pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sửa đổi Hiến pháp: Phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ kỳ vọng, sau khi Hiến pháp được sửa đổi và có cơ chế phù hợp, mặt trận sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Trao đổi bên hàng lang Quốc hội ngày 7/5, các đại biểu cho rằng việc sửa việc đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là một bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Về phạm vi và nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết, trên cơ sở phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 194/2025/QH15, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 xác định dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 02 điều; Điều 1 gồm 08 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 03 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Trong đó, về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội (tại Điều 9 và Điều 84 của Hiến pháp năm 2013) để làm rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh vị trí là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 9 để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp các tổ chức chính trị-xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trao đổi về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Huế, cho hay dù số lượng điều, khoản, điểm trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là 8/120 điều, nhưng đó đều là những nội dung cốt lõi, mang tính quyết định trong việc triển khai chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ thực thi công vụ. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cao với việc sửa đổi Hiến pháp lần này.
"Khi sửa đổi những nội dung trọng tâm, thể hiện được tính đột phá, tôi kỳ vọng sau sửa đổi được thông qua sẽ nhanh chóng được triển khai và áp dụng vào thực tiễn," bà Sửu nói.
Về các nội dung mới liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, xem xét các tổ chức chính trị-xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo nữ đại biểu, việc sửa đổi này đã nâng tầm đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với công tác giám sát, phản biện chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và những văn bản pháp quy liên quan đến kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Nhấn mạnh, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị-xã hội đã phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền… Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ kỳ vọng, sau khi Hiến pháp được sửa đổi và có cơ chế phù hợp, mặt trận sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình, đặc biệt trong việc tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo đại biểu, chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ trương lớn, đã đến độ chín và đã đến lúc phải triển khai thực hiện. Về tổ chức đơn vị hành chính và một số nội dung khác về chính quyền địa phương, dự thảo Nghị quyết đã xác định chính quyền địa phương còn 2 cấp.
"Khi hình thành chính quyền địa phương 2 cấp rất mong muốn những điều kiện, tiêu chí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được nghiên cứu bổ sung, quy định một cách đồng bộ," đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề xuất.
Bên cạnh đó, những nội dung được sửa đổi, bổ sung đợt này dù nằm trong Nghị quyết nhưng đó là những nội dung làm nền tảng cho những văn bản luật khác. Do đó, đại biểu mong muốn lần sửa Hiến pháp này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉn chu sửa đổi các điều khoản nêu tại dự thảo Nghị quyết.