Nắng nóng kéo dài, lo suối cạn không biết lấy nước đâu mà dùng

28/06/2019 - 11:32
Nắng nóng với nền nhiệt cao kéo dài đang gây nên tình trạng hạn hán diện rộng tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Thiếu nước sinh hoạt, cây trồng khô héo, người dân ở đây đang phải oằn mình chống hạn.
Hơn nửa tháng nay, cứ rạng sáng và xế chiều là gia đình bà Lang Thị Tần, trú bản Kẻ Sùng, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông (Nghệ An), lại tranh thủ xách những chiếc can nhựa loại 20 lít ra bờ suối cách nhà 2km để lấy nước về phục vụ sinh hoạt của gia đình do nắng hạn kéo dài, giếng nước khô đáy. 
Người dân miền núi Nghệ An đi lấy nước ở hồ ao về sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Hải
"Mặc dù nhà tôi có 2 cái giếng, mỗi giếng có độ sâu hơn 109m nhưng hơn nửa tháng nay giếng đã không còn giọt nước nào nữa. Cứ sáng sớm hoặc chiều tối, là chúng tôi lại tranh thủ ra suối chắt nước về phục vụ sinh hoạt như nấu cơm phục vụ ăn uống. Còn việc tắm rửa, giặt đồ thì chúng tôi phải ra suối. Nắng nóng kéo dài, chúng tôi đang lo ngại suối cũng cạn nước thì không biết lấy nước đâu để dùng”, vợ chồng bà Tần lắc đầu.
Chung cảnh thiếu nước sinh hoạt như gia đình vợ chồng bà Tần, hàng trăm hộ dân khác ở các bản Kẻ Sùng, Kẻ Nóc và Kẻ Trắng (xã Mậu Đức) cũng phải gồng mình chắt nước trong mùa khô hạn, song việc thiếu nguồn nước sinh hoạt đang là nỗi lo lớn của người dân nơi đây.
Xã Đôn Phục cạnh bên xã Mậu Đức cũng rơi vào cảnh tượng tự. Hơn hai tháng qua trên địa bàn chưa có trận mưa nào. Toàn xã có gần 1.000 hộ thì khoảng 300 hộ có giếng nước đang cạn, không đủ sinh hoạt. Theo chính quyền, việc thiếu nước sinh hoạt dù chưa nguy cấp song khiến cuộc sống nhiều hộ dân bị đảo lộn, nguy cơ phát sinh bệnh tật về đường ruột, đau mắt đỏ và ô nhiễm môi trường.
Nhiều hồ đập bị cạn trơ đáy, chính quyền đang khẩn trương tiến hành nạo vét để tích nước
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn huyện Con Cuông (Nghệ An) có hơn 1.442 hộ dân ở các xã: Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn, Yên Khê đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Các giếng nước của người dân đã bị khô trơ đáy, các khe, suối đã cạn kiệt. Người dân đã phải đi chắt từng can nước ở khe, suối về dùng; Cuộc sống của người dân vùng hạn hán đang gặp nhiều khó khăn.
Cùng đó, toàn huyện có hơn 850 ha diện tích ruộng chưa cấy do khô nước; 138/356 ha chè kinh doanh đã bị chết cháy và khô héo…
Không chỉ có huyện miền núi Con Cuông, mà tại huyện Tương Dương cũng đang rơi vào tình trạng “đứng ngồi không yên”. Trong vụ hè thu này, toàn huyện Tương Dương phấn đấu sản xuất 841 ha diện tích ruộng nước. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C, đã làm cho gần 30 ha diện tích ruộng nước ở các xã Tam Quang, Tam Thái, Nga My bị thiếu nước nghiêm trọng, có nguy cơ không có nước để cấy cho kịp thời vụ. Nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả như sắn, ngô, lạc, mía và ổi bị khô héo...
Nhiều diện tích lúa tại Nghệ An thiếu nước trầm trọng, ruộng khô, nứt nẻ
Nắng nóng và khô hạn cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ cháy rừng. Hai ngày trước, đám cháy bùng phát tại khu rừng sản xuất ở xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn) rồi nhanh chóng lan sang xã Chiêu Lưu. 200 người mất 7 giờ mới khống chế được đám cháy, song hơn 8 ha rừng sản xuất bị thiêu rụi.
Từ giữa tháng 6/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã cử cán bộ xuống các địa bàn để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống hạn; giám sát, chỉ đạo các công ty thủy lợi quản lý chặt nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước ở các hồ chứa, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Nghệ An, cho biết: Đợt nắng nóng kéo dài hơn tháng qua đã làm trên 12.000 ha lúa hè thu trên địa bàn Nghệ An bị thiếu nước tưới, trong đó 2.300 ha lúa bị hạn nặng có nguy cơ mất trắng. Bên cạnh đó là hàng trăm ha chè ở Tân Kỳ, Con Cuông, Anh Sơn và Thanh Chương đang bị chết cháy. Nếu trong vòng 10 ngày nữa không có mưa thì 2.300 ha lúa sẽ mất trắng và diện tích lúa thiếu nước tưới sẽ lan rộng.
Nhiều trạm bơm khô nước
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, do nắng nóng kéo dài, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng nhiều loại cây trồng bị chết. Đơn cử, ở huyện Nghi Lộc nắng nóng kéo dài làm cho 3.000 ha lúa Hè Thu của huyện đang đối mặt với nguy cơ hạn hán; trong đó có trên 250 ha bắt đầu chết do hạn. Ở các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Yên Thành cũng đã có hàng nghìn ha cây trồng các loại bị chết cháy do khô hạn; huyện Thanh Chương có 500 ha chè bị chết cháy.
Hiện nay, cùng với việc triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống hạn vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2019, tỉnh Nghệ An cũng đề nghị các nhà máy thủy điện ở các huyện miền núi trong tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh xác định nhu cầu nước ở các vùng hạ du để chia sẻ và có kế hoạch điều chỉnh xả nước hợp lý.
Nếu trong mười ngày tới không có mưa, nền nhiệt vẫn duy trì ở mức cao sẽ khiến đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm