Nâng cao kỹ năng số cho trẻ em gái thông qua trò chơi điện tử

Tâm An
23/07/2025 - 11:36
Nâng cao kỹ năng số cho trẻ em gái thông qua trò chơi điện tử

Cuộc thi thiết kế trò chơi điện tử được tổ chức tại Trường trung học Aranhraingesi ở Siem Reap, Campuchia, có sự tham gia của 49 nữ sinh

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Campuchia đã phối hợp đưa chương trình phát triển trò chơi điện tử vào nền tảng đào tạo giáo viên của quốc gia này, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo trong lớp học và khuyến khích trẻ em gái tiếp cận môn công nghệ nhiều hơn.

Được thực hiện thí điểm tại 4 trường công lập ở nông thôn vào năm 2023, đến nay, diễn đàn "Game Changers Coalition" (GCC) đã được nhân rộng tại 40 trường trên 6 tỉnh ở Campuchia và hướng tới mục tiêu mở rộng trên phạm vi toàn quốc. 

GCC do Văn phòng Đổi mới của UNICEF phát triển, giúp trẻ em gái học tập các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) kết hợp với yếu tố nghệ thuật và sáng tạo thông qua việc thiết kế và phát triển trò chơi điện tử.

Bà Sineth Seng, Phó giám đốc Cục Chuyển đổi số thuộc Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, nhận định chương trình cho thấy tiềm năng rõ rệt ngay từ những ngày đầu triển khai. 

Bà nói: "Chương trình đơn giản nhưng mang lại hiệu quả: Học thông qua vui chơi và giải trí". Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nỗ lực mở rộng kỹ năng số của Chính phủ Campuchia.

Thu hẹp khoảng cách giới trong công nghệ

Dù có 2 tỷ người chơi trò chơi điện tử trên toàn cầu, với gần một nửa là nữ giới, nhưng chỉ khoảng 25% lực lượng lao động trong ngành phát triển trò chơi điện tử là nữ. GCC được thành lập để thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực kỹ thuật số toàn cầu bằng cách trang bị cho trẻ em gái vị thành niên những kỹ năng cần thiết để chuyển đổi từ chơi game, học tập sang kiếm tiền. 

Ngoài việc đào tạo phát triển trò chơi điện tử, chương trình giảng dạy của GCC đang mở rộng với các học phần mới, trong đó có nội dung về blockchain. Mục tiêu là cung cấp cho phụ nữ trẻ những kỹ năng cần thiết để định hướng và đóng vai trò tích cực trong nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng.

Với nhiều người tham gia, sứ mệnh của GCC cũng mang đậm tính cá nhân. "Tôi đặt hết tâm huyết vào đó", bà Seng nói. "Là một phụ nữ trong ngành này, tôi mong trẻ em gái đạt được nhiều thành tựu hơn và tôi muốn cộng đồng thay đổi quan niệm về những gì các em có thể và không thể làm được".

Ban đầu, chương trình GCC tại Campuchia gặp không ít rào cản. Một số giáo viên lúng túng trước khái niệm "học thông qua chơi". Nhiều phụ huynh vẫn giữ định kiến rằng con gái nên trở thành người nội trợ và chính các em nghĩ rằng STEM chỉ dành cho con trai. 

Tuy nhiên, theo bà Sineth Seng, những định kiến đó đang dần bị phá vỡ khi chương trình mở rộng và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của GCC là sự tham gia tích cực của các nữ sinh đại học, những người vừa là đại sứ, vừa là cố vấn, hướng dẫn các bé gái tiếp cận công nghệ một cách gần gũi và truyền cảm hứng.

Sereny Mechspring, sinh viên ngành công nghệ thực phẩm và kỹ thuật tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh, đã tham gia làm cố vấn của chương trình từ tháng 12/2023. Sereny chia sẻ: "Nhiều em nghĩ STEM là khô khan, đầy công thức và kỹ thuật phức tạp. Nhưng khi yếu tố sáng tạo được đưa vào, mọi thứ trở nên gần gũi và sinh động hơn. 

Nó không chỉ là công nghệ, mà còn là kể chuyện, thiết kế, giải quyết vấn đề và tưởng tượng. Chính điều đó khiến STEM trở nên thú vị và hấp dẫn, đặc biệt với các bé gái, giúp các em thấy rằng mình cũng thuộc về lĩnh vực này".

UNICEF đang hợp tác với đối tác trong lĩnh vực công nghệ và trò chơi điện tử, đặt mục tiêu tiếp cận 1,1 triệu học sinh vào năm 2027. Được triển khai tại 6 quốc gia gồm: Armenia, Brazil, Campuchia, Ấn Độ, Kazakhstan và Nam Phi vào năm 2023, Game Changers Coalition đã nhanh chóng mở rộng sang Malaysia và Maroc. Tính đến nay, sáng kiến này đã tiếp cận hơn 154.000 trẻ em gái tuổi vị thành niên, phụ huynh và giáo viên.

Sereny Mechspring còn là nhà sáng lập doanh nghiệp thực phẩm và đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp các khóa học nhập môn về trí tuệ nhân tạo (AI), robot và tư vấn nghề nghiệp liên quan đến STEM. Cô hy vọng sẽ trở thành nguồn cảm hứng và người cố vấn cho trẻ em gái.

Truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo

Thực tế, hành trình thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực công nghệ tại Campuchia vẫn còn nhiều thách thức, từ việc xóa bỏ định kiến giới về khả năng của trẻ em gái, thay đổi quan niệm truyền thống về cách giảng dạy cho đến xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, kết nối internet và máy tính cho các khu vực vùng sâu vùng xa.

Bà Sineth Seng khẳng định GCC trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược dài hạn của quốc gia nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ em gái có một tương lai tốt hơn. 

"Vai trò của giáo viên không phải là truyền thụ mọi kiến thức mà để học sinh tự khám phá, tạo ra kiến thức riêng thông qua sự tò mò và học tập. Phương pháp này sẽ trang bị cho các em những kỹ năng thiết yếu, phù hợp với thế giới việc làm của thế kỷ 21", bà Seng nhấn mạnh.

Nguồn: UNICEF
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm