Nâng cao nhận thức để không cam chịu trước bạo lực gia đình

Nguyễn Thị Hoa (xã Tân Lập, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng)
22/11/2021 - 18:21
Nâng cao nhận thức để không cam chịu trước bạo lực gia đình

Chị Nguyễn Thị Hoa (thứ 2 từ phải sang) cùng phụ nữ xã Tân Lập trao đổi biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản

Trước đây, phụ nữ ở xã vùng sâu như chúng tôi bị chồng đánh, bị chồng đuổi ra khỏi nhà, cả đêm phải ngủ ở vườn là chuyện rất bình thường.

 Ở nhiều gia đình, các ông chồng gia trưởng cứ uống rượu vào là đánh vợ, đánh con. Những người vợ luôn phải âm thầm chịu đựng cuộc sống đau khổ của mình.

Trong nhận thức của họ, việc người phụ nữ bị chồng đánh không có vấn đề gì lớn. Xung quanh họ, nhiều người phụ nữ cũng như thế. Ai cũng thấy thế là bình thường và họ thấy rằng việc của họ là phải chấp nhận và chịu đựng chuyện đó.

Có người phụ nữ trong bản của chúng tôi suốt những năm hôn nhân đều phải chịu bao cay đắng, phải nuốt nước mắt vào trong với ông chồng có "sở thích" chửi bới, nhục mạ vợ bằng ngôn từ quá quắt. Cuộc đời của chị là những tháng ngày đầy tủi hờn và nước mắt. Theo như chồng chị thì "tội" của chị rất lớn, đó là không sinh được con. Chồng chị ham mê rượu chè nên say xỉn suốt ngày. Những lúc ấy, chị phải hứng chịu những cơn đánh đập, chửi bới, xúc phạm từ chồng. Không có ai để chia sẻ, chị chỉ biết âm thầm chịu đựng. Nhà ở gần thác nước, đã không ít lần chị nghĩ đến tiêu cực, nghĩ đến việc thả mình xuống để mọi nỗi đau, uất ức theo dòng nước cuốn trôi. Sau vài năm, chồng chị qua đời do bị ung thư gan vì uống quá nhiều rượu.

Với cuộc hôn nhân sau, chị luôn nghĩ những khổ đau của mình đã chấm dứt, cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp hơn, mình sẽ không bị những trận bạo hành cả về tinh thần và thể xác như người chồng trước. Thế nhưng, cuộc sống của chị vẫn đen tối như địa ngục. Chị vẫn thường xuyên bị bạo hành, đặc biệt bị bạo hành tình dục rất nặng nề. Nhiều lần, chị không chịu đựng nổi và phản ứng lại thì bị ông ta đánh đập, bắt quỳ cả đêm mà không mảnh vải che thân.

Những phụ nữ trước đây thường im lặng, cố chịu đựng một mình nên người chồng ngày càng cư xử tệ với vợ. Thế nhưng, bây giờ, khi nhận thức được nâng cao, người phụ nữ không để chồng mãi "lộng hành" như thế.

Nếu bị bạo hành nghiêm trọng, bị bạo hành nhiều lần, người phụ nữ đã biết tìm sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ chức Hội. Các cán bộ Hội phụ nữ cũng thường xuyên đến nhà để vận động, tuyên truyền người chồng không được có hành vi bạo lực với vợ.

Nhận thức của các chị em thay đổi là nhờ các buổi sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt của Chi hội Phụ nữ. Họ nhận ra rằng, mình không phải cam chịu một cuộc hôn nhân bất hạnh, mà ở đó họ "sống không bằng chết". Nếu không cải thiện được mối quan hệ vợ chồng, họ có thể ly hôn.

Cũng vì người phụ nữ giờ không cam chịu nữa nên các ông chồng cũng phải thay đổi. Họ bớt uống rượu, chịu khó làm lụng, biết vun vén, xây dựng gia đình hơn, đặc biệt biết tôn trọng vợ hơn. Chính vì vậy, tôi mong muốn Hội phụ nữ, các tổ chức, đoàn thể có nhiều chương trình hơn để nâng cao nhận thức cho phụ nữ ở vùng sâu như chúng tôi.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm