Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11): Phiên tòa giả định - cách tiếp cận pháp luật nhanh chóng, dễ hiểu

Đinh Thu Hiền
09/11/2023 - 11:03
Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11): Phiên tòa giả định - cách tiếp cận pháp luật nhanh chóng, dễ hiểu

Một phiên tòa giả định do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM thực hiện

Mô hình “Phiên tòa giả định” hiện được nhiều nơi tại TPHCM tổ chức để nâng cao nhận thức pháp luật của người dân. Đoàn Luật sư TPHCM, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM thường xuyên mang mô hình này tới cơ sở trường học, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà trọ công nhân.
Trẻ em được trang bị các kiến thức để bảo vệ bản thân

"Ngày hôm nay là Phiên tòa giả định phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Các luật sư, luật gia tham gia vào các vai trong phiên tòa này. Xin mời các em theo dõi phiên tòa", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, đứng lên giới thiệu tại phiên tòa giả định diễn ra sáng 6/11/2023 tại Trường Quốc tế Việt Úc, Quận 10, TPHCM.

Bản thân luật sư Ngọc Nữ vào vai người giám hộ cho bị hại - bé gái 8 tuổi bị người hàng xóm 25 tuổi làm nghề thợ điện dâm ô.

Trong quá trình "xét xử" bị cáo, thẩm phán, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân, đại diện Hội thẩm nhân dân đã đưa ra quan điểm luận tội cùng những lời khuyên răn, cảnh tỉnh để những người dự khán - các em học sinh - hiểu rõ hơn về cách thức bảo vệ bản thân cùng các điều khoản áp dụng nghiêm khắc của pháp luật. 

Ngoài ra, HĐXX cũng đưa lời khuyên với người giám hộ của bé gái rằng, cần hết sức cảnh giác, không nên để con, cháu mình còn nhỏ mà sang nhà hàng xóm một mình. Điều này đã tạo hoàn cảnh thuận lợi cho tội phạm dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội.

Sau 1 tiếng đồng hồ, phiên tòa giả định tại trường học kết thúc trong tiếng vỗ tay của các em học sinh. Các em chỉ có thời gian như vậy, lấy tiết sinh hoạt tập thể hoặc thể dục để tham gia, sau đó còn tiếp tục học các môn khác.


Mô hình tích cực

Theo số liệu của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam tại TPHCM, trong năm 2023 đã có 29 phiên tòa giả định được diễn ra. Trong đó, có 9 phiên về bạo lực học đường, 8 phiên về bạo hành gia đình, 3 phiên về xâm hại trẻ em và các phiên về những vấn đề khác.

Luật sư Trần Thị Hồng Việt, Đoàn luật sư TPHCM, Chủ nhiệm CLB luật sư, Luật gia, Hội thẩm nhân dân - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết: "Phiên tòa giả định là mô hình có hiệu quả, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

 Việc tuyên truyền trực quan sinh động, dễ tiếp thu các quy định của pháp luật chính là điểm mạnh của các phiên tòa giả định. Trong năm 2023, Câu lạc bộ của chúng tôi đã thay đổi bằng cách ban đầu diễn tiểu phẩm, sau đó làm trích đoạn phiên tòa từ phần xét hỏi đến khi tuyên án, tạo không khí tích cực hơn cho buổi tuyên truyền".

Là người vừa thực hiện xong phiên tòa giả định về nghĩa vụ quân sự do Đoàn luật sư TPHCM tổ chức tại Quận 11, TPHCM, luật sư Đào Thị Bích Liên cho biết, phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, mang tính giáo dục cao, thiết thực dựa trên từng phiên tòa với từng vụ án cụ thể gắn liền với thực tế cuộc sống hàng ngày. 

Phiên tòa giả định vừa mang tính giáo dục vừa mang tính răn đe. Hình thức giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa giả định trực tiếp ở các trường học, khu dân cư, tổ dân phố đã tạo sự tích cực trong công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên trong tình hình hiện nay.

 "Ngoài trợ giúp pháp lý cho nguời nghèo, tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật…, tôi đã tham gia nhiều phiên tòa giả định và đóng nhiều vai. Tôi mong muốn nhiều cơ quan, ban, ngành sẽ tăng cường phối hợp với các địa bàn tiếp tục thực hiện mô hình này, xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều phiên tòa giả định gắn với các vụ việc, tình huống pháp lý cụ thể nhằm góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật đến nhiều đối tượng hơn", luật sư Đào Thị Bích Liên nói.

Tập trung vào các vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM đã tổ chức các phiên tòa giả định từ năm 2019 đến tháng 10/2023 tổng số là 105 phiên. Chỉ tính riêng từ năm 2022 tới nay, Hội này đã tổ chức 81 phiên tòa giả định với 28 ngàn người tham dự, bao gồm học sinh và người dân. 

"Đối tác triển khai thực hiện mô hình của chúng tôi là Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tư pháp, Hội LHPN, Hội Luật gia các quận, huyện. Trong những năm qua, đây tiếp tục là mô hình của Chi hội Luật sư nhận được sự quan tâm của cơ sở. Ngoài ra, một số chương trình còn được chúng tôi tổ chức ở các tỉnh trên cơ sở đề nghị phối hợp hỗ trợ của các đối tác", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết.

Nhờ các hoạt động tích cực của mình mà Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM vừa đoạt giải thưởng Kova lần thứ 21 hạng mục "Sống đẹp", dự kiến sẽ trao thưởng vào ngày 2/12 tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm