pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nam giới làm nội trợ ở các nước tăng nhanh sau đại dịch
Thách thức chuẩn mực giới
"Cả bố và mẹ tôi đều là chuyên gia và họ đi làm suốt. Điều đó đã ảnh hưởng đến quyết định muốn ở nhà của tôi khi có con. Bởi vì khi còn nhỏ tôi rất ít khi được ở cùng bố mẹ. Tôi luôn ở một mình và rất cô đơn", anh nói. Đó là lý do tại sao khi có con đầu lòng cách đây 6 năm, Hughes đã quyết định từ bỏ công việc đầu bếp để vợ anh hoàn thành đại học Y và trở thành bác sĩ. Giờ đây, với tư cách là ông bố nội trợ với 2 đứa con nhỏ, Hughes là một trong số ngày càng nhiều ông bố đang thách thức các chuẩn mực giới.
Theo các chuyên gia, các ông bố đang làm nhiều việc nhà hơn vì nhiều lý do, bao gồm cả sự tiến bộ ngày càng tăng của phụ nữ trong công việc và giáo dục. Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp cũng như đại dịch Covid-19 đã khiến cánh đàn ông chọn ở nhà nội trợ nhiều hơn.
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), trong 50 năm qua, các ông bố đã trở thành những người nội trợ năng động hơn rất nhiều.
Xu hướng này ngày càng lan rộng đến các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Theo phân tích của Bộ Lao động Hàn Quốc, đại dịch Covid-19 góp phần vào xu hướng nam giới nghỉ thai sản. Ahn Chang-yeong (35 tuổi), nhân viên văn phòng, cha của một cậu bé 8 tháng tuổi ở Seoul (Hàn Quốc), tạm nghỉ làm, ở nhà chăm con để vợ quay trở lại với công việc sau 9 tháng nghỉ sinh. Anh cho rằng bản thân nên chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái và tránh để vợ phải nghỉ làm quá lâu. Giống Ahn, ngày càng nhiều nam giới Hàn Quốc tạm nghỉ việc để chăm con. Xu hướng này chủ yếu do sự thay đổi văn hóa khi các cặp vợ chồng quyết định cùng nhau nuôi dạy con cái, không giống như trước đây, phần lớn trách nhiệm chăm sóc con cái, gia đình đặt lên vai người phụ nữ.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ Hàn Quốc tăng cường hỗ trợ tài chính cho những người nghỉ làm để chăm con cũng góp phần vào sự thay đổi tích cực này. Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Hàn Quốc, năm 2007, có 310 ông bố nghỉ phép có lương. Đến năm 2019, con số này đã tăng lên 22.297 người. Sau đó, có 27.423 lao động nam đã nghỉ thai sản năm 2020. Năm 2021, hơn 29.000 nam giới đã nghỉ làm khi vợ sinh em bé. Theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Lao động Hàn Quốc Lee Jeong-sik công bố, mỗi cặp vợ chồng nước này sẽ được hưởng chế độ nghỉ thai sản kéo dài một năm rưỡi, tăng 6 tháng so với quy định hiện hành. Đề xuất sẽ được đưa ra bỏ phiếu và nếu được thông qua, sự thay đổi này sẽ khiến thời gian nghỉ phép dành cho cha mẹ ở Hàn Quốc trở thành dài nhất châu Á.
Coi trọng việc giáo dục con
Nhiều người đàn ông Trung Quốc cũng đã cởi mở hơn với ý tưởng trở thành những người nội trợ toàn thời gian. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi China Youth Daily cho thấy, 52,4% nam giới được hỏi ủng hộ ý tưởng đàn ông có thể trở thành người nội trợ toàn thời gian.
He Jun là số ít đàn ông Trung Quốc bỏ việc, mỗi sáng thức dậy chuẩn bị đồ cho cậu con trai đi học mẫu giáo. Trong khi đó, vợ anh sẽ tới văn phòng ở trung tâm Bắc Kinh. Sau khi đưa con đến lớp, Jun dành toàn bộ thời gian làm việc nhà, cập nhật trang riêng có tên "Ông bố nội trợ lo lắng". Vài năm làm công việc nội trợ khiến Jun He nhận ra cuộc sống của những bà mẹ ở Trung Quốc khó khăn thế nào. Đặc biệt, khi con trai lớn hơn, việc nuôi dạy con càng khó. Anh phải đấu tranh để tìm ra sự cân bằng giữa việc nghiêm khắc và chiều chuộng con. Với He Jun, làm cha mẹ thực sự không dễ dàng.
Còn theo Tang Min, số lượng ông bố nội trợ ngày càng tăng có thể do thế hệ trẻ thấy một hình mẫu nam giới mới. Giống như nhiều ông bố khác, Tang từng ít tham gia vào việc nuôi dạy con trai. Khi cậu bé chập chững biết đi, anh nhận thấy con quá nhút nhát. Vì vậy, anh đã nghỉ việc và ở nhà để thay đổi phương pháp nuôi dạy con. Tang mất một thời gian để thích nghi với vai trò mới.
Zhang Baoyi, giáo sư xã hội học tại Học viện Khoa học Xã hội Thiên Tân, cho biết, ông tin rằng thái độ sẽ thay đổi khi xã hội phát triển. Thực tế, các ông bố sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào cuộc sống của con cái. Điều đó cho thấy tâm lý truyền thống rằng "chồng lo việc nước, vợ lo việc nhà" đang thay đổi. Ông Zhang cũng nói rằng, nhiều phụ huynh sẵn sàng ở nhà để chăm sóc trẻ em toàn thời gian vì họ ngày càng coi trọng việc giáo dục con cái hơn là kiếm tiền.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, năm 2020, các ông bố ở Mỹ dành trung bình 8 giờ/tuần cho việc chăm sóc con cái, tăng gấp 3 lần so với năm 1965. Năm 2021, có khoảng 2,1 triệu ông bố Mỹ ở nhà nội trợ, tăng 8% so với năm 1989.
Số liệu tại Anh vào cuối tháng 12/2022 cho thấy, các ông bố nước này làm nội trợ tăng 1/3 kể từ trước đại dịch Covid-19.