Nên xác định các tổ chức chính trị - xã hội là "thành viên nòng cốt" của Mặt trận

BT (Tổng hợp); Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội
15/05/2025 - 16:44
Nên xác định các tổ chức chính trị - xã hội là "thành viên nòng cốt" của Mặt trận

Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn đại biểu tỉnh Nam Định) phát biểu tại Hội trường trong phiên họp sáng 14/5/2025.

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị không nên quy định 5 tổ chức chính trị - xã hội là “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà cần xác định đây là các “thành viên nòng cốt”, nhằm bảo đảm đúng tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận theo Hiến pháp.

Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 14/5/2025 về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung làm rõ vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, đặc biệt liên quan đến quy định tại khoản 2 Điều 9.

Xác định "thành viên nòng cốt" thay vì "trực thuộc"

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long) thống nhất với nội dung dự thảo trong đó việc sửa đổi bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội là phù hợp với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động và trách nhiệm chính trị trong giai đoạn phát triển mới, phát huy vai trò trực tiếp của Nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân.

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa) đồng tình cao với đề xuất sửa đổi Điều 9 theo hướng hiến định 5 tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo ông, việc quy định như vậy thể hiện sự tập trung, thống nhất trong hệ thống chính trị, đồng thời tạo cơ sở để quy định quyền lập pháp tập trung ở Mặt trận Tổ quốc (sửa Điều 84).

Nên xác định các tổ chức chính trị – xã hội là "thành viên nòng cốt" của Mặt trận- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long) phát biểu

Phát biểu tranh luận, lại nội dung đại biểu Lê Xuân Thân phát biểu, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn đại biểu tỉnh Nam Định) đồng ý các nội dung dự thảo về quy định 5 tổ chức chính trị xã hội được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại biểu cho rằng nội dung này đã đầy đủ, không cần thiết phải nói là "trực thuộc". Vì trong khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy thì cơ quan chuyên trách của 5 tổ chức này trực thuộc trong cơ quan thường trực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hoàn toàn đúng, còn về mặt tổ chức thì độc lập theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định.

Đại biểu nêu 4 yếu tố để đề nghị Mặt trận giữ nguyên tôn chỉ mục đích mà Hiến pháp đã nêu tại khoản 1: liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động, 4 yếu tố này đặt nền móng cho tổ chức Mặt trận. Đại biểu cho rằng đây là sự sáng suốt, tài tình của Đảng, Hồ Chủ tịch khi lập ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là hình mẫu trong một thế giới văn minh, là tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp trong xã hội. Đại biểu đề nghị bổ sung 5 tổ chức này là thành viên nòng cốt của Mặt trận, còn các tổ chức khác sẽ đứng xung quanh Mặt trận.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này rất cần thiết, kịp thời phản ánh đúng yêu cầu phát triển của đất nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới. Đại biểu đánh giá cao tinh thần kế thừa và phát triển của dự thảo Luật, đồng thời nhấn mạnh để các quy định sửa đổi thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả, cần có các giải pháp đồng bộ về pháp luật và tổ chức thi hành.

Góp ý về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 9, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cần sớm sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, trong đó cần quy định cụ thể cơ chế thẩm quyền giám sát xã hội và xử lý kiến nghị của nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nên xác định các tổ chức chính trị – xã hội là "thành viên nòng cốt" của Mặt trận- Ảnh 2.

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa) phát biểu

Về vai trò của Công đoàn Việt Nam tại Điều 10, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng tán thành việc hiến định rõ Công đoàn Việt Nam là tổ chức trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời là đại diện quốc gia trong quan hệ lao động và công đoàn quốc tế. Tuy nhiên, để đảm bảo công đoàn thực sự phát huy vai trò của mình, đại biểu đề nghị cần đồng thời sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn năm 2024, quy định rõ quyền tự chủ của tổ chức công đoàn trong thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, bảo đảm tính độc lập trong vai trò đại diện quyền lợi người lao động, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và cam kết trong Hiệp định đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến có chiều sâu, có hệ thống đến tận cơ sở và từng đối tượng xã hội. "Sau khi Hiến pháp được Quốc hội khóa XV thông qua, chỉ khi cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình theo Hiến pháp thì đạo luật gốc, đạo luật nền tảng, trụ cột của hệ thống pháp luật quốc gia mới thật sự phát huy giá trị điều chỉnh, trở thành kim chỉ nam trong tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước, xã hội", đại biểu nêu rõ.

Nên xác định các tổ chức chính trị – xã hội là "thành viên nòng cốt" của Mặt trận- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ họp để tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường và ý kiến góp ý của nhân dân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm