Nếu chưa có tiền tỉ, khoan làm nông nghiệp sạch

02/05/2019 - 15:22
"Thật sai lầm nếu nghĩ làm thực phẩm sạch là để kiếm tiền, thu về siêu lợi nhuận. Tôi chưa thấy ai làm nông nghiệp tử tế mà giàu cả", chị Vũ Thị Thu Hà, CEO của Công ty cổ phần trang trại Tomita Việt Nam, chia sẻ.
Là giám đốc điều hành hệ thống siêu thị thực phẩm cao cấp Tomita Mart, trang trại giáo dục Tomita Edufarm, hệ thống nhà hàng Tomita Bento, chị Vũ Thị Thu Hà không còn là gương mặt xa lạ với những người làm việc trong lĩnh vực thực phẩm sạch. Với nữ CEO 8x, quãng thời gian 3 năm ‘dấn thân’ vào nông nghiệp sạch mang đến cho chị những cung bậc cảm xúc và trải nghiệm nhiều hơn bao giờ hết.
 
 
vu-thi-thu-ha-3.jpg
Tôi chưa thấy ai làm nông nghiệp tử tế mà giàu cả. Chị Vũ Thị Thu Hà, CEO của Công ty cổ phần trang trại Tomita Việt Nam chia sẻ.

 

Bế tắc nhưng không bao giờ chán nản
 
Ở tuổi 35 tuổi, có vị trí nhất định trong một công ty lớn của Nhật tại Việt Nam, chị Thu Hà gây ngạc nhiên cho những người quen biết mình bằng một quyết định khá đột ngột: Đó là rời bỏ công việc và môi trường làm việc đã gắn bó mười mấy năm chỉ để "làm cái gì đó khác đi cho cuộc sống thêm ý nghĩa".
 
Qua tìm hiểu và bị hấp dẫn bởi kiến thức mới trong lĩnh vực thực phẩm hữu cơ, bỏ qua nhiều sự lựa chọn, chị Thu Hà quyết định sẽ thành lập cửa hàng thực phẩm sạch. Là dân tay ngang, không có kinh nghiệm từng trải, chưa từng biết công việc đồng áng, nhà nông thế nào, cô gái thành thị bắt đầu chuỗi ngày loay hoay tự học hỏi, tự tìm hiểu để tìm ra đường đi cho mình.
 
vu-thi-thu-ha-4.jpg
Chị Thu Hà trong chuyến tham quan trang trại tại miền Tây

 

Với những người xung quanh, đó là sự liều lĩnh, nhưng lúc đó mình tự tin lắm, chị Vũ Thị Thu Hà nhớ lại. Không biết đi theo cách nào cho hiệu quả, mình quyết định đi theo suy nghĩ của mình. Đầu tiên, mình cũng lên mạng để tìm kiếm thông tin về các nhà cung cấp thực phẩm sạch, nhưng vào năm 2016, thị trường thực phẩm sạch ở Việt Nam còn khá mới mẻ, nên khó có thể tìm kiếm chính xác những thông tin cần thiết trên internet.
 
Mình tiếp tục đến từng siêu thị, xem trên bao bì các loại thực phẩm. Nhưng trên đó cũng chỉ có những thông tin địa chỉ chung chung, không có chính xác tên tuổi của nhà cung cấp. Loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu, mình quyết định đi Sài Gòn, dọc theo các tỉnh miền Tây, đến từng vùng, hỏi người địa phương, tìm đến những vựa trái cây nổi tiếng, nhưng cũng nhận được quá ít thông tin, sản phẩm không kiểm chứng được chất lượng. Có đi mới nhận ra nhiều thứ mình không biết, nhiều thông tin là mình mông lung trên con đường tìm ra những sản phẩm tốt, có chất lượng.
 
vu-thi-thu-ha-2.jpg
Có đi, chị Hà mới nhận ra nhiều thứ mình không biết

 

Nhưng đã quyết tâm là phải làm bằng được, chị Thu Hà tiếp tục hành trình học hỏi, khám phá bằng cách đi khắp nơi, từ Mộc Châu, Hoà Bình, Ba Vì, Sóc Sơn, Hưng Yên, Hà Nam,... để học hỏi mô hình trồng rau hữu cơ; vào Đà Lạt, Lâm Đồng để tìm hiểu xem họ đầu tư cho nông nghiệp ra sao, trồng rau theo phương pháp gì, hiệu quả thế nào; vào thành phố Hồ Chí Minh để tận mắt nhìn xem các sản phẩm nông nghiệp sạch sau khi thu hái sẽ được đưa đến đâu, bảo quản, bày bán và tiêu thụ thế nào, nhu cầu của khách hàng về sản phẩm ra sao... 
 
Không dừng lại ở đó, chị sang Nhật học hỏi và bằng mọi cách kết nối để đưa các thực phẩm chất lượng của Nhật về Việt Nam.  
 
vu-thi-thu-ha-5.JPG
Chị Hà tìm hiểu quy trình canh tác hữu cơ tại Nhật Bản

 

Chị Thu Hà chia sẻ: Mỗi bước đi, mình đều dừng lại, hình dung xem mình có thể làm gì ở từng công đoạn. Khó khăn, thách thức và cơ hội là gì. Điểm mạnh, điểm yếu của mình ở đâu... Dù nhìn thấy ‘chông gai’ phía trước, nhưng tháng 1/2017, chị Thu Hà và các cộng sự vẫn quyết định mở siêu thị Tomita Mart đầu tiên. Sau 2 năm hoạt động, Công ty cổ phần trang trại Tomita Việt Nam đã thành lập được chuỗi siêu thị, nhà hàng và cung cấp hơn 2000 suất ăn cho các trường quốc tế.
 
Nếu chưa có tiền tỉ, khoan hãy làm thực phẩm sạch
 
Đó là lời khuyên của chị Vũ Thị Thu Hà dành cho các bạn trẻ đang ấp ủ dự định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch.
 
Chị Hà cho biết: Nói đến thực phẩm sạch, nhiều người chỉ tưởng đơn giản là mớ rau, con cá, nhưng làm rồi mới biết, đây là lĩnh vực cần rất nhiều tiền. Nếu không trường vốn, thì sẽ dễ thất bại. Hãy thử nhẩm tính, chỉ cần ở quy mô nhỏ nhất, là hộ sản xuất kinh doanh, bạn cũng phải tính toán khoảng 5 tháng đầu tiên không có doanh thu. Bên cạnh đó còn phải làm marketing, chi phí vận hành… Chịu lỗ từ 2-3 năm là chuyện bình thường, nên chắc phải có tiền tỉ bạn mới có thể trụ được trên thị trường.
 
Mặt khác, lợi nhuận trong nông nghiệp rất thấp. Với các nhà phân phối, lợi nhuận chỉ dao động từ 7-8%, nên nếu nghĩ làm nông nghiệp sẽ giúp bạn kiến tiền, thu về lợi nhuận thì hoàn toàn sai lầm. Làm nông nghiệp chỉ giúp bạn thỏa mãn đam mê, còn nếu muốn lợi nhuận nên đầu tư lĩnh vực khác.
 
vu-thi-thu-ha-1.JPG
Chị Thu Hà tìm hiểu thị trường thực phẩm hữu cơ tại Huế

 

Bên cạnh đó, dù ở lĩnh vực nào, các bạn cũng cần có tình yêu dành cho sản phẩm, không nên chạy theo phong trào, vì trong kinh doanh, có lúc lên, lúc xuống, nếu không có sự kiên định, bạn sẽ nhanh chán và thất bại trước khi đi đến thành công.   
 
Trong thời đại công nghệ thông tin, sản xuất phải đi đôi với marketing, làm tốt thôi chưa đủ, bạn còn cần phải biết nói ra cái tốt của sản phẩm để mọi người biết đến. Nhưng với các bạn trẻ khởi nghiệp, điều quan trọng là phải biết nói đủ, nói đúng về sản phẩm của mình. Nếu bạn nói quá lên về sản phẩm, sớm muộn khách hàng cũng biết và chính họ là người quyết định sự thành – bại của sản phẩm.
 
vu-thi-thu-ha-6.JPG
Làm nông nghiệp sạch là phải sẵn sàng chịu đựng vất vả, hy sinh

 

Cuối cùng, lời khuyên của chị Hà dành cho những người đang chuẩn bị dấn thân vào nông nghiệp sạch, đó là phải sẵn sàng chịu đựng vất vả, hy sinh.
 
Khó khăn luôn đến từ nhiều phía, nếu quyết định gửi tình yêu và đam mê vào nông nghiệp sạch, chắc chắn sẽ có những trái chín ngọt ngào luôn đợi bạn ở phía trước.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm