Nghệ sĩ Xuân Bắc: Bố mẹ không nên "nhờ" điện thoại trông con

PV
01/06/2021 - 16:18
Nghệ sĩ Xuân Bắc: Bố mẹ không nên "nhờ" điện thoại trông con

Ảnh minh họa

"Tôi không phản đối việc cho trẻ tiếp xúc với tivi, điện thoại, Internet vì trong thời đại công nghệ, đó cũng là một cách học, cách chơi, giải trí, tuy nhiên bố mẹ không nên cho con dùng điện thoại như là cách để trông con, để con không làm phiền đến mình", NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.

Năm 2021, trong bối cảnh cả nước đồng lòng, chung tay chống dịch Covid-19, Tháng Hành động Vì trẻ em được phát động với chủ đề "Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh". Tháng Hành động tập trung vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch; hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Nghệ sĩ Xuân Bắc: Bố mẹ đừng “kỳ thị” điện thoại, ti vi - Ảnh 1.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19

Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến "Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19" với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children). Đây là sự kiện khởi động Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2021.

Chia sẻ về các thông điệp của Tháng Hành động, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, nhấn mạnh: "Năm 2021, với bối cảnh đại dịch, chúng ta càng cần đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh. Năm nay, chủ đề chính xoay quanh các vấn đề về Bảo vệ trẻ em trong khu cách ly, hướng dẫn cha mẹ đồng hành cùng con cái trong mùa dịch, sử dụng internet an toàn, phòng chống tai nạn thương tích - đuối nước trẻ em và các vấn đề chăm sóc sức khoẻ thể chất tinh thần, phát huy quyền tham gia của trẻ em trong gia đình...".

Là người đã chủ động tình nguyện cách ly cùng học sinh trường Tiểu học Xuân Phương (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) để chăm lo cuộc sống cho toàn bộ học sinh, phụ huynh, nhân viên nhà trường vào những ngày giáp Tết vừa qua, bà Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương, chia sẻ: "Những ngày đầu cách ly, việc thu xếp cho các con ăn nghỉ và làm các thủ tục xét nghiệm làm tôi và tất cả đồng nghiệp cũng như các bậc phụ huynh học sinh ăn không ngon, ngủ không yên, nên thực sự không ai để ý nhiều đến tâm lý các em. Học sinh phần lớn là buồn, có con nhớ nhà, nhớ bố mẹ đã bật khóc, các cô và các phụ huynh khác phải dỗ dành. Thương các con, tôi luôn phải cố kìm nén cảm xúc của mình lại. Bây giờ nhớ lại những việc mà thầy và trò trường Tiểu học Xuân Phương đã trải qua, không thấm gì so với các trẻ em vùng dịch, vùng biên giới xa xôi đang phải cách ly vì dịch bệnh. Tôi rất đau lòng khi nghĩ đến dịch bệnh. Mong rằng chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch Covid-19, trẻ em được đến trường, phụ huynh được yên tâm công tác". 

"Việc học của các con còn lâu dài. Trong thời gian này, an toàn của các con là trên hết. Các phụ huynh không nên quá lo lắng về việc con chưa kịp thi hết năm học thì đã nghỉ hè. Khi nào dịch được kiểm soát, các con quay lại trường thì các thầy cô sẽ hướng dẫn các con ôn tập kiến thức", bà Lan chia sẻ.

Nghệ sĩ Xuân Bắc: Bố mẹ đừng “kỳ thị” điện thoại, ti vi - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Xuân Bắc: "Bố mẹ không nên cho con dùng điện thoại như là cách để trông con, để con không làm phiền đến mình"

2 con nhỏ tinh nghịch đã phải nghỉ hè sớm và chỉ được hoạt động trong nhà, không thể đi học hay tham gia các hoạt động ngoài trời như cắm trại hay thể thao, NSƯT Xuân Bắc đã mang đến những câu chuyện, kinh nghiệm thú vị khi đồng hành cùng các con. Anh cho biết: "Việc cách ly không chỉ là thử thách với trẻ em mà còn là thử thách với người lớn. Nếu người lớn cảm thấy khó khăn bao nhiêu thì trẻ em còn khó khăn hơn rất nhiều. Chính người lớn phải có tinh thần lạc quan thì mới có thể có tác động tích cực lên các con. Bố mẹ hãy dành thời gian có chất lượng cho con! Bằng việc chơi với con toàn tâm toàn ý, bố mẹ sẽ thấy được sự phát triển của con và con cũng cảm thấy không nhàm chán. Tôi không phản đối việc cho trẻ tiếp xúc với tivi, điện thoại, Internet vì trong thời đại công nghệ, đó cũng là một cách học, cách chơi, giải trí, tuy nhiên bố mẹ không nên cho con dùng điện thoại như là cách để trông con, để con không làm phiền đến mình. Đối với trẻ em, những điều mới mẻ đều đáng để khám phá và các bậc phụ huynh cần hướng con tới những điều mới mẻ, bổ ích".

Từ góc độ của chuyên gia tâm lý đã có nhiều năm làm công việc tham vấn, tư vấn tâm lý trẻ em, chuyên gia Nguyễn Hà Thành đưa ra một số lời khuyên để chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho trẻ em: "Khi ở trong nhà quá lâu, trẻ em cũng có thể gặp phải những căng thẳng kéo dài dẫn đến vấn đề tâm lý. Chúng ta dù có nỗ lực đến bao nhiêu, chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Bố mẹ cũng có thể trò chuyện, chia sẻ với các con về những cảm xúc của mình một cách khéo léo, phù hợp với khả năng hiểu của trẻ, để trẻ học cách quan tâm, chăm sóc bố mẹ, gia đình. Tôiđồng ý với việc bố mẹ cần dành thời gian chơi với con toàn tâm toàn ý, 5-10 phút mỗi ngày cũng là tuyệt vời. Về khía cạnh truyền thông, tôi thấy còn khá ít chương trình truyền thông về đại dịch cho trẻ em. Hiện nay, trẻ em đang nghỉ học rất nhiều, vì vậy, nên có những chương trình truyền thông thân thiện, gần gũi hơn với trẻ em để các em nhận thức được mình cần làm gì, hiểu được trách nhiệm của các em. Điều này sẽ giảm thiểu những căng thẳng tâm lý, những điều bất ngờ ập đến với các em".

Nghệ sĩ Xuân Bắc: Bố mẹ không nên "nhờ" điện thoại trông con - Ảnh 3.

Các cháu trong các Khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) khi nhận quà Tết Thiếu nhi 1/6 luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, đảm bảo phòng, chống dich COVID-19. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Về phía các cơ quan nhà nước, bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh: Cục Trẻ em cũng như các bên liên quan đang tiếp tục nỗ lực để bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong các khu vực cách ly và địa bàn giãn cách xã hội. Cụ thể, bà Nga cho hay: "Phương châm của Cục Trẻ em là "Không để trẻ em nào cần hỗ trợ mà không được hỗ trợ trong thời kỳ này". Đến thời điểm hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương đặc biệt quan tâm đến trẻ em. Đối với trẻ em là F0, F1, các đơn vị chức năng sẽ có những kế hoạch cụ thể để hỗ trợ kinh phí cho trẻ em trong các khu cách ly tập trung. Trong Tháng Hành động vì trẻ em, Cục Trẻ em cũng sản xuất những chương trình để cung cấp những chính sách, chương trình hỗ trợ trẻ em. Ngoài ra, các gia đình có thể gọi đến Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn, hỗ trợ khi gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ em trong giai đoạn này".

Tặng quà 1/6 cho con em y, bác sĩ tình nguyện chi viện phòng chống dịch Covid-19 ở Bắc Giang
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm