Mỹ thuật thời Covid: Lan tỏa cảm xúc đẹp, chia sẻ khó khăn với cộng đồng

Bảo Anh
21/09/2021 - 18:31
Mỹ thuật thời Covid: Lan tỏa cảm xúc đẹp, chia sẻ khó khăn với cộng đồng

Họa sĩ Xèo Chu ủng hộ toàn bộ số tiền 2,9 tỉ đồng từ đấu giá tranh để mua trang thiết bị y tế

Bằng các triển lãm và đấu giá gây quỹ theo hình thức trực tuyến, giới mỹ thuật Việt không chỉ giúp công chúng thưởng thức nghệ thuật mà còn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, chia sẻ khó khăn với cộng đồng cũng như các lực lượng chống dịch.

Nở rộ triển lãm online

Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngưng trệ, trong đó có các triển lãm mỹ thuật. Nhưng trong suốt mấy tháng qua, khi Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành trên cả nước phải giãn cách xã hội, mật độ các triển lãm online xuất hiện dày đặc. Có thể kể đến các triển lãm "Con đường Độc lập" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu 18 bức tranh quý tái hiện câu chuyện của dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để có được thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Hay triển lãm "Câu chuyện dòng sông" của Quỹ Sống, trưng bày hơn 20 tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam và quốc tế; triển lãm "Hướng về Sài Gòn - Kết nối yêu thương" do Vietnam Art Space tổ chức...

Không chỉ thực hiện triển lãm trực tuyến, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn xây dựng và phát triển công nghệ trực tuyến 3D tích hợp trên nền tảng website của bảo tàng. Theo đó, công chúng có thể truy cập vào trang chủ của bảo tàng để khám phá nội dung các phòng trưng bày thường xuyên, xem video chất lượng cao giới thiệu bảo vật Quốc gia - Tượng Phật bà Quan Âm, nghe giới thiệu các chuyên đề và bộ sưu tập để hiểu thêm về sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ, từ Tiền – Sơ sử đến nay...

Các triển lãm, sự kiện nghệ thuật online thường được tổ chức trên nền tảng mạng xã hội, thông qua Facebook cá nhân, Fanpage của các bảo tàng, các trung tâm nghệ thuật, phòng tranh online trên các website hay các bảo tàng trực tuyến... Có thể thấy, dù chỉ là "giải pháp tình thế" trong điều kiện dịch bệnh nhưng các triển lãm trực tuyến đã phần nào đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng và nhu cầu chia sẻ của nghệ sĩ.

Những phiên đấu giá đặc biệt

Cùng với trưng bày, triển lãm thì đấu giá tranh là một hoạt động quan trọng của giới mỹ thuật. Trong những ngày cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, các phiên đấu giá tranh online càng thu hút sự quan tâm của công chúng bởi hầu hết được tổ chức bởi mục đích nhân văn: Quyên góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bức tranh "Mùa xuân Bác về Pác Bó" của họa sĩ Dương Tuấn được trưng bày online phục vụ công chúng trong triển lãm "Con đường Độc lập"

Bức tranh "Mùa xuân Bác về Pác Bó" của họa sĩ Dương Tuấn được trưng bày online phục vụ công chúng trong triển lãm "Con đường Độc lập"

Hoạt động đấu giá tranh online được nhiều người nhớ đến nhất trong thời gian qua có lẽ là việc "thần đồng hội họa" Xèo Chu bán 8 bức tranh trên trang cá nhân thu về 2,9 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền đã được họa sĩ 14 tuổi này dùng để ủng hộ mua trang thiết bị y tế tặng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phòng, chống dịch. Ngoài ra, Xèo Chu còn chuyển 388 triệu đồng bán tranh phiên bản giới hạn cho bếp ăn Bệnh viện Tâm Anh để mua thêm rau củ quả, hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch.

Những phiên đấu giá tranh gây quỹ mua giường tặng các bệnh viện dã chiến do nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi phát động cũng là một dấu ấn đẹp của làng hội họa thời gian qua. Hơn 90 bức tranh của nhiều họa sĩ nổi tiếng: Thành Chương, Phạm An Hải, Đinh Quân, Bùi Tiến Tuấn... đã được đấu giá và thu về hơn 1,1 tỷ đồng. Hay nhóm Vietnam Art Space bán 24 bức tranh với số tiền hơn 400 triệu đồng dùng để mua quà tặng người dân nghèo TPHCM; nhóm họa sĩ "Sài Gòn mình thương nhau" ủng hộ hơn 800 triệu đồng từ tiền bán tranh để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh...

Điều đáng quý là các họa sĩ mang tranh của mình tham gia các cuộc đấu giá thiện nguyện ủng hộ công tác phòng, chống dịch không một chút so đo, tính toán. Mặc dù được tổ chức hoàn toàn theo hình thức online nhưng việc mua bán diễn ra rất nhanh chóng nhờ chất lượng tranh tốt, có sự tham gia của nhiều họa sĩ tên tuổi. Thậm chí, các tác phẩm tham gia các cuộc đấu giá cũng không cần sự can thiệp của các nhà thẩm định để phân biệt tranh thật hay tranh giả, bởi tất cả đều đến từ cái tâm, sự chân tình của người bán và người mua.

Theo ước tính của một nhà đấu giá, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam tới nay, đã có khoảng 1.500 bức tranh được giới mỹ thuật đấu giá, qua đó đã đóng góp hàng chục tỷ đồng vào công tác phòng, chống dịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm