pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mua kie lan đột biến 4,6 tỷ đồng nhưng chủ vườn không xác nhận nguồn gốc, không mua lại
Thông tin anh G. chia sẻ lên mạng xã hội
Ngày 18/4, giới chơi lan đột biến xôn xao trước thông tin từ tài khoản Facebook N.G. chia sẻ thông tin trên mạng xã hội về việc bị chủ vườn lan từ chối xác nhận nguồn gốc để giao dịch.
Theo chia sẻ, anh N.G có mua 2 kie lan độт biến Anh Vũ của vườn lan T.S với giá 4,6 tỷ đồng. Vườn lan T.S được cho là vườn lớn (giới chơi lan hay gọi là anh lớn). Sau đó, anh G. muốn bán 2 kie lan đó cho người người khác. Sau khi thống nhất được giá cả, khách mua muốn kiểm tra nguồn gốc cây lan xem có phải mua của anh S. hay không. Lúc này, anh G. gọi điện, nhắn tin nhờ anh S. xác nhận thông tin là anh S. đã mua lan đột biến từ vườn của anh S. Tuy nhiên, anh S. nói: "anh không thể trả lời".
Khi anh G. tiếp tục gọi điện nhờ anh S. xác minh kie Anh Vũ xuất ra từ nguồn của anh S. Tuy nhiên, anh S. khẳng định "không có trách nhiệm bảo hành cho bên thứ 3".
Khi anh S. không xác nhận nguồn gốc, anh G. xin bán lại cây đã mua cho anh S. "Khi tôi mua kie là 5cm chưa mầm gốc, sau hơn 1 tháng chăm nuôi cây đã ra mầm gốc được 8cm. Tôi chỉ xin gửi lại cho anh bằng giá mua từ anh. Tuy nhiên, anh S. đã nhắn lại bằng câu đầy mỉa mai "khôn như này quê anh đầy", anh S. chia sẻ.
Anh G. cho biết, do vườn lan nhà anh S. là lớn, nên anh G. cũng muốn dựa vào sự uy tín đó để làm ăn. Thực tế, đa số anh em làm bây giờ đều vậy nên mới có từ được sinh ra check nguồn.
Anh G. cũng cay đắng, bởi số tiền đó với nhiều người tuy không lớn nhưng với anh đó là cả gia tài. Vì vậy, với cách hành xử của anh S. Anh G. đành chọn cách chia sẻ lên mạng xã hội để mọi người muốn giao dịch với anh S. thì cần cảnh giác.
Ngay sau khi thông tin trên được chia sẻ, đã khiến dư luận dậy sóng. Nhiều ý kiến thì cho rằng, bản chất của mua bán lan đột biến đã "lộ" và người lãnh hậu quả là người mua cuối. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, anh G. quá ngây thơ khi số tiền giao dịch lớn như thế nhưng không có giấy bảo hành nguồn gốc (do nhà vườn cấp ra) nên mới xảy ra tình trạng như vậy.
Không chỉ trường hợp trên, thời gian đây giới chơi lan đột biến thường xuyên nhận được những thông tin "không tốt". Mới đây nhất là vụ lùm xùm liên quan đến vườn lan đột biến ở xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị tố ôm tiền của nhà đầu tư bỏ trốn. Trước đó, vụ một người ở Vĩnh Phúc tố bị lừa hàng chụctỷ đồng mua lan đột biến và nhiều việc khác.
Theo giới chơi lan, việc mua bán lan đột biến chỉ là niềm tin. Do đó, cũng rất khó để xác định đấy có phải lan đột biến hay không. Vì vậy, người mua thường chọn những nhà vườn lớn, uy tín để "check nguồn". Tuy nhiên, với vụ việc vừa xảy ra, giới chơi và đầu tư lan đột biến cũng không khỏi "lạnh gáy", bởi nếu người bán ban đầu không chịu xác nhận nguồn gốc thì không biết ai sẽ mua số lan đó.