pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mức chi tiêu bình quân cho dinh dưỡng của nữ công nhân may chỉ hơn 40 nghìn đồng/ngày
Khoảng 33% công nhân may mặc tham gia khảo sát cho biết họ nhận được thu nhập ít hơn 4 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa
Liên minh sàn lương châu Á (AFWA) vừa công bố Báo cáo kết quả khảo sát tiêu dùng hộ gia đình tại Việt Nam năm 2023 - 2024 với công nhân ngành may mặc. Với lực lượng lao động hơn 2,5 triệu người, đây là một trong những ngành cung cấp việc làm lớn nhất tại Việt Nam. Trong đó, lao động nữ ngành này chiếm tới 90% là công nhân nữ. Hơn 55% số công nhân được hỏi là dưới 35 tuổi và chỉ có 13% người tham gia là trên 45 tuổi.
Đặc biệt, theo khảo sát, mức lương của lao động ngành may mặc là thấp. Khoảng 33% công nhân tham gia khảo sát cho biết họ nhận được thu nhập ít hơn 4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập trung bình của công nhân là 6 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập này thường đã bao gồm các khoản trợ cấp làm thêm và thưởng thành tích sản xuất. Điều đó cho thấy mức lương cơ sở lương cơ bản (lương đóng bảo hiểm) mà công nhân được trả thấp hơn mức 6 triệu/đồng.
Mức lương này thấp bởi hiện nay mức lương tối thiểu theo vùng được quy định tại Việt Nam còn thấp. Ví dụ: mức lương tối thiểu ở vùng 1 hiện tại là 4.960.000 VNĐ. Đây cũng là một nguyên nhân khiến mức lương cơ sở của công nhân thấp. Theo số liệu khách quan có được thì số tiền ngoài lương cơ sở (phụ cấp các loại...), công nhân nhận được khoảng 3.000.000 VNĐ/tháng.
Điều này cho thấy, mức lương cơ sở mà công nhân nhận được hằng tháng thường ở mức lương tối thiểu vùng, nhiều trường hợp thấp hơn lương tối thiểu vùng. Mức lương thấp cũng tác động trực tiếp mức chi tiêu dành cho dinh dưỡng của người lao động ngành này.
Báo cáo nêu rõ: Mức dinh dưỡng bình quân đầu người ở công nhân may ở mức 2.039 Kcal mỗi ngày, ở mức chi tiêu là 40.761 VNĐ/ngày.
Tỷ lệ dinh dưỡng của công nhân may mặc: chiếm 33% dinh dưỡng đến từ thịt. Tiếp theo là ngũ cốc (28%), rau và trái cây (15%) và sau đó các sản phẩm thực phẩm/đồ ăn nhẹ (7%). Tuy nhiên, nguồn dinh dưỡng từ thịt đến phần lớn từ thịt gà và cá bao gồm cả trứng. Gạo là nguồn cung cấp chất bột đường chính cho người lao động.
Chi phí ăn uống thực tế chiếm 74% tiền lương. Một điểm thực tế cần được lưu ý ở đây là chi phí tiêu dùng thực phẩm ở mức lương đủ sống và chi phí thực tế rất gần nhau. Điều này chủ yếu là do quy mô gia đình trung bình của người lao động trong khảo sát là 5 người/gia đình và chi phí thực tế dựa trên đó và mức lương đủ sống chỉ được ước tính cho 3 đơn vị tiêu dùng.
Tiền lương hàng tháng của người công nhân thậm chí không đủ để đáp ứng ngay cả những nhu cầu cơ bản ngoài lương thực của gia đình, như: chi phí y tế, giáo dục, đi lại, giải trí, chi phí thuê nhà/nhà cửa, các chi tiêu hàng hóa tiêu thụ hằng ngày. Các chi phí phi thực phẩm vượt mức lương bình quân 6 triệu đồng/tháng.
Liên minh Sàn lương châu Á (AFWA) là liên minh xã hội và lao động quốc tế hoạt động nhằm mục đích thúc đẩy lương đủ sống, bình đẳng giới và phòng chống xâm hại tình dục tại nơi làm việc cho công nhân may mặc.
Năm 2023 - 2024, khảo sát được tiến hành tại 8 quốc gia, gồm: Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam với sự tham gia của 2.666 công nhân ở 185 nhà máy/xưởng may khác nhau.