Nâng niu những giọt nước sạch ở vùng lũ Bình Định

06/04/2018 - 18:05
Hàng cứu trợ khẩn cấp nước sạch nhằm khắc phục hậu quả của bão Damrey năm 2017 ở Bình Định ưu tiên các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình có phụ nữ là chủ hộ, phụ nữ đang mang thai và cho con bú, trẻ em suy dinh dưỡng…
Hết nỗi lo thiếu nước sạch trong mùa lũ
cuu-tro-khan-cap-nuoc-sach-va-ve-sinh-o-binh-dinh-2.jpg
Bà Yoshimi Nishino - Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam và ông Trần Kim Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao quà cứu trợ cho bà con vùng lũ

Chúng tôi đến xã Cát Chánh (huyện Phù Cát, Bình Định) một ngày nắng gió theo đoàn cấp phát hàng cứu trợ khẩn cấp nước sạch vệ sinh nhằm khắc phục hậu quả của bão Damrey năm 2017 của Trung tâm quốc gia nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức. Đón chúng tôi là các bà, các mẹ với nụ cười vui vẻ, hiếu khách. Giọng các bà, các mẹ chùng xuống khi nhắc nhớ về những ngày mưa bão, lũ lụt đầy khó khăn năm ngoái. Bà Phạm Thị Mai (89 tuổi) mắt đã mờ, giọng run run kể lại ngày người nhà cõng bà trú ẩn ở trường học khi mảnh đất này mưa lớn, gió bão, nước ngập cô lập nhiều nơi. Mẹ Võ Thị Hà (62 tuổi) thì cho biết năm nào đến mùa lũ, điều bà lo nhất không chỉ thiếu lương thực, hư hại đồ đạt do lũ lụt dâng cao mà còn thiếu nước sạch để uống.

cuu-tro-khan-cap-nuoc-sach-va-ve-sinh-o-binh-dinh-1.jpg
Phụ nữ là đối tượng ưu tiên nhận hàng cứu trợ


Còn theo ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, địa phương thuộc vùng trũng nằm cuối dòng sông Kôn, tiếp giáp đầm Thị Nại. Xã có 5 thôn, trừ thôn Phú Hiệp thì 4 thôn còn lại có mạch nước ngầm bị nhiễm phèn. Trong đó, 2 thôn Chánh Hội và Chánh Hữu dù có đóng giếng sâu đến 30 m vẫn không sử dụng được vì ô nhiễm, bốc mùi thối như nước sình. 2 thôn còn lại là Vân Triêm và Chánh Định nước giếng đóng đục, chỉ rửa chứ không nấu ăn được. Theo ông Hải, bà con trong xã được nhận hệ thống lọc nước, bình lọc gốm, bồn chứa nước dung tích lớn, gói vệ sinh từ đoàn cứu trợ. Đây là cứu cánh giúp người dân nơi đây sẽ hết lo thiếu nước sạch vào những ngày lũ lụt.

cuu-tro-khan-cap-nuoc-sach-va-ve-sinh-o-binh-dinh-3.jpg
Hướng dẫn bà con cách dùng bình lọc gốm để lọc nước


Theo ông Trần Kim Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), cuối năm 2017, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt kế hoạch thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo ít nhất 81.200 người dân, trong đó có 41.200 phụ nữ và 20.000 học sinh tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Thừa Thiên Huế được các hỗ trợ khẩn cấp thiết yếu về nước sạch, vệ sinh, khuyến khích thực hành vệ sinh kịp thời, hiệu quả, chất lượng. Riêng tỉnh Bình Định sẽ có ít nhất 20.500 người dân và 6.850 học sinh sẽ được hưởng lợi.

 
Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng ưu tiên
 
Bà Yoshimi Nishino - Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh rằng Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Thời tiết khắc nghiệt diễn ra thương xuyên hơn và dữ dội hơn. Khi thiên tai xảy ra, trẻ em thường bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là những em từng bị tổn thương. Đối với nhiều người sống trong các vùng dễ bị thiên tai và đang sống trong nghèo đói, một cơn bão lớn hay hạn hán kéo dài cũng đã là quá nhiều để ứng phó. Đáp ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam, UNICEF đã huy động được 1,1 triệu USD hỗ trợ Việt Nam từ Quỹ ứng phó khẩn cấp Liên hợp quốc nhằm giảm thiểu ảnh hưởng cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Các viện trợ nhân đạo bao gồm các phản ứng về nơi trú ẩn, an ninh lương thực và nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. “UNICEF có thể tiếp cận gần 100.000 trẻ em và hộ gia đình tại 30 xã bị ảnh hưởng nhiều nhất ở 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên bằng cách tạo điều kiện cho họ tiếp cận với nước sạch và thiết bị trữ nước và thúc đẩy thực hành vệ sinh trong trường học và hộ gia đình”, bà Yoshimi Nishino nói.
cuu-tro-khan-cap-nuoc-sach-va-ve-sinh-o-binh-dinh-9.jpg
Bà Yoshimi Nishino - Phó Trưởng Đại diện UNICEF  thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh


Xã Cát Chánh nhận được 43 bồn chứa nước dung tích 2.000 lít cho các hộ dân và trường học; thiết bị lọc nước bằng gốm cho 100 hộ gia đình và 3 thiết bị loc gốm cho trường học; 625 gói nước sạch, vệ sinh bao gồm xô nhựa, xà phòng, bàn chải, kem đánh răng và khăn mặt; 840 bánh xà phòng cho trường học; 584 tài liệu truyền thông về nước sạch, vệ sinh trong bão lũ… 

cuu-tro-khan-cap-nuoc-sach-va-ve-sinh-o-binh-dinh-6.jpgCác em học sinh được uống nước sạch từ hệ thống lọc nước được hỗ trợ


Sau lễ cấp phát hàng cứu trợ cho người dân, đoàn công tác đến thăm Trường THCS xã Cát Chánh và bàn giao 1 hệ thống lọc nước uống cho học sinh với công suất 70 lít/giờ/hệ thống. Trước đó Trường Tiểu học xã Cát Chánh cũng được trang bị một hệ thống lọc nước. 2 hệ thống lọc nước của 2 trường học sẽ phục vụ cho khoảng 800 học sinh trên địa bàn xã. Các em nhỏ ở trường vui sướng khi được uống những dòng nước mát lành. Một em học sinh tên An tâm sự: “Trước đây, chúng em luôn thiếu nước sạch để uống nên toàn phải dùng nước đóng chai rất tốn kém. Giờ có hệ thống nước sạch rồi, thật là thích chị ạ”. Niềm vui của con trẻ làm chúng tôi vui lây.

Bàn về điều này, ông Nguyễn Thành Luân - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn cho biết: “Khi cơn bão Damrey tràn vào Bình Định, nguồn nước bị phá hủy, ngập lụt và cạn kiệt nên không có nước để sử dụng. Chúng tôi có gắng hỗ trợ những trang thiết bị nhằm đáp ứng cho bà con thích ứng với tình hình thiên tai xảy ra: Dự trữ nước, xử lý các nguồn nước thành nước sạch để sử dụng, làm một số trang thiết bị lọc nước cho trường học, các trang thiết bị cho bà con trong thời gian xảy ra thiên tai”.
cuu-tro-khan-cap-nuoc-sach-va-ve-sinh-o-binh-dinh-7.jpg
Chị Phạm Thị Hiền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cát Chánh giải thích cho người dân hiểu trong buổi truyền thông thực hành nước sạch và vệ sinh

 
Để giúp bà con có kỹ năng tự thích ứng với thiên tai, Trung tâm đã tổ chức những buổi truyền thông thực hành nước sạch và vệ sinh cấp hộ gia đình trong trường hợp xảy ra bão lụt. Hoạt động này có sự hỗ trợ của cán bộ Y tế xã và hội phụ nữ địa phương. Chị Phạm Thị Hiền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cát Chánh cho biết tại những buổi truyền thông như vậy, chị đã lắng nghe những điều bà con cần hỏi, những khó khăn vướng mắc để giúp bà con tìm hiểu kiến thức về cuốn sổ tay thực hành nước sạch, vệ sinh trong trường hợp bão lũ, cách bảo vệ nguồn nước an toàn, dự trữ nước uống, bảo vệ chuồng trại gia cầm, gia súc ổn định khi có bão lụt xảy ra. Chị Hiền cùng cán bộ y tế xã còn hướng dẫn bà con cách sử dụng bình lọc gốm để lọc nước uống cho hộ gia đình.

cuu-tro-khan-cap-nuoc-sach-va-ve-sinh-o-binh-dinh-10.jpg
Chị Trần Thị Quyền cùng con trai bên hệ thống bơm nước do UNICEF tài trợ từ năm 1991


Theo chị Hiền, hàng cứu trợ ưu tiên các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ gia đình có phụ nữ là chủ hộ; hộ gia đình có phụ nữ đang mang thai và cho con bú; hộ gia đình có trẻ em suy dinh dưỡng mãn tính, cấp tính và hộ gia đình khó khăn về điều kiện nước sạch. Khi nhận được bồn chứa nước dung tích 2.000 lít, chị Nguyễn Thị Hạnh bày tỏ niềm xúc động. Chị chia sẻ: “Mỗi khi mùa lũ về, khu vực nhà tôi ở bị cô lập do nằm trong vùng trũng nên thường thiếu nước sạch để uống. Nay có bể chứa nước, mối lo của gia đình giảm đi rất nhiều”. Cùng chung niềm vui đó, chị Trần Thị Quyền cho biết do con chị còn nhỏ mới 11 tháng tuổi, có bình lọc gốm để lọc nước cho con uống là điều hạnh phúc nhất mà chị hằng mong muốn. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm