pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mùa này ăn tỏi ngừa cảm cúm nhưng hãy dừng ngay nếu thấy dấu hiệu này
Ăn 1- 2 tép tỏi mỗi ngày có thể có lợi cho nhiều khía cạnh sức khỏe. Tỏi có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt loại gia vị cay nồng này còn được mệnh danh là thuốc kháng sinh tự nhiên mạnh nhất nhờ hợp chất chống oxy hóa có tính kháng khuẩn cao như allicin, ajoene, allyl sulfide, diallyl sulfide, diallyl disulfide, diallyl trisulfide và S-allyl-cysteine.
Có thể kể đến các công dụng của tỏi như: Tăng cường miễn dịch, phòng và điều trị cảm cúm, ngăn ngừa các lão hóa thần kinh, cải thiện sức khỏe của xương, hạt huyết áp, kiểm soát đường huyết, cải thiện sức khỏe đường ruột, hỗ trợ quản lý cân nặng, bảo vệ gan khỏi tổn thương do ethanol gây ra cũng như kiểm soát cholesterol và tăng cường sức khỏe tim mạch,...
5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều tỏi
Hầu hết các loại thực phẩm giữ lại lượng chất dinh dưỡng cao nhất khi ăn sống. Tuy nhiên, tỏi có hoạt tính chống oxy hóa khi nấu chín. Tính chất kháng khuẩn của tỏi giảm đi và thậm chí có thể bị mất hoàn toàn do nhiệt khi nấu. Chính vì vậy, rất nhiều người có xu hướng ăn tỏi sống để phòng trị bệnh.
Ăn tỏi tốt cho sức khỏe nhưng ăn nhiều tỏi có tốt không? Nếu ăn quá nhiều tỏi, cơ thể có thể có các dấu hiệu sau đây. Tất nhiên, các dấu hiệu này không phải ai cũng gặp phải hoặc xảy ra với các mức độ khác nhau. Cụ thể:
1. Hơi thở có mùi
Tỏi là một thực phẩm có mùi hăng và cay nồng đặc trưng và có thể dẫn tới hơi thở có mùi nếu ăn quá nhiều. Điều này là do tỏi chứa các hợp chất có lưu huỳnh như allicin, khi tiêu hóa trong dạ dày và ruột non chúng sẽ được chuyển hóa thành các sản phẩm khác có mùi mạnh mẽ gọi là allyl methyl sulfide (AMS). Các hợp chất này có thể được hấp thụ vào máu và khiến hơi thở có mùi tỏi.
Tuy vậy, hợp chất lưu huỳnh trong tỏi thường được cho là có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Do vậy, bạn có thể cải thiện tình trạng hơi thở có mùi khi ăn nhiều tỏi bằng cách:
+ Thử ăn các loại trái cây và rau củ có chứa tinh dầu chẳng hạn như táo, rau diếp hoặc các loại rau gia vị nhiều tinh dầu như rau húng, rau bạc hà, rau mùi,...
+ Uống nhiều nước cũng giúp loại bỏ hơi thở có mùi tỏi nhờ việc cặn bã của tỏi bám trên lưỡi, nướu, kẽ răng được loại bỏ. Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể uống nước chanh, uống trà xanh hoặc sữa nguyên chất cũng giúp khử mùi hôi miệng nhanh chóng.
+ Nhai kẹo cao su để kích thích miệng sản xuất nước bọt có thể loại bỏ vi khuẩn "kích hoạt" mùi hôi miệng.
2. Chảy máu: Bầm tím, chảy máu cam, chảy máu chân răng
Tỏi có đặc tính chống đông máu tự nhiên, nghĩa là ăn tỏi có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành của cục máu đông (huyết khối) và lợi ích này giúp việc ăn tỏi có lợi cho sức khỏe tim mạch, bao gồm cả việc tuần hoàn máu. Tuy nhiên, ăn quá nhiều tỏi có thể dẫn tới nguy cơ chảy máu cho người đang sử dụng thuốc chống đông máu như warfarin hoặc đang chuẩn bị làm phẫu thuật, nha khoa hoặc các thủ thuật y tế khác.
Mặc dù xuất huyết do ăn tỏi không phổ biến nhưng nếu ăn quá nhiều tỏi thì nguy cơ bị xuất huyết, bầm tím quá mức vẫn có thể xảy ra. Tốt hơn hết, bạn nên ngừng tiêu thụ tỏi ít nhất 7 ngày trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
Ngoài ra, xuất huyết trong khoang trước của mắt có thể ảnh hưởng tới thị lực, dẫn tới thị lực và cũng là một dấu hiệu cảnh báo đang ăn quá nhiều tỏi mà bạn cần chú ý.
3. Các rối loạn tiêu hóa
Ăn quá nhiều tỏi có thể gây ra một số rối loạn tiêu hóa như buồn nôn và nôn mửa, ợ nóng, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy và đau dạ dày thậm chí là viêm loét dạ dày - tá tràng ở một số người. Điều này là do tỏi có hàm lượng fructan cao, giàu hợp chất lưu huỳnh nên dễ dẫn tới kích thích niêm mạc tiêu hóa, khó hấp thụ hoàn toàn ở ruột non và lên men trong ruột.
Hơn nữa, ăn quá nhiều tỏi có thể làm giảm trương lực cơ vòng thực quản dưới (LES), có thể khiến các cơ ở đáy thực quản đóng lại và ngăn không cho axit xâm nhập vào nhưng lại có thể kích hoạt hiện tượng trào ngược axit trong một số trường hợp.
4. Chóng mặt do hạ huyết áp
Theo Viện Tim, Phổi và Máu Hoa Kỳ, một nghiên cứu trong tổng quan cho thấy tỏi có thể làm giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương ở những người mắc hội chứng chuyển hóa - một nhóm tình trạng sức khỏe làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường.
Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều tỏi bạn có thể dễ dàng cảm thấy hoa mắt, chóng mặt thậm chí là ngất xỉu do huyết áp giảm mạnh và não không nhận đủ oxy từ máu, đặc biệt là ở người đang sử dụng thuốc ổn định huyết áp hoặc người bị huyết áp thấp.
5. Mề đay, mẩn ngứa
Mặc dù không phổ biến nhưng một số enzyme trong tỏi có thể gây kích ứng da dẫn tới mề đay, mẩn ngứa ở người nhạy cảm. Dấu hiệu này cần chú ý nếu bạn đang bị các tình trạng như bệnh chàm - bệnh về da rất phổ biến, đặc trưng bởi cảm giác ngứa, đỏ, khô, nứt, dày da và kích ứng da ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể.
Ngoài các dấu hiệu sức khỏe cảnh báo đang ăn quá nhiều tỏi có thể gặp kể trên thì có một số nhóm thuốc có thể tương tác với tỏi nên nếu sử dụng thuốc để điều trị các bệnh lý này, cần thận trọng khi ăn tỏi: Cao huyết áp, HIV, sốt rét, bệnh lao, trầm cảm, hen suyễn, dị ứng, ung thư, rối loạn cương dương, trào ngược dạ dày - thực quản, cholesterol cao, bệnh tim, đau nửa đầu, vẩy nến, viêm khớp dạng thấp, rối loạn tâm thần, co giật hoặc các rối loạn tự miễn khác.
Tỏi mọc mầm có ăn được không?
Có. Tỏi mọc mầm vẫn ăn được chỉ có điều độ tươi ngon và mùi vị sẽ không còn được như lúc ban đầu. Tuy nhiên tỏi bị mốc thì không nên ăn, dễ bị ngộ độc. Nếu quan sát thấy bên ngoài củ tỏi - nhất là với những củ tỏi đã mọc mầm, có những vết bám đen bất thường và ruột tỏi cũng chuyển sang màu xanh lục thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy tỏi đã bị nấm mốc tấn công và bạn nên bỏ đi.
Vậy ăn bao nhiêu tỏi mỗi ngày là đủ?
Mặc dù không có một khuyến cáo chính xác về lượng tỏi tiêu thụ mỗi ngày nhưng một số nghiên cứu về tỏi sống cho thấy, sử dụng 100 mg tỏi sống nghiền nát trên mỗi một kilogam trọng lượng cơ thể hai lần mỗi ngày là hợp lý. Điều này tương đương với việc ăn khoảng 1- 2 tép tỏi mỗi ngày, tương đương 3 - 6 gam.
Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện các biểu hiện cho thấy đang ăn quá nhiều tỏi kể trên, tốt hơn hết là nên giảm lượng tỏi tiêu thụ và nếu các triệu chứng diễn biến nghiêm trọng hơn, hãy thăm khám bác sĩ sớm để được can thiệp y tế phù hợp.