Mua há cảo trên mạng, người phụ nữ suýt mất 3,5 tỷ: Chiêu thức lừa đảo tinh vi

Thanh Hương
06/07/2023 - 14:18
Nếu chồng của người phụ nữ chỉ hành động chậm chút nữa là họ sẽ mất đi một khoản tiền rất lớn.

Trước tình trạng bọn tội phạm công nghệ cao liên tục nghĩ ra những chiêu thức mới để đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng, chúng ta cần nâng cao kiến thức mỗi ngày để không trở thành nạn nhân của chúng.

Hy vọng với câu chuyện của hai người phụ nữ, một ở Singapore, một ở Mỹ, bạn sẽ có thêm thông tin để luôn bảo đảm được sự an toàn về mặt tài chính của bản thân và gia đình. 

Mua há cảo chỉ vài chục ngàn, người phụ nữ suýt mất 3,5 tỷ

Theo thông tin được đăng tải trên trang Mothership, vào ngày 4/6 vừa qua, bà He, 57 tuổi, một bà nội trợ  ở Singapore cho biết đã nhìn thấy một mẩu quảng cáo rất hấp dẫn về đồ ăn của "MCY Frozen Food" trên Instagram, cụ thể là một hộp há cảo 12 chiếc, hoặc 3 lạng sườn lợn hấp chỉ có giá là 2 đô la Singapore, tương đương khoảng 35.000 VNĐ. Thấy đây là một món hời, bà He lập tức liên hệ với người bán qua Instagram và được dẫn tới một cửa sổ chat WhatsApp. 

Bên kia sau đó đã gửi cho bà He một đường link để tải một ứng dụng dùng cho điện thoại di động để đặt hàng. Làm theo yêu cầu, bà He đã tải ứng dụng có tên "1stMallv1.2" và cung cấp hết các thông tin cá nhân của mình. 

Mua há cảo trên mạng chỉ vài chục ngàn, người phụ nữ suýt mất 3,5 tỷ: Chiêu thức lừa đảo tinh vi - Ảnh 1.

Vì thấy món ăn có giá hời, bà He đã tải app về để mua. (Nguồn ảnh: Shin Min Daily News)

Tuy nhiên, bà He cho biết ứng dụng này liên tục báo lỗi, không cho bà hoàn thành việc thanh toán. Chia sẻ với tờ Shin Min Daily News, người phụ nữ tiết lộ bà dự định sẽ thanh toán sau khi hệ thống hết lỗi. 

Nhưng hóa ra, mọi chuyện không phải đơn giản như bà He nghĩ. 

Hôm sau, chồng bà He đã nhận được một email từ ngân hàng của họ, thông báo rằng có người tự nhận là vợ của ông và đã nâng hạn mức thẻ tín dụng ở tài khoản của họ từ 10.000 đô la Singapore (tương đương 175 triệu VNĐ) lên 200.000 đô la Singapore (tương đương 3,5 tỷ VNĐ). 

Yêu cầu này đã được gửi vào 6h sáng hôm đó, nhưng cần 12 giờ để xử lý. Cảm thấy nghi ngờ, chồng bà He đã nói chuyện với vợ. Nghi ngờ rằng thông tin cá nhân của vợ mình đã bị đánh cắp từ việc tải các ứng dụng độc hại trên điện thoại, người đàn ông đã lập tức gọi đến ngân hàng yêu cầu đóng băng tài khoản. 

Mua há cảo trên mạng chỉ vài chục ngàn, người phụ nữ suýt mất 3,5 tỷ: Chiêu thức lừa đảo tinh vi - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Thật may là chồng bà He đã phát hiện ra vấn đề vào lúc 5 rưỡi chiều hôm đó, chứ nếu để đến 6h chiều thì mọi chuyện đã quá muộn. "Nếu tôi chỉ chậm chân một chút thì toàn bộ số tiền của chúng tôi có thể đã bị những kẻ lừa đảo lấy hết rồi. Đây đúng là một trải nghiệm đáng sợ. Tôi hy vọng các bạn có thể rút ra bài học từ câu chuyện của chúng tôi, và đừng rơi vào bẫy khi thấy những món hời được quảng cáo trên mạng", chồng bà He chia sẻ với tờ Shin Min Daily News. 

Chồng bà He cũng chia sẻ thêm rằng các nhân viên ngân hàng đã thông báo cho họ là những vụ lừa đảo như vậy rất phổ biến và khuyên họ nên báo cảnh sát dù chưa mất tiền để ngăn chặn loại tội phạm này. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra.

Người phụ nữ mất hết tiền tiết kiệm vì thủ phạm ngày nào cũng gọi điện

Cũng là một nạn nhân bị lừa đảo nhưng câu chuyện của người phụ nữ 84 tuổi ở Mỹ lại hoàn toàn khác. 

Theo thông tin được đăng tải trên hãng tin của Mỹ ABC 7, bà Barbara sống ở Raleigh, bang Bắc Carolina. Mới đây, có một người đàn ông đã gọi điện cho bà, tự xưng là người ở Ủy ban Thương mại Liên bang và lý do là có những kẻ đang lợi dụng người già để rửa tiền, và bà chính là một trong các đối tượng "bị lợi dụng". 

Theo đó, người đàn ông này đã dùng lời nói để uy hiếp bà Barbara, khiến bà tin rằng số tiền tiết kiệm trong tài khoản của mình đang gặp nguy hiểm. 

Mua há cảo trên mạng chỉ vài chục ngàn, người phụ nữ suýt mất 3,5 tỷ: Chiêu thức lừa đảo tinh vi - Ảnh 3.

Ban đầu nghi ngờ, nhưng rồi người phụ nữ vẫn bị thuyết phục và mất sạch tiền tiết kiệm. (Ảnh minh họa)

"Anh ta nói ông ta muốn giúp tôi lấy tiền của tôi rồi rửa sạch nó, còn nếu tôi cố tình dùng tiền trong tài khoản của tôi nghĩa là tôi đang dùng tiền bẩn", người phụ nữ kể lại.

Và dù ban đầu, bà Barbara cũng tin rằng người đàn ông đang lừa bà, thế nhưng, ngày nào hắn cũng gọi điện cho bà thuyết phục và lấy lòng tin của bà. Cuối cùng, trong 2 tuần, hắn đã thành công khi có thể thuyết phục bà mỗi ngày chuyển 7.500 đô la sang tài khoản của hắn.

"Bọn họ nói mọi chuyện sẽ kết thúc khi bọn họ lấy được hết tiền của tôi để đem đi rửa sạch, sau đó sẽ có những người nằm vùng đến nhà tôi và đem tiền đến cho tôi", bà Barbara nói tiếp. 

Thế nhưng, sau khi chuyển hết toàn bộ số tiền của mình, bà Barbara cũng chẳng nhận được thêm cuộc gọi nào nữa. 

"Lần cuối cùng anh ta gọi cho tôi là khi mọi chuyện đã xong, và anh ta bảo 'Tôi chỉ muốn cảm ơn bà vì tất cả những nỗ lực của bà để giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ'. Thế thôi", bà Barbara chia sẻ. 

Được biết, bà Barbara không phải là trường hợp hiếm bị lừa hết cả tiền tiết kiệm theo một hình thức được gọi là lừa đảo mạo danh. Các dữ liệu liên bang cho thấy vào năm 2022, người dân Mỹ đã bị mất tới 2,6 tỷ đô la trong các vụ việc tương tự. Những kẻ lừa đảo không chỉ giả dạng nhân viên chính phủ, mà còn đóng các vai khác như nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, hoặc các doanh nhân nổi tiếng. Do đó, dù nhận được bất kỳ cuộc gọi nào, bạn cũng nên nâng cao cảnh giác để tránh mất tiền oan.

Nguồn: Mothership & ABC 7
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm