pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ"
Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc Hội thảo
Đây là Hội thảo thứ 3 trong số 4 hội thảo do TƯ Hội LHPN Việt Nam chủ trì tổ chức dành cho các đối tượng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Hội, lãnh đạo, chuyên viên chính các ban, đơn vị trực thuộc TƯ Hội, Ban Chấp, Ban Thường vụ, cán bộ chuyên trách cơ quan Hội LHPN tỉnh, huyện và hội viên nòng cốt của 63 tỉnh, thành phố và đại diện một số nhóm phụ nữ.
Chủ trì Hội thảo có Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga; Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa; Phó Trưởng Ban Dân vận TƯ Nguyễn Phước Lộc; GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TƯ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Phụ nữ Việt Nam chiếm 50,2% dân số cả nước, với khoảng 71,24% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cao hơn mức trung bình thế giới. Phụ nữ đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước. Nhưng trong thực tế phụ nữ còn chịu nhiều thiệt thòi, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ di cư, nữ công nhân các khu công nghiệp, nữ nông dân… mà nguyên nhân do thiếu cơ chế, chính sách hoặc cơ chế, chính sách chưa bắt kịp với tình hình thực tiễn.
Những năm qua, các cấp Hội phụ nữ từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng trong thực tế còn không ít hạn chế, một phần do thiếu chủ trương cụ thể. Tại Hội thảo này, Hội LHPN Việt Nam mong muốn được lắng nghe các ý kiến tham luận, trao đổi, đóng góp ý kiến của đội ngũ cán bộ Hội các cấp - những người đại diện cho phụ nữ, gắn bó nhất với phụ nữ, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời cũng luôn băn khoăn trăn trở làm thế nào để thực hiện tốt hơn, nâng cao năng lực đại diện của tổ chức Hội trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ; nghe ý kiến của một số chuyên gia hoạt động trên một số lĩnh vực để hiểu sâu thêm những mong muốn của các đối tượng phụ nữ.
Tham dự Hội thảo có gần 7.000 đại biểu tại 387 điểm cầu ở hầu khắp các huyện, thành phố của 55 tỉnh, thành phố (trừ 8 tỉnh khu vực miền Trung, từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, không thể nối cầu để tham dự hội thảo trực tuyến do ảnh hưởng của bão lụt). Các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến theo 2 chủ đề. Đó là:
- Vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân.
- Tiếng nói (tâm tư, nguyện vọng) của các tầng lớp phụ nữ đối với Đảng.
Phát huy hơn nữa vai trò to lớn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
"Trong lịch sử và truyền thống của dân tộc Việt Nam, phụ nữ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước", GS.TS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định tại Hội thảo. Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết số 11- NQ/TW về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Nghị quyết nêu rõ: "Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội LHPN Việt Nam".
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội LHPN các cấp đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hoạt động. Hội luôn giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ, bám sát chức năng của Hội, nhiệm vụ chính trị của đất nước, thực hiện tốt vai trò đại diện quyền làm chủ của phụ nữ; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành một số chính sách, luật pháp có ý nghĩa chiến lược về công tác phụ nữ, cán bộ và bình đẳng giới.
Kế thừa những quan điểm trong các kỳ Đại hội trước, căn cứ vào tình hình mới và để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam, của Hội LHPN Việt Nam, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng xác định định hướng: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em".
Để hiện thực hóa các quan điểm của văn kiện vào cuộc sống, tiếp tục nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ cho Hội LHPN Việt Nam, các đại biểu đã đề xuất những việc làm cụ thể đối với phong trào phụ nữ sau khi văn kiện được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Cụ thể, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thị Tuyết Loan đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bình đẳng giới, đảm bảo thống nhất giữa các quy định trong các bộ luật liên quan và các văn bản của Đảng, nhất là trong lĩnh vực chính trị (Điều 11, Luật Bình đẳng giới) thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm (Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/04/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ), có tính đến đặc điểm giới.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn Hà Thị Liễu nhấn mạnh: Cần khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của phụ nữ trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Phụ nữ vừa là công dân (chiếm trên 50% dân số), vừa là nguồn lực lao động (trên 48% lực lượng lao động), thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, là người thực hiện thiên chức, nuôi dưỡng, sản sinh thế hệ tương lai, trao truyền văn hóa dân tộc, giữ gìn nề nếp gia phong của gia đình. Đề nghị Dự thảo văn kiện cần thể hiện rõ hơn tinh thần "Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới"; đảm bảo tôn trọng và đề cao quyền của phụ nữ, coi đó như trách nhiệm văn minh, tiến bộ của xã hội.
Với chủ đề "Tiếng nói (tâm tư, nguyện vọng) của các tầng lớp phụ nữ đối với Đảng", các đại biểu đã thảo luận, đề xuất về chủ trương, chính sách nhằm phát huy hiệu quả vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực, như: vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phái triển đất nước của Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai Rơ Chăm H'Hồng; hay vấn đề chăm lo đời sống gia đình, sức khỏe cho nữ công nhân của Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai Tăng Quốc Lập. Những đề xuất về chủ trương, chính sách nhằm phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, phụ nữ di cư... cũng được các đại biểu đưa ra để góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ghi nhận những ý kiến phát biểu của các đại biểu, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định: Đây là những ý kiến có chất lượng, phân tích sâu các vấn đề từ nhiều góc độ, kiến nghị những vấn đề cần đề cập trong văn kiện đại hội Đảng, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội trong đóng góp vào văn bản quan trọng có tính định hướng cho Chiến lược phát triển của đất nước; nhất là những định hướng có liên quan đến phụ nữ, đến tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.
Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo được Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam tiếp thu đầy đủ để tổng hợp, góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.