Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ quân đội

Thượng tá Phùng Thị Phú (Trưởng ban Phụ nữ Quân đội)
22/12/2019 - 07:21
Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ quân đội
Trong điều kiện thời bình và xu hướng hiện đại hóa quân đội hiện nay, lực lượng lao động nữ trong Quân đội ta ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Trước đây, chủ yếu thực hiện công tác phục vụ, bảo đảm, đến nay, phụ nữ đã có mặt trên hầu hết các lĩnh vực công tác của Quân đội, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.
Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ quân đội - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Một số nơi, chị em đang đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, nâng cao chất lượng cán bộ nữ, tăng cường bồi dưỡng, quy hoạch bổ nhiệm vào cương vị lãnh đạo ở những lĩnh vực phù hợp là một tất yếu khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng Quân đội hiện nay.

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng công tác phụ nữ và bình đẳng giới; chú trọng việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ, lựa chọn cán bộ nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ, năng lực để cử đi đào tạo, bồi dưỡng; tạo nguồn quy hoạch; bổ nhiệm vào các chức vụ chỉ huy, quản lý phù hợp.

Cán bộ, hội viên phụ nữ Quân đội đã phát huy tốt truyền thống "Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang", nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường, cần cù, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quân đội giao phó, vừa làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, chăm lo, xây dựng tổ ấm gia đình, tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách trên các cương vị được giao ở mọi lĩnh vực công tác trong Quân đội.

Trong các lĩnh vực công tác của Quân đội đều có sự tham gia của phụ nữ quân đội. Đặc biệt, đối với những đơn vị quân y, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu; các doanh nghiệp quân đội chị em có đội ngũ đông đảo, trình độ chuyên môn cao, có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Nhiều tập thể và cá nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc, khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, quân đội và vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Năm 2019 có các tập thể, cá nhân tiêu biểu: 10 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 1 đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan; thượng tá, Tiến sĩ Ngô Thị Lan (Phó Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học, Khoa Hóa - Lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật quân sự) được trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam vì những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học; trung úy, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai đạt huy chương Đồng tại ARMY Games; thiếu tá Nguyễn Thị Ánh Viên đạt 6 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc tại SEA Games 30...

Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ quân đội - Ảnh 2.

Thượng tá, Tiến sĩ Ngô Thị Lan (thứ 4 từ trái sang) nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019 dành cho cá nhân

Tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy; được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, chỉ huy tăng lên qua từng năm, từng nhiệm kỳ. Phụ nữ quân đội ở các doanh nghiệp đã khẳng định vai trò, vị thế của mình, vững vàng ở các chức danh lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp; góp phần quan trọng vào thành công của các doanh nghiệp quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đến nay, số cán bộ nữ trong Quân đội (sĩ quan và QNCN giữ chức vụ cán bộ) chiếm 2,87% so với tổng số cán bộ quân đội. Số cán bộ nữ được bổ nhiệm chức vụ chỉ huy ở các cấp chiếm 31,85% số cán bộ nữ đang công tác. Riêng năm 2019 đã bổ nhiệm chức vụ, thăng quân hàm, nâng lương đạt 26,91% số cán bộ nữ. Đảng viên nữ chiếm 9,46% tổng số đảng viên trong Đảng bộ Quân đội. Riêng năm 2019, số đảng viên nữ mới được kết nạp chiếm 8,55% so với tổng số đảng viên mới của đảng bộ; tỷ lệ đảng viên nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 2,69% so với tổng số cấp ủy viên trong Quân đội. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân đã khẳng định, phẩm chất, trình độ, năng lực hiện nay của phụ nữ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ ở mọi lĩnh vực công tác, trong đó có nhiều lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Trong những năm qua, phụ nữ đã phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực; khẳng định được vai trò không thể thiếu trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các đơn vị. Các đồng chí được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, chỉ huy đều xứng đáng với cương vị được giao.

Để phát huy kết quả đã đạt được; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị trong Quân đội thời gian tới, Ban Phụ nữ Quân đội (Cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Quốc phòng) sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong tham mưu giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ chính như sau:

Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ quân đội - Ảnh 2.

VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên đạt 6 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc tại SEA Games 30

Một là, tiếp tục rà soát, đối chiếu, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu xác định trong Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong Quân đội giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chú trọng chỉ tiêu về phát triển cán bộ nữ và đảng viên nữ; đề xuất biện pháp thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trước thời điểm tiến hành tổng kết Kế hoạch hành động. Nghiên cứu, tham mưu bộ chỉ tiêu Kế hoạch hành động 5 năm 2020 - 2025 bảo đảm sát thực tiễn; phù hợp với tính đặc thù của các loại hình cơ quan, đơn vị trong Quân đội.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và cá nhân về giới và thực hiện bình đẳng giới trên cơ sở thường xuyên đổi mới, phong phú về nội dung và đa dạng hóa về hình thức.

Để công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới thành công nói chung, bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị trong Quân đội nói riêng rất cần sự chung tay, góp sức của tất cả các lực lượng; trong đó 3 nhân tố quan trọng chính là: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; sự ủng hộ, đồng hành, chia sẻ của các tổ chức, đồng chí, đồng nghiệp và người thân trong gia đình; đặc biệt là sự chủ động, tích cực của cán bộ nữ với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khẳng định mình và tỏa sáng trong cuộc sống bằng những thành công trên lĩnh vực công tác, chức trách, nhiệm vụ được giao. Thúc đẩy mạnh mẽ 3 nhân tố một cách hài hòa sẽ tạo hiệu ứng tích cực nâng cao vai trò, vị thế của PNQĐ trong nhiệm vụ xây dựng Quân đội và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Giai đoạn 2009 - 2019, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã ký kết một số chương trình phối hợp với Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Hải quân, Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tổ chức triển khai trong toàn hệ thống Hội từ cấp TƯ tới địa phương. Hiện nay, hầu hết Hội LHPN các tỉnh/thành trong cả nước đã có các chương trình phối hợp hoạt động theo từng giai đoạn với Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố. Không chỉ có các cấp Hội LHPN các tỉnh, thành giáp biên giới kết nghĩa, đỡ đầu các đồn, trạm biên phòng, các đơn vị trên địa bàn mà Hội LHPN nhiều địa phương cũng có các hình thức phối hợp, kết nghĩa với các đồn biên phòng ở biên giới, hải đảo và ký kết chương trình phối hợp với các đơn vị quân đội ở địa phương.

Đặc biệt, năm 2018, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) đã ban hành Kế hoạch 497/KHPH-HLHPN-BTLBP ngày 08/01/2018 về chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2018 - 2020 nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp Hội Phụ nữ cả nước và BĐBP chung tay hướng về các xã biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số góp phần xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh. Theo đó, Hội LHPN các tỉnh, thành phố không có biên giới, hải đảo sẽ đồng hành với Hội LHPN các tỉnh có khu vực biên giới, hải đảo trong công tác chăm lo, hỗ trợ phụ nữ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Các cấp Hội tích cực vận động nhắn tin ủng hộ Chương trình qua Cổng thông tin nhân đạo 1409. Kết quả nhắn tin đợt 1 (2018) là 71.225 tin nhắn với tổng số tiền là 1.424.500.000 đồng; kết quả đợt 2 (từ 27/2 đến 27/4/2019) là 126.223 tin nhắn, tương ứng với số tiền 2.524.460.000 đồng. Tới nay, TƯ Hội đã phân bổ 39 mô hình sinh kế cho các xã biên giới trong Chương trình.

Nguồn: Hội LHPNVN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm