Sửa đổi Hiến pháp: Ý kiến tâm huyết từ nữ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã

N,Minh (ghi)
10/05/2025 - 22:45
Sửa đổi Hiến pháp: Ý kiến tâm huyết từ nữ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã

Chị Lư Thị Biền

Việc sáp nhập đơn vị hành chính là chủ trương đúng đắn nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc thực hiện chủ trương này cần hết sức linh hoạt, sát với thực tiễn địa phương.

Chị Lư Thị Biền - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đội Cấn (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) - đã có những góp ý, phản ánh về khó khăn, đặc thù của xã biên giới miền núi:

"Tôi đồng tình với việc sáp nhập đơn vị hành chính - đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, việc thực hiện cần linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Việc bỏ cấp huyện có thể giúp cán bộ gần dân, sát dân hơn nhưng đồng thời, tôi cho rằng cần phải giữ lại đội ngũ cán bộ cấp xã có năng lực - những người hiểu rõ tình hình địa phương, gần gũi và gắn bó với người dân. Ở cơ sở, chính những cán bộ này mới thực sự "đi vào lòng dân". Cán bộ từ tỉnh hoặc huyện biệt phái xuống có thể chưa nắm được cụ thể đời sống, phong tục, tập quán của từng địa bàn.

Ở vùng nông thôn, phần lớn người dân vẫn đang lo toan mưu sinh hàng ngày, việc tiếp cận công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế. Không ít người dân chỉ có thời gian theo dõi tin tức vào buổi tối, còn để thực hiện các thủ tục hành chính trên máy tính hoặc qua mạng thì vẫn rất khó khăn. Đặc biệt, ở miền núi, nhiều người chưa biết chữ, vẫn phải điểm chỉ, do đó, công nghệ không thể thay thế hoàn toàn con người trong công việc hỗ trợ hành chính.

Việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn phải làm trực tiếp, thậm chí làm thay. Ví dụ đăng ký tài khoản công để làm chế độ chính sách, hay công chứng giấy tờ - nếu không có cán bộ hướng dẫn tận nơi, người dân sẽ không thể tự làm được. Việc áp dụng công nghệ ở những nơi này không thể "một sớm một chiều", có thể phải mất nhiều năm mới có thể triển khai rộng rãi.

Tôi cũng rất hoan nghênh chủ trương miễn học phí của Đảng, Chính phủ. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên cắt giảm các chế độ, chính sách đang hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo. Điều người nghèo cần nhất là được hỗ trợ đất sản xuất, tiếp cận kỹ thuật, khoa học, bởi họ thường thiếu thốn cả vật chất và kiến thức… Những hộ nghèo cũng thường có nhiều con, cuộc sống rất chật vật.

Về mặt địa lý hành chính, ở đồng bằng có thể sáp nhập các xã nhỏ với diện tích vài km2 để đạt quy mô dân số yêu cầu. Nhưng ở miền núi, để đạt mốc 5.000 dân, có thể cần một địa bàn rộng mênh mông. Có nơi, người dân từ thôn này sang thôn kia phải đi mất cả ngày. Như xã chúng tôi hiện có 6 thôn bản, để đi tuyên truyền hết một vòng cũng phải mất cả tuần. Nếu sáp nhập xã theo tiêu chí diện tích và dân số, cán bộ có thể sẽ mất cả tháng mới vận động được hết dân trong xã.

Thực tế cho thấy, ở những xã nhỏ như xã Đội Cấn của chúng tôi (dưới 1.000 dân), tỷ lệ vận động người dân tham gia các chương trình rất cao, đạt tới hơn 90%. Nhưng với các xã lớn, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 60%. Vì vậy, việc sáp nhập nếu không cân nhắc kỹ sẽ khiến hiệu quả tuyên truyền, vận động giảm đi rõ rệt.

Việc tổ chức họp dân cũng gặp khó khăn nếu thôn quá rộng. Như ở thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn), một thôn có thể có 400–500 hộ nhưng chỉ mất một giờ là đi từ đầu đến cuối thôn. Trong khi đó, ở xã biên giới như chúng tôi, một thôn có 400–500 hộ nhưng sẽ trải dài đến 14km-16km. Người dân không thể bỏ cả ngày để đi họp thôn, vì họ còn phải đi làm nương, làm ruộng. Nếu chỉ thông tin qua loa đài, qua zalo thì người dân không chú ý. Chỉ khi cán bộ đến tận nơi tuyên truyền trực tiếp thì mới thực sự hiệu quả.

Vì vậy, tôi kiến nghị, việc sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ dựa trên tiêu chí diện tích và dân số, mà còn phải xét đến yếu tố địa hình, giao thông, điều kiện sống của người dân. Như thôn của tôi có 46 hộ, gõ kẻng là cả thôn nghe thấy. Nhưng có nơi, vài hộ sống cách nhau cả một quả đồi, mùa mưa lũ đi lại rất nguy hiểm. Nhiều nơi không có sóng điện thoại, việc tuyên truyền lại càng khó khăn.

Tôi mong muốn việc cải cách hành chính phải xuất phát từ thực tiễn, đảm bảo người dân - đặc biệt là ở vùng khó khăn - được tiếp cận đầy đủ với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm