Dường như cái ồn ào của phố phường, cái hối hả của nhịp sống công nghiệp hóa và dấu ấn của thời gian chưa bao giờ chạm được đến chị. Câu chuyện của chúng tôi cứ tản mạn về ngày Tết. Nhắc đến Tết lòng thấy rộn rã hẳn lên khi lần lượt nhớ lại bao kỷ niệm về ngày Tết trải dài theo thời gian và đánh dấu từng bước ngoặt trong cuộc đời chị.
Ngọc Huyền sinh ra trong một gia đình không ai làm nghệ thuật, nhà có 4 anh chị em. |
Ngay từ nhỏ, Ngọc Huyền đã được mẹ giao cho quản lý toàn bộ tem phiếu của cả gia đình. Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là vậy nên một cô bé mới học cấp hai như chị đã biết điều phối, tự mình cải thiện những bữa ăn trong gia đình, chị chủ động lên lịch cho bao nhiêu ngày thì ăn cá, bao nhiêu ngày thì đổi món đậu… Thời đó, lương thực thực phẩm khan hiếm, để có cái Tết đầy đủ hương vị cổ truyền thì chị và mẹ đã phải tích cóp thực phẩm từ rất sớm, khi thì cân đậu xanh, lúc lại ít mộc nhĩ… Rồi những ngày giáp Tết, “cô Tấm Ngọc Huyền” lại cặm cụi ngồi nhặt hạt gạo tẻ lẫn trong đám gạo nếp để bánh chưng gói được dẻo, thơm. Rồi đãi đỗ, vo gạo, rửa lá bánh… Chị bảo, hồi bé, Tết năm nào chị cũng ốm vì dầm nước lạnh quá nhiều.
Ngày về nhà chồng, chị được mẹ chồng tin tưởng giao toàn bộ việc lo Tết, đối nội đối ngoại trong nhà. Hơn 30 năm làm dâu, cuộc sống thay đổi từng ngày nhưng thói quen ấy của chị chưa bao giờ thay đổi. Sáng 30 Tết, chị dậy sớm đi chợ rồi làm mâm cơm tất niên để chiều 30 cả gia đình quây quần. Cơm nước xong, cả nhà mỗi người một việc cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa. Có những năm, anh chị phải đi diễn đêm 30, mâm cỗ cúng giao thừa được chuẩn bị kĩ lưỡng từ chiều. Rời ánh đèn sân khấu trở về nhà lúc 12h kém, chị lại tất bật bày biện mâm cơm cúng để đón năm mới. Gia đình chị giữ thói quen đi chùa cầu an vào sáng mùng Một.
Chị bảo: “Đời người công danh, tiền bạc chỉ là phù du, cái quan trọng nhất là sự bình an trong mỗi con người, mỗi gia đình”. |
3- Sự bình an trong gia đình được chị và anh kiến tạo bằng những bữa ăn hàng ngày, bằng sự hy sinh thầm lặng của một nghệ sĩ có tài trên sân khấu nhưng lại vui vẻ lui về hậu phương để chăm sóc gia đình. Chị bảo, lập gia đình bao nhiêu năm là từng ấy năm chị duy trì tình yêu với căn bếp nhỏ nhưng nơi ấy, lại chứa đựng cả một tình yêu lớn. Dù cho bận rộn thế nào, gia đình chị vẫn duy trì ngày 2 bữa cơm do chính tay chị nấu.
Những lúc bận rộn tập vở mới, buổi sáng đưa con đi học rồi chị đến nhà hát, tranh thủ lúc chưa đến lượt lên sàn chị ghé qua chợ mua thức ăn rồi quay về tập. Những lần đi công tác, trong vali của anh chị lủng củng xoong, nồi, bếp ga, bếp dầu… Đến những địa phương khác, trong khi các đồng nghiệp tranh thủ ban ngày không phải diễn để tìm hiểu khám phá về miền đất mới thì chị lại dò dẫm tìm đường ra chợ, rồi trở về xoay xở trong không gian chật hẹp của khách sạn để chồng con có bữa ăn ngon, hợp khẩu vị, đảm bảo sức khỏe.
Chả thế mà NSƯT Chí Trung, chồng chị ,luôn nói: “Đi đâu, ăn gì cũng không ngon bằng cơm bà Huyền”. |
Nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn khi con còn nhỏ, kinh tế thiếu thốn chị mỉm cười hiền hậu và bảo: “Mình cũng tự thấy phục bản thân mình, chắc lúc đó mình là… siêu nhân!”. Chị có sở thích và niềm vui đặc biệt là được chăm sóc, lo lắng cho chồng con. Nếu không có lý do đặc biệt chị không bao giờ vắng mặt trong những giờ tan học của con. Chị bảo, chúng ở trường cả ngày, lúc tan học nếu nhìn thấy mẹ đứng đợi để đón về chắc hẳn chúng sẽ rất vui. Ngay cả khi cô con gái lớn của chị đổ vỡ trong hôn nhân, chị vẫn đồng hành, động viên và an ủi con...
Giờ đây, khi con cái đã trưởng thành và ra ở riêng, anh chị lại có thời gian sống lại quãng thời gian “vợ chồng son”, cùng nắm tay đi chơi, đi du lịch. Cái nắm tay của thứ hạnh phúc được xây dựng từ sự yêu thương tận tâm ấy luôn bền chặt theo thời gian. |
Không chỉ có thế chị còn là một người phụ nữ luôn yêu và trân trọng cái đẹp, không có lợi thế về chiều cao nhưng chị vẫn giữ được nước da trắng trẻo, đôi mắt sống động, nụ cười hồn hậu. Việc nhà, việc cơ quan bận rộn là thế nhưng chị không bao giờ lơ là việc chăm sóc bản thân.
Chia sẻ bí quyết làm đẹp, chị nói: “Đừng chờ đến khi xuất hiện những dấu hiệu lão hóa thì chị em mới lo khắc phục, mà ngay từ khi còn trẻ chúng ta phải có ý thức giữ gìn. Giống như trồng một cái cây, ngay từ đầu đã tưới nó bằng thứ nước sạch, cho hít thở thứ không khí trong lành thì cái cây ấy chắc chắn sẽ xanh tươi”.
Với gia đình là vậy, còn trong công việc chị cũng miệt mài và thầm lặng. Được phong Nghệ sĩ ưu tú từ rất sớm, bao năm qua chị vẫn gắn bó với sàn diễn nhà hát Tuổi trẻ. |
Chị bảo, bản thân chị phải từ chối nhiều cơ hội làm phim vì sợ những lần đi làm phim xa ở nhà không ai lo cơm nước cho chồng con. Đối với các bạn đồng nghiệp hoặc những diễn viên mới vào nghề của nhà hát chị vẫn nhiệt tình góp ý cho họ để hoàn thiện hơn vai diễn bằng kinh nghiệm của bao năm trên sân khấu.
Đến khi người bạn đời của mình là NSƯT Chí Trung được giao trách nhiệm làm quản lý, một lần nữa chị lại lui về làm “hậu phương vững chắc” để anh được yên tâm gánh vác trách nhiệm mới.