Phiên tòa giả định để giáo dục hành vi bạo lực học đường

H.Y
31/08/2023 - 14:00
Phiên tòa giả định để giáo dục hành vi bạo lực học đường

Hội LHPN TP Hà Nội vừa tổ chức tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường cho học sinh thông qua phiên toà giả định tại UBND xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Phiên tòa giả định đã giúp các học sinh được nghe, nhìn, thấy thực tế, từ đó hiểu thêm nhiều kiến thức pháp luật, đặc biệt là việc phòng chống xâm hại, bạo lực học đường.

Hội LHPN TP Hà Nội vừa tổ chức tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường cho học sinh thông qua phiên toà giả định tại UBND xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Phiên tòa có sự tham gia của các thầy cô giáo và hơn 200 học sinh trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội).

Theo đó, 3 bị cáo tại phiên toà giả định do các học sinh trường THCS xã Mai Đình vào vai diễn. Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, các bị cáo đều đang ở độ tuổi rất trẻ, đang còn đi học nhưng không lo học hành mà lại yêu đương quá sớm, thậm chí đi đánh ghen và dẫn đến những hành động không phù hợp với lứa tuổi là tung ảnh khỏa thân của đối phương lên mạng nhằm mục đích làm xấu hình ảnh, gây ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng.

Tổ chức phiên tòa giả định để giáo dục hành vi bạo lực học đường - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên toà giả định

Tại phiên toà giả định, HĐXX đã giải thích cho các bị cáo rõ, hình ảnh cá nhân của một người là được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó. Đằng này, các bị cáo không những dùng gậy đánh bạn, dùng lời lẽ lăng nhục bạn mà còn quay video lại, tung ảnh nhạy cảm của bạn để bêu xấu, nhằm làm nhục bạn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bạn. 

"Mạng xã hội là để các bị cáo khai thác phục vụ cho học hành và công việc, chứ  không phải là để các bị cáo sử dụng để lăng mạ và bêu xấu người khác như vậy, điều  đó vi phạm quy định về các điều cấm theo Luật an ninh mạng..." - Hội đồng xét xử phiên toà giả định giải thích.

Tuy nhiên, các bị cáo lần đầu phạm tội, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, hành động bột phát, có nơi cư trú ổn định nên không cần thiết phải cách ly bị cáo với xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ tác dụng. Trong thời gian bị án treo, nếu bị cáo tiếp tục phạm tội thì án treo sẽ thành án tù giam cộng với mức hình phạt của tội mới.

Tổ chức phiên tòa giả định để giáo dục hành vi bạo lực học đường - Ảnh 2.

Phiên toà thu hút đông đảo các em học sinh tham gia

Tham dự phiên toà giả định, em Phạm Nguyễn Thanh Tùng, học sinh lớp 9A3, trường THCS Mai Đình, cho biết, phiên tòa giả định đã giúp em hiểu được tầm quan trọng của phòng chống bạo lực và xâm hại học đường, giúp học sinh nhận biết cần phải có kiến thức về pháp luật và kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại như cần thông báo với thầy cô, gia đình, báo cáo công an nếu bạo lực xảy ra, hỗ trợ bạn khi bị bạo lực…

Còn em Nguyễn Phương Nhi, học sinh lớp 8A2, trường THCS Mai Đình, nhận xét: "Cách truyền thông bằng phiên toà giả định khá mới mẻ với học sinh, dễ hiểu hơn. Em mong sẽ được tham dự nhiều phiên toà giả định hơn nữa để chúng em được tiếp cận với pháp luật một cách dễ hiểu".

Tổ chức phiên tòa giả định để giáo dục hành vi bạo lực học đường - Ảnh 3.

Lãnh đạo Hội LHPN TP Hà Nội, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước Hà Nội và Hội LHPN Sóc Sơn chụp hình lưu niệm cùng các học sinh, giáo viên trường THCS Mai Đình tham gia vào các vai diễn trong phiên toà giả định

Cô Hoàng Thị Linh, Tổng Phụ trách trường THCS Mai Đình, cho biết, các học sinh tham dự phiên toà giả định đã rất chăm chú lắng nghe, thể hiện sự quan tâm của các em đối với vụ việc đang diễn ra. Đây là cách truyền thông khá hiệu quả, các em học sinh được nghe, nhìn, thấy thực tế, giúp các em hiểu thêm nhiều kiến thức pháp luật, đặc biệt là kiến thức pháp luật trong phòng chống xâm hại, bạo lực học đường đang nhức nhối hiện nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm