pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngang nhiên “nhả” khói thuốc trong bệnh viện
Người đàn ông hút thuốc lá trong Bệnh viện Nhi đồng 2
Tại bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM, chúng tôi bắt gặp người đàn ông và phụ nữ đang ngồi dưới góc bệnh viện (gần dãy tòa nhà khoa Sơ Sinh) cùng mở điện thoại để xem hình ảnh của một trẻ sơ sinh. Thông thường, với những bé sơ sinh nếu mắc bệnh nặng sẽ được nuôi trong khu cách ly. Người nhà ở ngoài đợi. Khi nào trẻ ổn định, bác sỹ sẽ cho trẻ xuống phòng ở cùng mẹ.
Hút thuốc lá trong bệnh viện nhi, nơi có rất đông trẻ em đang được điều trị, hút thuốc khi ngồi cạnh người phụ nữ vừa mới sinh là điều không thể chấp nhận. Chưa kể, theo Điều 11, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012, cơ sở y tế là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên.
Ngoài người đàn ông trên, nhiều khu vực khác trong khuôn viên bệnh viện Nhi đồng 2 cũng có nhiều người ngang nhiên hút thuốc, bất chấp bệnh viện đã dán nhiều pano, áp phích, biển cấm hút thuốc treo ở khắp nơi.
Chị Phan Thị Hoa (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết: "Cháu tôi bị bệnh viêm màng não nên phải nhập viện điều trị. Trong thời gian chờ ở đây, tôi thường xuyên thấy nhiều người ông, người cha ra ghế đá ở dưới hàng me để hút thuốc. Khu vực đó lại rất gần là khu vui chơi cho trẻ. Trên các cây me, bệnh viện đã dán biển cấm hút thuốc. Thế nhưng họ vẫn hút, mỗi lần đi ngang qua là tôi rất khó chịu. Ai vô đây cũng đều có con, cháu bị bệnh, vậy nên, hãy giữ môi trường trong lành, để các cháu mau khỏe mạnh được xuất viện về nhà".
Tình trạng hút thuốc lá cũng diễn ra trong Bệnh viện Bình Dân (TPHCM). Không chỉ người nhà, ngay cả bệnh nhân cũng không bỏ được thói quen hút thuốc, bất chấp các biển cấm tại bệnh viện và những cảnh báo về tác hại đến sức khỏe.
Theo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, người hút thuốc lá ở những địa điểm cấm hút thuốc lá sẽ bị cảnh báo hoặc xử phạt tiền từ 100 đến 300 ngàn đồng/người. Địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá bao gồm: Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ, nơi làm việc, nhà đợi xe, bến cảng, sân bay, thư viện, phương tiện giao thông công cộng…
Quy định là vậy, nhưng trong thực tế hiện nay, nhiều người vẫn hút thuốc lá nơi công cộng. Đó là hành vi cho thấy sự thờ ơ của họ đối với sức khỏe của bản thân cũng như của những người xung quanh. Đáng lo, những hành vi này vẫn chưa bị xử lý nghiêm khắc.
Điều 23 Nghị định 176/2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
b) Bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không treo biển có chữ hoặc biểu tượng "cấm hút thuốc lá" tại địa điểm cấm hút thuốc lá;
b) Không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình;
c) Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:
a) Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
b) Không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá;
c) Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát;
d) Không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.