Nâng cao vai trò của Hội LHPN Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị

PV
19/06/2020 - 11:41
Nâng cao vai trò của Hội LHPN Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị
Sáng nay (19/6), TƯ Hội LHPN Việt Nam và Quỹ châu Á tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Nhiều đại biểu nhấn mạnh tới việc nâng cao hơn nữa vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong việc phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn vào vị trí chủ chốt, lãnh đạo, tham gia ĐBQH, HĐND.

Phát biểu tại buổi khai mạc Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương khẳng định: Những năm qua, đội ngũ cán bộ nữ đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ nữ cấp ủy, nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ sau về cơ bản đều tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, song tỷ lệ cán bộ nữ vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ.

Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cũng chỉ rõ: Nguyên nhân quan trọng là còn có những rào cản giới nhất định. Quan niệm "nam trưởng, nữ phó" vẫn tồn tại, trở thành rào cản đáng kể đối với phụ nữ trong bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm, đặc biệt là trong bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu. Mặt khác, một bộ phận phụ nữ vẫn còn tự ti, chưa tin tưởng vào khả năng và năng lực của mình; một số rào cản giới khác xuất phát từ vai trò tái sản xuất của phụ nữ, vốn bị xã hội kỳ vọng là gắn liền với gia đình, con cái, thay vì mong muốn phụ nữ trở thành nhà lãnh đạo hay chính trị gia.

Nâng cao vai trò của Hội LHPN Việt Nam nhằm tăng cường phụ nữ tham gia chính trị - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại buổi hội thảo

Hiện nay nước ta có 3 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội là nữ; toàn quốc có 8 nữ Bí thư tỉnh ủy, 14 nữ Phó Bí thư tỉnh, thành ủy, 7 nữ Chủ tịch và 31 nữ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; 2 nữ Chủ tịch và 20 nữ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng nhiều đồng chí cán bộ nữ đang đảm nhiệm những vị trí trọng trách ở Trung ương và địa phương.

Đội ngũ cán bộ nữ nước ta đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương, của ngành, lĩnh vực đang phụ trách và cho sự phát triển chung của đất nước.

Để tìm giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị ở Việt Nam nhằm đạt được chỉ tiêu mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, những năm qua, theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương, Hội LHPN Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham mưu công tác cán bộ nữ, tham mưu đề xuất chính sách cho phụ nữ; nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; chủ động góp ý, phản biện xã hội về giới trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; giới thiệu cán bộ nữ ưu tú cho Đảng; giới thiệu phụ nữ tiêu biểu làm nguồn ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; tập huấn nữ ứng cử viên tiềm năng; nâng cao ý thức, trách nhiệm cho phụ nữ trong mỗi cuộc bầu cử...

Nâng cao vai trò của Hội LHPN Việt Nam nhằm tăng cường phụ nữ tham gia chính trị - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Đưa ra một số giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp, bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cần phải đảm bảo cơ hội ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp của phụ nữ theo nguyên tắc tương đồng với nam giới. Trong đó, về tiêu chuẩn ứng cử, không để cho một giới (thực tế là phụ nữ) phải gánh thêm nhiều cơ cấu về dân tộc, về chính trị hoặc các cơ cấu khác.

Về tỷ lệ, theo bà Lê Thị Nguyệt, cần thực hiện đúng quy định của luật bầu cử ĐBQH, HĐND: "Ít nhất 35% nữ vào hiệp thương vòng 3". Bên cạnh đó, nhất thiết phải trao cơ hội và bảo đảm để Hội LHPNVN cử thành viên tham gia Hội đồng bầu cử, tổ bầu cử; là thành viên chính thức của MTTQVN trong hiệp thương ĐBQH và HĐND các cấp.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: Cần gắn yêu cầu bảo đảm tỷ lệ nữ ứng viên ít nhất 35% trong danh sách bầu cử với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nữ ứng cử viên. Để thực hiện, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc này.

Thứ 2, phát huy vai trò của Hội LHPN các cấp trong tham mưu trực tiếp với Ủy ban bầu cử cùng cấp để giới thiệu nữ ứng viên đủ điều kiện tham gia ứng cứ ĐBQH, HĐND các cấp. Chủ động tạo nguồn cán bộ nữ để giới thiệu, phối hợp phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử ĐBQH, HĐND.

Bà Lê Thị Nguyệt cũng nhấn mạnh tới việc đảm bảo bình đẳng giới trong truyền thông bầu cử, thúc đẩy sự quan tâm của cử tri tới cả 2 giới, giúp cử tri nam và nữ hiểu lý do cần có sự tham gia bình đẳng của đại biểu nam và nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp.

Đưa ra 5 đề xuất tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị thời kỳ chiến lược mới, bà Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban hợp tác Thái Bình Dương của Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh tới việc chuyển mạnh sang tư duy mới, cách tiếp cận mới là đặt công tác bình đẳng giới và tham gia của phụ nữ trong chính trị trong xu thế của thời đại số. Cùng với đó, nâng tầm nội dung hoạt động, phong trào của phụ nữ nước ta gắn với đóng góp thực hiện cam kết quốc tế; trong đó triển khai, đẩy mạnh lồng ghép các cam kết quốc tế vào chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương, hội phụ nữ các cấp…

Nâng cao vai trò của Hội LHPN Việt Nam nhằm tăng cường phụ nữ tham gia chính trị - Ảnh 5.

Bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tham luận tại hội thảo

Còn bà Hà Thị Dung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ, đã thông tin các kết quả của Bộ đề xuất xây dựng chính sách nhằm bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường tham gia của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo quản lý. Kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới, bà Hà Thị Dung cho biết: Về Luật Bình đẳng giới, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định đang là rào cản trong việc quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tại các văn bản quy phạm dưới luật và làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung các luật khác có liên quan.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng bảo đảm bình đẳng giới; chú trọng lồng ghép giới trong các quy định tại dự thảo Nghị định quy định về tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức, viên chức theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Cùng với đó, ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ để tăng tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp…

Ông Lê Đức Kỳ, Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Bắc Ninh, đề xuất nên bỏ các từ "phấn đấu" đạt các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ lãnh đạo, nữ ĐBQH, HĐND các cấp; bởi đặt ra mục tiêu chỉ để "phấn đấu" có thể đạt, có thể không đạt, sẽ thiếu sự quyết tâm. Thay vào đó, nên quy định một tỷ lệ cứng phải đạt tỷ lệ cụ thể, như vậy các cấp ở địa phương dễ dàng thực hiện và quyết tâm cao hơn.

Nâng cao vai trò của Hội LHPN Việt Nam nhằm tăng cường phụ nữ tham gia chính trị - Ảnh 7.

Toàn cảnh buổi hội thảo


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm