pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người dân vùng cao trồng bưởi Diễn cho hiệu quả vượt mong đợi
Chị Lan bên vườn Bưởi đang cho thu hoạch
Trồng bưởi diễn cho thu nhập cao
Khoảng hơn chục năm về trước, cây bưởi Diễn còn thưa thớt trên vùng đất đồi núi cao huyện Bảo Thắng. Khi đó, người dân chưa có nhiều mô hình trồng cây ăn quả mà chủ yếu là vườn tạp, hoặc một số loại cây ăn quả nhưng trồng theo kiểu tự do nên năng suất và giá trị thấp.
Được sự tư vấn của các cấp chính quyền, những năm gần đây, người dân các xã đã mạnh dạn đưa cây bưởi Diễn vào trồng trên đất vườn, đất đồi của gia đình. Nhiều hộ dân đã phát triển diện tích cây bưởi Diễn theo quy mô lớn, khoanh vùng trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với bản lĩnh năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vườn bưởi của chị Nguyễn Thị Lan (xã phong Niên, huyện Bảo Thắng) là một mô hình mới trong phát triển kinh tế địa phương.
Chị Lan cho biết, hiện tại gia đình chị trồng 150 gốc bưởi, trong đó phần lớn là bưởi diễn. Ngoài ra, chị còn trồng thêm một số giống bưởi khác như bưởi đoan hùng, bưởi da xanh. Hiện nay, mỗi năm vườn bưởi cho thu khoảng hơn 1.000 quả, với giá bán trung bình 10.000 đồng- 17.000 đồng/quả, trừ mọi chi phí cho lãi trên 120 triệu đồng/năm. "Với bưởi Diễn thì cây có tuổi càng cao thì quả càng nhiều. Ví như, bưởi Diễn có độ tuổi từ 4-6 tuổi đạt 45-50 quả/cây, cây từ 7-10 tuổi đạt 75-80 quả/cây", chị Lan chia sẻ.
Để có được giống các loại bưởi trên, chị phải lặn lội đi từng vùng để mua được giống bưởi gốc mang về trồng, nhằm đảm bảo chất lượng tốt. Chị cũng tích cực nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp về cây bưởi để áp dụng vào vườn bưởi của gia đình. Và tùy theo từng giống bưởi, chị lại có bí quyết chăm sóc riêng.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc để bưởi Diễn cho quả ngon, chị Lan cho biết, khi làm mô hình trồng bưởi Diễn, cần tận dụng tối đa diện tích đất vườn, kể cả ven ruộng, đồi dốc dưới 15 độ, nơi có nguồn nước tưới dồi dào, đất không bị bóng rợp.
Sau khi chọn được thế đất phù hợp, chị phải chọn mua được loại cây giống chất lượng. Cây phải được chiết từ cành trung tán, tuyệt đối không lấy cành ngọn tán.
Hàng năm, sau khi thu hoạch quả, chị phải chăm bón cho cây bằng các loại phân bón lót, tưới nước giữ ẩm và cắt, tỉa cành cho cây. Sau đó, chị quét vôi từ trên xuống dưới gốc để cho bọ đỡ bám vào thân cây và cành lúc ra quả thì phun đậu hoa, đậu quả. Từ lúc này đến khi thu hoạch thì phải thường xuyên kiểm tra cây, quả để sớm phát hiện ra sâu bệnh và xử lý. Đồng thời, bổ sung thêm phân bón cho những cây yếu.
Chia sẻ với hội viên
Sau gần 5 năm trồng, những gốc bưởi trong vườn của gia đình chị Lan đã cho thu hoạch. Theo đánh giá, cây bưởi sai quả, chất lượng ngon và giữ được hương vị gốc của Diễn nên được thị trường ưa chuộng. Cùng với đó là do biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên năm nào vườn bưởi của gia đình chị cũng cho năng suất cao. Sản phẩm đến thời kỳ thu hoạch thương lái tự tìm đến vườn mua, chứ chị không phải mang ra chợ bán lẻ.
Từ thành công của gia đình chị Lan, nhận thấy hiệu quả giống bưởi Diễn mang lại hiệu quả cao nên các hộ trong xã cũng tham quan, học hỏi kinh nghiệm rồi áp dụng cho gia đình.
Với những kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm có được, chị luôn sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết về cây bưởi Diễn cho các hộ dân. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã đã có một số hộ đầu tư trồng bưởi trên diện tích đất của gia đình. Cùng với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, người dân khi trồng bưởi Diễn đã nắm được quy trình đào hố, đặt bầu và kỹ thuật chăm sóc khi cây đã bén rễ.