Ngành mại dâm ế ẩm sau dịch Covid-19, Amsterdam theo đuổi du lịch “sạch”

N.A
09/06/2020 - 18:04
Ngành mại dâm ế ẩm sau dịch Covid-19, Amsterdam theo đuổi du lịch “sạch”
Hà Lan nói chung, thủ đô Amsterdam nói riêng vốn nổi tiếng thế giới bởi những khu đèn đỏ đầy rẫy gái mại dâm. Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến mọi chuyện thay đổi.

Covid-19 ập đến Amsterdam bắt đầu từ tháng 3/2020. Dịch bệnh đã khiến thành phố sầm uất 500 năm tuổi này hoang vắng như một thị trấn ma. Những nhà thổ bỗng trống vắng các cô gái mại dâm chào mời khách hàng, những quán cà phê có bán cần sa (Cannabis) buộc phải đóng cửa. Trước đây, thành phố với hơn 900.000 người này đón hơn 1 triệu lượt khách mỗi tháng, thì giờ đây phải chịu cảnh đìu hiu và hoàn toàn thất thu về du lịch.

Ngành mại dâm ế ẩm sau dịch Covid-19, Amsterdam theo đuổi du lịch “sạch” - Ảnh 1.

Khu đèn đỏ của Amsterdam vào tháng 4, thời điểm Covid-19 hoành hành

Hằng năm, Amsterdam đón khoảng 19 triệu lượt du khách và đem về cho thành phố hơn 6 tỷ euro (khoảng 6,8 tỷ USD) lợi nhuận từ ngành công nghiệp không khói. Bất chấp khoản lợi nhuận này, hiện nay, Hội đồng thành phố đang quyết tâm giành lại khu vực trung tâm vốn là tụ điểm của những nhà thổ hay quán cà phê bán cần sa. Thị trưởng Amsterdam, Femke Halsema đã lên kế hoạch đệ trình lên Hội đồng thành phố, bao gồm việc mua lại bất động sản cũng như giới hạn cấp phép cho các nhà thổ.

Đây không phải lần đầu tiên Amsterdam cố gắng "dọn dẹp" lại thành phố, nhưng đại dịch Covid-19 đã mang đến những cơ hội mang tính khác biệt. Ngành mại dâm và bán cần sa ở đây đã tổn thất nặng nề do lệnh giãn cách xã hội của chính quyền địa phương. Quá trình đàm phán mua lại bất động sản hoặc tái quy hoạch các khu đèn đỏ bỗng trở nên dễ dàng với Hội đồng thành phố. Việc gái bán dâm và những chủ chứa cần tiền sau dịch Covid-19 sẽ khiến họ dễ dàng chấp nhận các phương án đền bù hơn.

Ngoài ra, một số công ty cũng đã tự nguyện chuyển văn phòng đến các khu từng là nhà chứa ở Amsterdam. Hãng công nghệ tài chính Adyen mới đây cho biết sẵn sàng thuê lại 17.000 m2 văn phòng tại trung tâm của thành phố. Giám đốc Angelique Schouten của hãng công nghệ tài chính Ohpen đã đặt văn phòng ở trung tâm Amsterdam 8 năm trước tuyên bố: "Có quá ít các công ty tại đây trong 15 năm qua. Việc Adyen đến có thể tạo nên một sự cân bằng mới cho khu vực này".

Ngành mại dâm ế ẩm sau dịch Covid-19, Amsterdam theo đuổi du lịch “sạch” - Ảnh 2.

Một khu dân cư gần phố đèn đỏ ở Amsterdam

Chính quyền thành phố quyết tâm di dời các nhà thổ ra khỏi khu trung tâm, kiểm soát chặt chẽ việc mở hàng quán tràn lan. Amsterdam sẽ không còn tự do cho du khách tiếp cận gái mại dâm và cần sa nữa. Cũng giống như trường hợp Venice (Italy) và Barcelona (Tây Ban Nha), người dân Amsterdam sẽ ít bị ảnh hưởng bởi khách du lịch như trước đây.

Ông Geerte Udo, Giám đốc điều hành của công ty Amsterdam & Đối tác, cơ quan xây dựng thương hiệu của thành phố, chia sẻ: "Không phải lúc nào đông khách du lịch cũng là điều tốt đối với thành phố. Số lượng gái mại dâm hoạt động liên tục ở 330 nhà thổ ở khu đèn đỏ là rất lớn. Du khách tìm niềm vui và không muốn rời đi. Thành phố đã bị quá tải".

Dịch bệnh Covid-19 khiến một số lượng lớn gái mại dâm phải trở về nhà ở Đông Âu hoặc thay đổi công việc. Theo kế hoạch, vào tháng 9 tới, các nhà thổ ở Amsterdam sẽ hoạt động trở lại, nhưng chính quyền thành phố muốn quy mô giảm xuống còn 30% so với trước khi đại dịch xảy ra. Vấn nạn bán cà phê có cần sa cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Ngành mại dâm ế ẩm sau dịch Covid-19, Amsterdam theo đuổi du lịch “sạch” - Ảnh 3.

Biển báo cấm tiểu bậy ra đường phố ở Amsterdam

Tất nhiên, không phải ai cũng hài lòng với sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Ông Paul Wilhelm, người đồng sở hữu 2 cửa hàng cà phê ở khu đèn đỏ phàn nàn về việc kinh doanh bị suy giảm. Quán cà phê của ông từng được chọn là địa điểm quay bộ phim điện ảnh đình đám "Ocean's Twelve" với các ngôi sao Brad Pitt và Matt Damon vào năm 2004. Ông Wilhelm cho biết, hiện tại, doanh thu của quán bị sụt giảm 50% và tương lai thì rất u ám. Ở chiều ngược lại, cụ Jan Dorreboom, 81 tuổi, người đã sống ở khu đèn đỏ trong 45 năm qua lại tỏ ra rất vui mừng với sự quyết liệt của chính quyền địa phương. Ông Dorreboom chia sẻ: "Du lịch mang lại kinh tế cho Amsterdam nhưng cuộc sống bình yên của người dân nơi đây còn quan trọng hơn nhiều".

Nguồn: Theo Bloomberg
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm