pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mùa “xe duyên” cho “đệ nhất danh quả” bưởi Phúc Trạch
Bà Nguyễn Thị Vịnh (49 tuổi) cho biết, thời gian để “se duyên” cho bưởi kéo dài khoảng 1 tuần đến 15 ngày
Loại quả cấm xuất khẩu giống
Bưởi Phúc Trạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là 1 trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm cấm xuất khẩu giống. Giống bưởi có quả to tròn, vị thanh, tép mọng nước này thường được trồng tại vùng đất phù sa màu mỡ hoặc vùng đất ven đồi ở các xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Thủy, Hà Linh.
Nhằm tăng khả năng đậu quả, nâng cao sản lượng, hằng năm vào dịp tháng 3, thời điểm hoa bưởi Phúc Trạch nở rộ, cũng là lúc người dân hối hả ra đồng để "xe duyên" cho loại cây đặc sản này. Có thâm niên trồng bưởi hơn 40 năm, ông Trần Văn Tài (65 tuổi, ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê) cho biết, bưởi Phúc Trạch được chia thành 2 loại.
Trong đó loại được nhân giống bằng cách chiết cành hoặc ghép mắt gọi là bưởi đường. Loại được nhân giống bằng hạt được gọi là bưởi chua. Bưởi chua có sức sống khỏe hơn nhưng chất lượng quả kém hơn so với bưởi đường. Vì vậy, người dân vùng bưởi Phúc Trạch sẽ trồng nhiều cây bưởi đường để bán.
Tuy nhiên, nhà nào cũng trồng vài cây bưởi chua. Mục đích để lấy hoa, thụ phấn cho bưởi đường tăng thêm năng suất.
"Hiện gia đình tôi có gần 100 gốc 4 - 5 tuổi. Việc thụ phấn chúng tôi gọi vui là xe duyên cho bưởi. Mùa hoa nở, vốn dĩ đã có ong bướm tìm đến, hỗ trợ cho việc này nhưng nếu chỉ vậy, kết quả không đều, không phải bông nào cũng được thụ phấn. Để bưởi có tỷ lệ đậu quả cao, chúng tôi phải tiếp tục thụ phấn bổ sung", ông Trần Văn Tài chia sẻ.
Hai tuần qua, vào đầu giờ sáng và chiều, ông Tài trèo lên cây bưởi chua trồng trong vườn nhà hái hoa bỏ vào ống nhựa quàng trước ngực để đưa đi thụ phấn cho cây bưởi đường.
Người dân có thể dùng hoa của cây bưởi chua quét trực tiếp lên nhụy hoa của cây bưởi đường. Với những cây cao, phải dùng một cây gậy dài chừng 1-1,5m, một đầu gậy buộc cọ mềm để thụ phấn cho hoa. Người dân rắc, bôi phấn hoa lên đầu cọ mềm, sau đó chấm nhẹ lên những bông hoa đã nở, tỉ mỉ từng bông một, từ bông này qua bông khác.
Theo những người trồng bưởi lâu năm, để "xe duyên" cho bưởi thì hoa bưởi chua được chọn phải đều, cánh mịn, chấm thử vào lòng bàn tay phấn hoa màu vàng rời ra thì khả năng đậu quả khi thụ phấn sẽ cao hơn.
Loại cây giúp xóa đói giảm nghèo
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, hiện toàn huyện có hơn 2.700ha trồng bưởi Phúc Trạch. Năm 2022, toàn huyện đạt sản lượng hơn 23.000 tấn quả, giá trị sản xuất trên 700 tỷ đồng.
Để có được sự tăng trưởng đó là nhờ những năm gần đây, người dân và chính quyền xã đã mạnh dạn ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin để đẩy mạnh áp dụng các hình thức quảng bá, bán hàng, đưa bưởi Phúc Trạch lên các sàn thương mại điện tử và nhiều kênh bán hàng khác. Thương hiệu bưởi Phúc Trạch từng bước được biết đến rộng rãi, không chỉ tăng sản lượng mà giá bán cũng được nâng lên.
Bà Phạm Thị Hương (xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Gia đình tôi có hơn 300 gốc bưởi. Những năm trước, cứ vào vụ thu hoạch, thương lái sẽ đến tận vườn mua với giá 15 - 25 nghìn đồng/quả nhưng từ khi chuyển đổi số, bưởi Phúc Trạch được lên các trang thương mại điện tử, tôi cũng sử dụng điện thoại thông minh để đăng bài lên các trang mạng xã hội, giá thành nhờ đó mà được cải thiện đáng kể.
Có thời điểm, tại vườn, tôi bán được 30 - 40 nghìn đồng/quả. Bưởi Phúc Trạch đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, có của ăn của để".
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Hương Khê, cho biết: "Hương Khê vốn nổi tiếng với giống bưởi Phúc Trạch có vị ngọt thanh, mọng nước. Mô hình chuyển đổi số đã đưa bưởi Phúc Trạch đến gần với người tiêu dùng.
Hiện nay, giống bưởi này đã phủ sóng ở một số siêu thị như Winmart (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), siêu thị BiC Thăng Long và một số sàn thương mại điện tử. Việc chuyển đổi số giúp quảng bá hình ảnh bưởi Phúc Trạch cũng như thúc đẩy quá trình tiêu thụ loại quả đặc sản này. Bưởi Phúc Trạch không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ gia đình làm giàu".