
Nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ tài chính cho phụ nữ, các nhóm yếu thế và khu vực nông thôn, miền núi

Thông qua Dự án, phụ nữ từ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các tổ hợp tác, HTX, thành viên HTX, các hộ SXKD ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc các địa bàn khó khăn của Việt Nam sẽ được nâng cao năng lực. Ảnh minh họa

Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển kinh tế hợp tác trong nền kinh tế số ở Việt Nam” được xây dựng với mục đích chính là giúp các hợp tác xã, phụ nữ, người thu nhập thấp có thể tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ tài chính, trong đó trọng tâm là những sản phẩm tài chính số.

Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, việc thúc đẩy tài chính toàn diện và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế và khu vực nông thôn, miền núi.

Dự án "Thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển kinh tế hợp tác trong nền kinh tế số ở Việt Nam" do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì, phối hợp với Quỹ Châu Á (TAF), Trường bồi dưỡng cán bộ (VICEM) và các đối tác triển khai, được xây dựng với mục đích chính là giúp mọi người, đặc biệt là thành viên hợp tác xã (HTX), người thu nhập thấp, người nghèo và phụ nữ, có thể tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ tài chính, trong đó trọng tâm là những sản phẩm tài chính số.

Chú trọng đào tạo, tập huấn, truyền thông về chuyển đổi số

Dự án "Thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển kinh tế hợp tác trong nền kinh tế số ở Việt Nam" được thực hiện đến hết tháng 3/2027, triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Điện Biên, Lào Cai, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Gia Lai, An Giang và Cần Thơ. 

Nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ tài chính cho phụ nữ, các nhóm yếu thế và khu vực nông thôn, miền núi- Ảnh 1.

Phụ nữ từ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các tổ hợp tác, HTX, thành viên HTX, các hộ SXKD ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc các địa bàn khó khăn của Việt Nam là đối tượng ưu tiên của Dự án. Ảnh minh họa

Dự án mong muốn tiếp cận ít nhất 150.000 lượt người tham gia chương trình đào tạo, tập huấn, truyền thông về an toàn, an ninh trên không gian mạng hướng tới đối tượng là khách hàng, các hội, đoàn thể và cán bộ Ngân hàng CSXH. Trong đó, ưu tiên phụ nữ (60%) từ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các tổ hợp tác, HTX, thành viên HTX, các hộ SXKD ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc các địa bàn khó khăn của Việt Nam.

Thông qua Dự án, các hợp tác xã sẽ được hỗ trợ về công nghệ và đào tạo, giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp khu vực kinh tế tập thể ngày càng mạnh lên, mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế số Việt Nam; đồng thời thiết thực hưởng ứng các phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" và phong trào "Bình dân học vụ số".

Tạo sinh kế bền vững cho hàng triệu hộ dân qua "cú hích" tài chính toàn diện trong kỷ nguyên số 

Đánh giá cao ý nghĩa của Dự án, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định, trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc hỗ trợ các hợp tác xã và thành viên, đặc biệt là những người thu nhập thấp, phụ nữ và nhóm yếu thế, tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả các dịch vụ tài chính số không chỉ là lựa chọn, mà đã trở thành nguyện vọng cấp bách. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng tin tưởng dự án sẽ tạo ra một cú hích mạnh mẽ, giúp các HTX và người dân yếu thế vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội để bứt phá.

Nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ tài chính cho phụ nữ, các nhóm yếu thế và khu vực nông thôn, miền núi- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự lễ ký kết biên bản phân công nhiệm vụ thực hiện dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển kinh tế hợp tác trong nền kinh tế số ở Việt Nam”

Bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án cho biết, Liên minh HTX Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm kết nối, cập nhật nhu cầu, triển khai tập huấn, tư vấn thành lập, vận hành HTX áp dụng nền tảng số, tạo mạng lưới truyền thông nội bộ trong các HTX.

Dự đã được kỳ vọng sẽ giúp các HTX nắm bắt công nghệ, mạnh về tài chính, nâng cao năng suất lao động và mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm địa phương, tạo sinh kế bền vững cho hàng triệu hộ dân.

Để thực hiện thành công dự án, ông Filip Graovac, Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam, cam kết Quỹ sẽ hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ những bài học kinh nghiệm và các mô hình thành công trên thế giới giúp dự án đạt được mục tiêu, góp phần vào sự phát triển bao trùm và bền vững của kinh tế Việt Nam. Ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cũng khẳng định, NHCSXH sẽ dành nguồn lực tối ưu và thiết kế các quy trình thuận lợi để dòng vốn chính sách có thể đến tay người dân, các HTX và thành viên nhanh chóng, hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ.

Dự án "Thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển kinh tế hợp tác trong nền kinh tế số ở Việt Nam" quy định rõ trách nhiệm của Liên minh HTX Việt Nam là giữ vai trò chủ đạo trong việc kết nối, triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho các HTX. NHCSXH cam kết xây dựng và cung cấp các nội dung đào tạo, sản phẩm tài chính phù hợp với đặc thù của khách hàng. Vai trò của Quỹ Châu Á tại Việt Nam là nhà tài trợ, cố vấn, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tài chính toàn diện và chuyển đổi số.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm