pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7): Để không còn nỗi đau dai dẳng với các gia đình
Tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. Ảnh: Congannghean.vn
Thời gian qua, thực trạng tội phạm mua bán người tại tỉnh Điện Biên luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Có thể thấy, nhiều phụ nữ và trẻ em nhẹ dạ, cả tin thường bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ, bóc lột sức lao động và lạm dụng tình dục... Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã tham mưu nhiều giải pháp, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, để người dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm mua bán người và không để mình trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.
Đầu năm 2019, quen một thanh niên qua mạng xã hội, ngày nào Lý Thị S. ở bản Chuyên Gia 1, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé, Điện Biên) cũng được rót vào tai những lời đường mật. S. nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Khi được kẻ đó rủ về thăm nhà ở Lào Cai, S. tỏ ra hơi e dè nhưng đối tượng bảo chỉ đi vài ngày rồi về xin bố mẹ cưới nên S. đã nhận lời.
Bạn trai đến đón S. đi Lào Cai bằng xe máy nhưng lại cứ loanh quanh ở khu vực biên giới. Ðể S. yên tâm, gã bạn trai giải thích là "đi đường tắt cho nhanh". Nhưng đi mãi không tới nhà nên S. đòi quay về thì bạn trai bảo đợi người bạn đến đón. Trong lúc hai bên giằng co, Tổ tuần tra Ðồn Biên phòng A Pa Chải đã phát hiện, kịp thời giải cứu S. và đưa về địa phương. Qua điều tra của lực lượng chức năng thì địa chỉ mà đối tượng nói dẫn Lý Thị S. về ra mắt bố mẹ hắn ở Lào Cai không có ai tên như vậy. Lúc này S. mới biết mình bị lừa.
Thào Thị P. trú tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, cũng là nạn nhân của một vụ mua bán người được công an giải cứu thành công hồi đầu năm 2018. Kể lại cái ngày du xuân định mệnh ấy, P. không khỏi rùng mình vì sợ hãi. P. bảo, quen nhau được mấy ngày, C. (đối tượng bán người) rủ P. đi chơi hội xuân Mường Nhé. Khi đến hội, C. lại rủ P. đi xã khác chơi vui hơn, nhiều trò chơi hơn nên P. đồng ý.
C. chở P. bằng xe máy, đi mãi và lần nào P. hỏi gần đến chưa thì C. đều nói sắp đến. Chỉ khi đến một nơi xa lắc thấy toàn người xa lạ, nói tiếng cũng xa lạ thì P. bắt đầu thấy sợ và kêu khóc cầu cứu. Nhưng chẳng ai hiểu và cũng chẳng ai giúp được P. Còn C. thì cầm tiền rồi ngược xe quay về.
"Sau khi được lực lượng chức năng giải cứu trở về địa phương, tôi tham gia sinh hoạt trong CLB "Phụ nữ với pháp luật". Tôi và chị em đã hiểu rõ hơn về các thủ đoạn của các đối tượng mua bán người. Mọi người cùng động viên nhau tích cực tham gia đấu tranh, tuyên truyền cho gia đình và người thân, cần phải tỉnh táo, cảnh giác với những đối tượng quen qua mạng", Thào Thị P. chia sẻ.
Lý Thị S. và Thào Thị P. chỉ là 2 trong số hàng nghìn nạn nhân bị các đối tượng mua bán người dụ dỗ bằng tình cảm. May mắn khi được lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Trên thực tế, nhiều nạn nhận đã bị lừa bán sang Trung Quốc mà không hề hay biết, đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn.
Sự phối hợp chặt chẽ của ngành công an - phụ nữ
Bà Lò Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên, cho biết, với tinh thần chủ động phối hợp ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng phụ nữ vướng vào các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn mua bán người, trong 3 năm qua, các cấp Hội đã chủ động lồng ghép đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người; vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia phát hiện đấu tranh tố giác tội phạm, duy trì 19 hòm thư tố giác tại 19 xã thuộc huyện Điện Biên. Hàng năm, hội viên phụ nữ đã cung cấp hàng trăm tin có giá trị giúp cơ quan chức năng điều tra.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Điện Biên cũng nêu ra một số vấn đề đang gặp khó khăn trong việc phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội như: trình độ, nhận thức của hội viên, phụ nữ không đồng đều, tỷ lệ phụ nữ không biết chữ còn cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhiều phụ nữ đi làm ăn xa, xuất cảnh trái phép, khó khăn đối với các cấp Hội trong nắm bắt tình hình...
"Phần lớn phụ nữ là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người rất cao. Để đẩy mạnh phòng, chống loại tội phạm này, các cấp Hội đã tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ về Luật Phòng, chống mua bán người; phương thức, thủ đoạn lừa gạt của tội phạm và các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người. Cung cấp số điện thoại đường dây nóng về phòng, chống mua bán người; tham vấn tâm lý cho nạn nhân và người nhà nạn nhân bị mua bán người", bà Lò Thị Luyến thông tin.
- Trong chuyến công tác khảo sát Nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện NQLT 01/TW về "Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội" giai đoạn 2017 - 2020 vào cuối tháng 5 vừa qua tại tỉnh Điện Biên, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa đánh giá cao những đóng góp mà Hội LHPN tỉnh Điện Biên, Công an tỉnh Điện Biên đã đạt được trong 3 năm qua trong việc thực hiện NQLT 01/TW về "Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội". Đồng thời cũng chỉ ra một số chỉ tiêu chưa đạt được. Trong thời gian tới, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam mong 2 ngành công an - phụ nữ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, để đạt được những kết quả tốt hơn.
- Đại diện Bộ Công an cho biết: Để các nạn nhân bị mua bán sau khi quay trở về địa phương được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể xã hội, các đơn vị chức năng, cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả các hoạt động tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ ban đầu cho các nạn nhân, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân; hạn chế tình trạng bị mua bán trở lại. Hội phụ nữ cũng đã rất tích cực tham gia.
Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục duy trì, nhân rộng hàng trăm mô hình, câu lạc bộ về an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm tại cơ sở như: Tổ phụ nữ tự quản bảo vệ an ninh trật tự; hòm thư tố giác tội phạm; hội nàng dâu tự quản; CLB phòng, chống tội phạm và TNXH; không có người thân nghiện ma túy và vi phạm pháp luật; xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với không TNXH; thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc; xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Phụ nữ tự quản, tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới; địchỉ tin cậy ở cộng đồng...
Đại diện Công an tỉnh Điện Biên cho biết, trong 3 năm qua, công an và phụ nữ đã chủ động phối hợp, bám sát, cụ thể hóa các nội dung trong NQLT 01 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở.
Quá trình triển khai, hai ngành công an - phụ nữ luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp. Nội dung phối hợp liên tịch tập trung, chú trọng vào công tác phòng ngừa, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ chiến sĩ lực lượng công an, hội viên phụ nữ và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp.
Thông qua công tác phối hợp đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm, TNXH ngay từ trong gia đình, được các cấp, các ngành ghi nhận, khen thưởng, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Ngành công an đánh giá cao vai trò của hội viên phụ nữ và mong muốn trong thời gian tới, Hội LHPN Điện Biên tiếp tục phát huy tốt công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người, nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn, để không còn những hậu quả khôn lường, những nỗi đau dai dẳng cho gia đình và nạn nhân của tội phạm mua bán người, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
- Trong 4 năm (2016 - 2019) toàn quốc xảy ra 1.162 vụ mua bán người, với 1.546 đối tượng, lừa bán 2.814 nạn nhân. Địa phương xảy ra nhiều là: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn... So với cùng thời gian trước, giảm cả về số vụ, đối tượng và nạn nhân, trong đó giảm 39% tổng số vụ (1.162/1.908 vụ), 46% tổng số đối tượng (1.546/2.861 đối tượng) và 24% số nạn nhân (2.814/3.717 nạn nhân).
- 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 60 vụ, liên quan đến 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019), nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em.